“Chứng khoán quốc tế” ACX, LCM, SEA Investing, DK Trade coi thường pháp luật

GD&TĐ - Không chỉ coi thường pháp luật, đường dây lừa đảo này còn dùng mọi thủ đoạn đe dọa, đánh đập nạn nhân.

Hệ thống lừa đảo không từ thủ đoạn uy hiếp nạn nhân

Những ngày qua, thông tin về đường dây lừa đảo đội lốt “chứng khoán quốc tế” ACX, LCM, SEA Investing, DK Trade, Scope Markets… đang được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm.

Sau loạt bài bóc trần thủ đoạn lừa đảo, cũng như vạch mặt các cá nhân đứng sau điều hành hệ thống lừa đảo này, các nạn nhân trên cả nước đều mong muốn Chính phủ và Bộ Công an vào cuộc truy quét hàng trăm sàn chứng khoán lừa đảo này.

Hành động này không chỉ đem lại sự công bằng cho các nạn nhân mà còn ngăn chặn tình trạng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh.

Để vạch mặt hệ thống lừa đảo này, đã có nhiều nạn nhân dũng cảm đứng lên tố cáo đến cơ quan chức năng, cơ quan báo chí.

Tuy nhiên nhóm lừa đảo chẳng những không chùn tay mà chúng còn công khai thách thức nhà đầu tư, dùng đủ chiêu trò, không từ thủ đoạn uy hiếp tinh thần, thể chất của những nạn nhân. Đây có lẽ là ổ nhóm lừa đảo manh động và nguy hiểm nhất hiện nay.

Chị N.L.A một nạn nhân tại Hà Nội rất tích cực tố cáo ổ nhóm lừa đảo đến cơ quan chức năng bị chúng dùng đủ mọi chiêu trò để khủng bố.

“Khi thì chúng cho người gọi điện giả vờ là shipper giao hàng để quấy nhiễu tôi. Khi thì chúng lấy thông tin cá nhân, ảnh chân của tôi vào mục đích xấu. Hàng ngày, tôi đều nhận được những cuộc điện thoại từ số máy lạ nhằm đe dọa, thách thức bởi vì chúng biết tôi là đại diện nhóm nạn nhân.

Thi thoảng, chúng cho xã hội đen quanh quẩn, lượn lờ quanh khu nhà tôi với mục đích đe dọa, uy hiếp. Những thủ đoạn của chúng rất bẩn thỉu và vô nhân đạo. Chúng chẳng những lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân mà còn quay ra đe dọa ngược, dùng xã hội đen để đánh nạn nhân”, chị L.A cho biết.

Một nạn nhân khác tại miền Nam bị xã hội đen dàn cảnh va chạm giao thông để đánh giữa đường. Không dừng lại tại đó, nạn nhân này còn bị khủng bố trên mạng xã hội với những lời lẽ đe dọa đến gia đình.

“Chúng lấy ảnh của tôi sau đó bịa thông tin tôi vay tiền khắp nơi. Sau đó chúng gửi thông tin bịa đặt này cho gia đình, người thân và bạn bè của tôi. Không chỉ vậy, tôi luôn nhận được những tin nhắn, cuộc gọi đe dọa từ xã hội đen. Chúng nói nếu tôi còn đến sàn chứng khoán sẽ cho người đánh bất cứ lúc nào, thậm chí sẽ gửi quan tài đến cửa nhà”, nạn nhân này kể lại.

Nạn nhân bị xã hội đen đánh đập tại trụ sở của sàn - 68 Nguyễn Cơ Thạch

Đối với những nạn nhân khác khi đến trụ sở của hệ thống sàn chứng khoán quốc tế lừa đảo, chủ sàn cho xã hội đen bao vây, đánh đập nạn nhân trước sự chứng kiến của ban quản lý tòa nhà và bảo vệ.

Trong tháng 4/2022, một số nạn nhân của hệ thống sàn chứng khoán lừa đảo này đã đến trụ sở tại miền Bắc nằm tại tầng 20,22 tòa nhà 68 Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Quản lý của sàn là Nguyễn Đức Nguyện đã cho xã hội đen hành hung 3 nhà đầu tư khiến những người này phải nhập viện.

Vụ việc đã được công an quận Nam Từ Liêm thụ lý và lấy lời khai của các nạn nhân. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Ngay sau đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý hệ thống sàn chứng khoán lừa đảo đang lũng đoạn thị trường tài chính, đẩy hàng triệu người dân Việt Nam vào cảnh nợ nần, khó khăn.

Hoạt động của tổ chức lừa đảo này đã lan rộng khắp cả nước và được điều hành bởi Trần Đình Sang và 1 số người khác.

Trợ giúp cho Sang là hệ thống quản lý, nhân viên với những cái tên như Nguyễn Đức Nguyện, Trang Ngọc, Hoàng Triều, Nguyễn Ngọc Hùng, Đào Kim Long…

Dựa theo thông tin phản ánh của nhà đầu tư, số lượng những sàn lừa đảo kiểu này trên cả nước phải đến con số hàng trăm. Doanh thu từ hệ thống ước tính vài nghìn tỷ đồng/ tháng.

Trần Đình Sang là hai quản lý trực tiếp của hệ thống sàn chứng khoán lừa đảo

Đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

Lần theo manh mối của những sàn chứng khoán quốc tế lừa đảo sẽ thấy tất cả đều là chân rết của Công ty Trách nhiệm hữu hạn GCG Asia. Đây là công ty lừa đảo xuyên quốc gia, hoạt động mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Campuchia, Việt Nam.

Tại Việt Nam, GCG ASIA hoạt động dưới hai tên, trong đó có GCFX. GCG ASIA xây dựng hệ thống các sàn chi nhánh dưới nhiều cái tên như SCOPE MARKETS, DK TRADE, ACXFX, LCM…và sử dụng chung một nền tảng giao dịch là Metatrader 4, Metatrader 5 (hay còn được gọi là MT4, MT5).

Năm 2019, Thủ tướng Campuchia - Hun Sen đã đưa ra “Thông báo khẩn cấp an ninh quốc gia” nói rằng tập đoàn tài chính GCG Asia là lừa đảo và họ đã sử dụng hình ảnh và tên của ông để đưa thông tin sai sự thật.

Thủ tướng Hun Sen đặc biệt nhắc nhở công chúng hãy cẩn thận với trò lừa đảo của tập đoàn tài chính GCG. Ngay sau đó người đứng đầu công ty GCG Asia tại Campuchia là Darren Yaw và vợ đã bị bắt giữ.

Theo báo chí Campuchia, GCG Asia đã lôi kéo, dụ dỗ được tới hơn 5000 trader nạn nhân, hoạt động theo mô hình kim tự tháp đa cấp Ponzi, rất giống với cách thức của Lite Forex tại Việt Nam trước đây.

Tổng Giám đốc Sở Cảnh sát của Campuchia - Tướng Neshavin đã mô tả GCG ASIA là một nhóm lừa đảo xuyên quốc gia và xác nhận rằng hầu hết các nạn nhân là từ Trung Quốc.

Tướng này cũng cho biết thêm Tập đoàn tài chính Yan Fu không được đăng ký với Ngân hàng Quốc gia Campuchia và các chính quyền liên quan. Công ty này đã lừa đảo ở Malaysia và Indonesia và sau đó trốn sang Campuchia để thành lập trụ sở.

Mặc dù GCG ASIA tuyên bố là một công ty kinh doanh về lĩnh vực ngoại hối của Thụy Sĩ được bảo chứng bởi cơ quan giám sát tài chính nổi tiếng DUKASCOPY.

Tuy nhiên, DUKASCOPY đã lên tiếng khẳng định không hề có bất cứ liên quan gì đến GCG ASIA hay GCFX cả, đồng thời không quên cảnh báo rằng đây là một sàn lừa đảo, không đáng tin cậy: “GCG Asia đang gian lận khi sử dụng tên và logo của Dukascopy để thu hút khách hàng/ nhà đầu tư mà không có sự cho phép của Dukascopy Bank.”

Nhóm nạn nhân của hệ thống sàn chứng khoán quốc tế lừa đảo vẫn miệt mài đi tìm công lý

Hiện nay, bóng ma GCG ASIA vẫn đang len lỏi vào thị trường đầu tư chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.

Bằng cách xây dựng hệ thống các sàn lừa đảo, hoạt động theo mô hình đa cấp, GCG ASIA đã khiến hàng trăm nghìn người dân rơi vào cảnh lao đao vì nợ nần.

Trong khi đó, các nạn nhân của hệ thống lừa đảo này vẫn đang mong mỏi từng ngày sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Chị T.T.T.D, một nạn nhân bị lừa mất hơn 5,3 tỷ đồng cho biết: “Hệ thống sàn chứng khoán quốc tế giả mạo LCM, ACXFX, SCOPE MARKETS, BOSTONMEX…đang ngang nhiên hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa bị xử lý.

Chúng tôi cũng đã làm đơn thư tố cáo gửi nhiều nơi như Bộ Công an và Văn phòng Quốc hội. Chúng tôi mong rằng pháp luật sẽ sớm vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng này”.

Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia.

Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.