Máy bay lớn nhất thế giới Airlander 10. (Nguồn: telegraph)
Chiếc máy bay lớn nhất thế giới đã gặp phải sự cố khi hạ cánh trong chuyến bay thử lần thứ hai sau khi được sửa sang lại ở Anh.
Airlander 10, thực tế là phương tiện lai giữa máy bay, trực thăng và khí cầu, đã bị hư hỏng tại trường bay Cardington, Bedfordshire trong sáng 24/8.
Những hình ảnh cho thấy chiếc máy bay này đã gặp sự cố khi hạ cánh với phần mũi cắm thẳng xuống đất.
Hybrid Air Vehicles (HAV), công ty phát triển Airlander 10 đã đăng một thông báo trên Facebook về sự việc như sau: “Chúng tôi đang điều tra về sự việc xảy ra trong chuyến bay thử lần thứ hai sáng nay. Toàn bộ phi hành đoàn đều an toàn, và không ai bị thương.”
Ban đầu được phát triển theo đơn đặt hàng của chính phủ Mỹ như một máy bay giám sát có thời gian hoạt động dài, Airlander 10 là kết quả của chiến dịch mang chiếc máy bay trở lại bầu trời của HAV, sau khi gặp phải đợt cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Airlander 10 dài hơn các máy bay chở khách lớn nhất hiện nay tới 15m, và sử dụng khí heli để có thể bay trên trời với tốc độ tối đa 92 dặm/giờ.
Chiếc máy bay đã hoàn thành chuyến bay thử đầu tiên thành công mà không gặp tai nạn nào hôm 17/8 vừa qua. Nó đã lượn một vòng trên trường bay trước khi hạ cánh 30 phút sau đó.
Đó là thành công bước đầu trong chuỗi 200 giờ bay thử cho chiếc máy bay rộng 44m và cao 26m này. Airlander 10 có thể bay trên trời suốt 5 ngày trong các chuyến bay có người lái.
HAV khẳng định rằng Airlander 10 có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, như giám sát, liên lạc, vận chuyển cứu trợ, thậm chí chở khách. Công ty cũng hy vọng sẽ phát triển được mẫu máy bay Airlander 50 có khả năng chở hàng lên đến 50 tấn.