Mất trắng gần 20 tỷ đồng vì sàn 'chứng khoán quốc tế' GKFX, ACX, SEA Investing

GD&TĐ -Nhiều nạn nhân trong cả nước gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo đối tượng  Trần Đình S. và một số cá nhân có hành vi rủ rê, lôi kéo.

Mất trắng gần 20 tỷ đồng vì sàn 'chứng khoán quốc tế' GKFX, ACX, SEA Investing

Thời gian qua, nhiều nạn nhân trong cả nước gửi đơn đến các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương tố cáo đối tượng Trần Đình S. cùng một số cá nhân có hành vi rủ rê, lôi kéo nhiều người tham gia đầu tư chứng khoán, cổ phiếu quốc tế chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Bên ngoài một trụ sở sàn chứng khoán quốc tế bất hợp pháp tại Hà Nội

Thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư

Phản ánh về tòa soạn, Bà L.Đ.M.H (1981), trú P. Hòa Thọ Đông, Đà Nẵng, trình bày:

“Ngày 18/3/2022, tôi được 1 người giới thiệu là nhân viên sàn GKFX có trụ sở tại số 1-Lê Đình Lý, quận Hải Châu nhắn tin zalo đề nghị đầu tư chứng khoán, cổ phiếu quốc tế.

Ban đầu từ chối, tuy nhiên người này liên tục nhắn tin zalo, gọi điện thoại… nên tôi đồng ý tham gia. Ngày 19/3/2020, yêu cầu tôi gửi bản sao CMND để mở tài khoản trên phần mềm MetaTrader 4, địa chỉ mail: ledinhminhhien@.com.

Qua ID giao dịch MT4: 14118108. Ngày 20/3/2020, tôi nạp số tiền là 998 USD vào tài khoản. Lúc đó, một người tên Ánh gọi từ số điện thoại 0852500239 giới thiệu là nhân viên cấp cao của GKFX được đi học ở nước ngoài về để hướng dẫn tôi vào lệnh và buộc phải đảm bảo cam kết theo đúng hướng dẫn đặt lệnh mới có lợi nhuận.

Sau đó bạn bảo nạp tiền thêm và hướng dẫn đặt lệnh ngược với xu hướng thị trường để tài khoản âm hết số tiền đã nộp.

Do thiếu hiểu biết và tin tưởng vào lời hứa sau khi nạp tiền vào sẽ rút được số tiền gốc về luôn trong ngày nên trong thời gian chưa đầy 1 tháng (đến ngày 17-4-2020) tôi thực hiện 17 lần nộp số tiền 315.000 USD (tương đương 8 tỷ VN đồng) vào tài khoản và thực hiện việc giao dịch theo hướng dẫn đặt-chốt lệnh của Ánh.

Kết quả của những lần giao dịch như vậy, tài khoản của tôi đã bị cháy hoàn toàn với số tiền 8 tỷ đồng. Sau khi mất tiền, tôi nhận điện thoại của người tên Bảo giới thiệu là nhân viên cấp cao của GKFX và thông báo được công ty giao hỗ trợ giúp tôi giao dịch lấy lại số vốn đã mất.

Tin lời, tôi nộp vào 2 lần với số tiền 4 tỷ đồng rồi đặt lệnh theo hướng dẫn của Bảo. Cũng như lần trước, càng đặt… càng thua. Kết quả sau nhiều lần lên sàn 12 tỷ đồng đã "không cánh mà bay" và mọi liên lạc với Ánh và Bảo cũng bị cắt đứt.

Lúc này, có người vào Đà Nẵng gặp và giúp đỡ tôi bằng cách đứng ra mua 1 căn nhà tại địa chỉ 157-đường 29/3 và thửa đất số 67, B1.5, Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và lô số 88, phân khu B2.4, Khu TĐC số 1 Hòa Thọ-Hòa Nhơn để lấy tiền trả nợ.

Anh ta yêu cầu tôi chuyển quyền sử dụng đất cho vợ chồng Nguyễn Thị Thủy - Lê Doãn Bình, thường trú tại phường 8, TP Vũng Tàu. Riêng lô số 88, phân khu B2.4, Khu TĐC số 1 Hòa Thọ - Hòa Nhơn chuyển quyền sử dụng đất cho Lê Khắc Ngọ để rao bán cho người khác.

Khi kiểm tra lại thông tin của nhân viên sàn GKFX tư vấn cho mình, tôi đã phát hiện những nhân viên của sàn liên hệ với tôi đều không cung cấp họ, tên đầy đủ, CMND, sử dụng tài khoản zalo ảo, dùng ảnh đại diện của người khác để liên hệ…

Và, bằng thủ đoạn chuyên nghiệp đã tư vấn sai sự thật, giới thiệu đây là sàn chứng khoán quốc tế có trụ sở đóng tại Anh Quốc nhưng thực chất đây là một sàn tự lập ra nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những nạn nhân nhẹ dạ, cả tin…”.

Theo tìm hiểu, các đối tượng như Trần Đình S… đã tổ chức đào tạo đội ngũ nhân viên một cách bài bản và phát triển hệ thống mỗi tỉnh, thành có 1 văn phòng giao dịch để hoạt động theo hình thức đa cấp…

Với những thủ đoạn tinh vi, như: thay đổi tên pháp nhân giao dịch, cung cấp thông tin sai sự thật… cộng với sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người, chỉ trong 2 năm hoạt động N cùng với cộng sự của mình đã "mời gọi" hàng ngàn người tham gia các sàn chứng khoán ảo để chiếm đoạt tài sản với số lượng vô cùng lớn.

Nhà đầu tư bị hành hung bởi các đối tượng xã hội đen, côn đồ

Triệt phá những tổ chức lừa đảo đội lốt chứng khoán đang làm khổ người dân

Bằng cách xây dựng hệ thống các sàn lừa đảo, hoạt động theo mô hình đa cấp như LCM, ACXFX, SCOPE MA, BOSTONMEX…đã khiến rất nhiều người dân rơi vào cảnh lao đao vì nợ nần.

Trong khi đó, các nạn nhân của hệ thống này vẫn đang mong mỏi từng ngày sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Thủ đoạn chung của những sàn lừa đảo này là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội zalo, facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".

Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản; sau đó, tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư.

Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.

Nhà đầu tư trên các sàn giao dịch này thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỷ đồng).

Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền.

Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan Công an.

Chị T.T.T.D, một nạn nhân bị lừa mất hơn 5,3 tỷ đồng cho biết: “Hệ thống sàn chứng khoán quốc tế giả mạo LCM, ACXFX, BOSTONMEX…đang ngang nhiên hoạt động tại Việt Nam mà chưa bị xử lý.

Chúng tôi cũng đã làm đơn thư tố cáo gửi nhiều nơi như Bộ Công an và Văn phòng Quốc hội. Chúng tôi mong rằng pháp luật sẽ sớm vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng này”.

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng những hoạt động phi pháp của sàn chứng khoán ảo do các đối tượng cầm đầu sẽ sớm bị phanh phui, xử lý theo quy định của pháp luật và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân.

Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia.

Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ