Máy bay không gian lùi ngày cất cánh

GD&TĐ - Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến máy bay không gian Dream Chaser của Công ty Sierra Nevada phải lùi ngày cất cánh dự kiến sang năm 2022.

Ngày cất cánh của Dream Chaser chưa được công bố.
Ngày cất cánh của Dream Chaser chưa được công bố.

Nền tảng của tầm nhìn

Dream Chaser là một trong những phương tiện chở hàng do NASA chế tạo. Một khi bắt đầu cất cánh, Dream Chaser sẽ tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), cùng với Dragon của SpaceX và khoang chứa Cygnus của Northrop Grumman.

Tuy nhiên, ngay cả khi việc kế hoạch cất cánh của máy bay không gian này bị trì hoãn, công ty mẹ của Dream Chaser vẫn tiếp tục hướng tới việc đưa con người lên Mặt trăng và cuối cùng là sao Hỏa.

“Chúng tôi đã có tầm nhìn về tương lai ở đây với công nghệ mà chúng tôi đang tạo ra. Những gì chúng tôi thực sự thấy là loại hình kinh tế không gian thương mại sôi động, nhộn nhịp đang phát triển”, Neeraj Gupta - Giám đốc chương trình của Nhóm Phát triển Nâng cao tại Sierra Nevada Corporation, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 11/2020.

Theo Giám đốc Gupta, Dream Chaser là một nền tảng của tầm nhìn đó. Một yếu tố quan trọng khác là công ty đang ấp ủ sản phẩm Môi trường vải bơm hơi lớn (LIFE). Đây là một cấu trúc ba tầng có khả năng chứa các nhà thám hiểm trên Mặt trăng hoặc sao Hỏa trong tối đa 90 ngày.

Dream Chaser được cho là sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong số 6 chuyến bay vận chuyển hàng hóa cho NASA đến và đi từ ISS vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Sierra Nevada, sự chậm trễ đã khiến kế hoạch phải lùi lại năm 2022.

Steve Lindsey - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chiến lược của Hệ thống Không gian Sierra Nevada Corporation, cho biết: “Đây là một năm đầy cố gắng với các hạn chế và cách ly do Covid-19. Tình huống của đại dịch đã buộc công ty, giống như nhiều doanh nghiệp khác, phải tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để tiếp tục đáp ứng thời hạn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vượt qua các thách thức Covid-19 mang lại, xây dựng máy bay không gian này. Và, chúng tôi sẽ đưa nó cất cánh ngay khi có thể thực hiện điều đó một cách an toàn”.

Sự chậm trễ khác đến từ việc nhà cung cấp ngừng hoạt động do đại dịch bùng phát. Các thách thức kỹ thuật không liên quan đến đại dịch cũng gây ra vấn đề, mặc dù Phó Chủ tịch Lindsey không nói rõ. 

“Tất cả những điều đó đã khiến cho kế hoạch bị dời lại một chút”, nhà lãnh đạo công ty chia sẻ.

Theo đuổi ước mơ

Dream Chaser có sức chứa nhiều hơn 6 người.
Dream Chaser có sức chứa nhiều hơn 6 người.

Dream Chaser được thiết kế để giúp các chuyến bay vào không gian dễ tiếp cận hơn, bằng cách hạ cánh xuống bất kỳ đường băng nào dành cho máy bay Boeing 737. Bên cạnh đó, máy bay không gian này được thiết kế mô-đun, cho phép nó chứa nhiều loại hàng hóa có thể dễ dàng tiếp cận ngay sau khi hạ cánh.

Sierra Nevada hiện có hợp đồng với NASA cho tối thiểu 6 sứ mệnh lên ISS. Và, những nhiệm vụ đó được coi là động lực chính cho nhóm Dream Chaser ở hiện tại. Tuy nhiên, thực tế, chiếc máy bay không gian này được thiết kế để có sức chứa lớn hơn nhiều so với 6 người.

“Khi bạn định làm một thứ gì thương mại như chúng tôi đang cố gắng làm, bạn phải có tầm nhìn xa và điều đó bắt đầu từ thiết kế của bạn”, Lindsey nói.

Mặc dù giữ cam kết với ISS, nhưng Công ty Sierra Nevada cũng đang tìm kiếm các khách hàng tiềm năng khác. Theo Phó chủ tịch Lindsey, sẽ vẫn luôn có nhu cầu ở các thị trường khác. Tới nay, thành công lớn nhất của công ty là được thực hiện thử nghiệm từ các nước thành viên của Liên Hợp Quốc vào năm 2024.

Trong khi chiếc máy bay Dream Chaser đầu tiên, có tên là Tenacity, đang đi vào giai đoạn cuối, chiếc thứ hai hiện cũng được sản xuất. Cả hai phương tiện đều được chế tạo để đảm nhận 15 sứ mệnh.

Công ty cũng đang xem xét một phiên bản Dream Chaser có người lái, mặc dù họ chưa có hợp đồng nào cho chiếc máy bay như vậy. Một thiết kế có phi hành đoàn sẽ rất giống với máy bay chở hàng, được bổ sung thêm ghế ngồi và thiết bị hỗ trợ sự sống, cũng như một hệ thống phá hủy. Nhờ đó, cho phép các phi hành gia thoát ra nhanh chóng và an toàn trong trường hợp khẩn cấp.

Và, Phó Chủ tịch Lindsey nhận định, một phiên bản máy bay dành cho con người vẫn là phần quan trọng của tầm nhìn Dream Chaser. “Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng quyết tâm để chế tạo phương tiện như vậy”, ông Lindsey khẳng định.

Tòa nhà chọc trời trong không gian

Ngay cả khi Sierra Nevada đối mặt với sự chậm trễ trong kế hoạch của Dream Chaser, công ty vẫn tiếp tục thúc đẩy việc tạo ra một môi trường không gian. Môi trường LIFE là một trong năm khái niệm được NASA xem xét cho kiến ​​trúc chương trình Artemis. Đây là một cấu trúc sống có thể bơm hơi và được sử dụng trên quỹ đạo hoặc bề mặt của Mặt trăng hay hành tinh.

“Về cơ bản, đó là một tòa nhà chọc trời của không gian. Môi trường LIFE có thể bơm hơi đủ nhỏ để đặt vừa bên trong ống dẫn tên lửa dài 5,4 mét. Chúng tôi có thể khởi động kế hoạch này trên một phương tiện phóng thương mại hiện nay. Môi trường LIFE sẽ kéo dài khoảng thời gian con người có thể ở trên bề mặt của Mặt trăng, lên ít nhất 90 ngày và lâu hơn” - Giám đốc Gupta nói.

Không chỉ nhắm tới Mặt trăng, sao Hỏa cũng là một trong những mục tiêu của công ty. Gupta cho biết, khả năng mở rộng của môi trường LIFE là một điểm cộng cho các chuyến hành trình dài đến Hành tinh Đỏ.

Sierra Nevada chưa công bố thời điểm cụ thể Dream Chaser sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2022. Tuy nhiên, Lindsey đã mô tả cách những hạn chế của đại dịch đã ngăn cản các kỹ sư có mặt tại hiện trường để thử nghiệm cấu trúc của mô hình. Thay vào đó, các kỹ sư giám sát từ xa qua những lần thử nghiệm từ một trung tâm điều khiển sứ mệnh ở Colorado. Mặc dù giải pháp cho phép thử nghiệm tiếp tục, nhưng sẽ phải mất gấp ba hoặc bốn lần thời gian cần thiết.
Theo Space

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.