Những Mặt trăng tí hon là những tiểu hành tinh nhỏ - đường kính từ 1 - 2 m, quay xung quanh Trái đất trong một thời gian. Cho đến nay, việc phát hiện ra các Mặt trăng tí hon hầu như là bất khả thi – do kích thước của chúng không lớn.
Hiện giờ, theo nhà khoa học Robert Jedicke ở Đại học Hawaii (Mỹ), tình hình đã đổi khác.
“Các tiểu hành tinh này đến từ vành đai tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Chúng bay đến Trái đất do kết quả tương tác hấp dẫn giữa Mặt trời và các hành tinh trong Thái Dương hệ. Việc phát hiện ra các tiểu hành tinh này là một thách thức lớn” – Nhà khoa học Jedicke nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Jacdicke và các đồng nghiệp cũng cho rằng, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc phát hiện các Mặt trăng tí hon là khả thi.
Các Mặt trăng tí hon có thể giúp khai thác thông tin về thành phần cấu tạo nên tiểu hành tinh. Theo nhà khoa học Mikael Granvik (ĐH Hawaii), các thiên thạch rơi xuống Trái đất chỉ có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu tiểu hành tinh một cách gián tiếp, bởi chúng bị phá hủy một phần khi bay trong khí quyển Trái đất.
Trong khi đó, các Mặt trăng tí hon, theo các nhà khoa học, cung cấp cho chúng ta một lượng lớn vật chất từ tiểu hành tinh cần nghiên cứu trên Trái đất.
Ngoài ra, các tiểu hành tinh còn có thể mang lại cơ hội phát triển và thử nghiệm khai thác khoáng chất từ tiểu hành tinh, thử nghiệm công nghệ bảo vệ Trái đất trước nguy cơ va chạm với các tiểu hành tinh lớn.
Cho đến nay, Mặt trăng tí hon duy nhất được phát hiện là 2006 RH120. Tuy nhiên có những sự kiện, hiện tượng cho thấy còn có nhiều những Mặt trăng tí hon như vậy.