Mất quyền lợi vì ký 'bừa' hợp đồng lao động

GD&TĐ - Việc ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đúng bản chất, mục đích sẽ dẫn đến tranh chấp không đáng có.

Người lao động đề nghị không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản và không tham gia các chế độ bảo hiểm là trái với quy định pháp luật. Ảnh minh họa: INT
Người lao động đề nghị không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản và không tham gia các chế độ bảo hiểm là trái với quy định pháp luật. Ảnh minh họa: INT

Trói buộc từ những quy định ngoài hợp đồng

Theo quy định của Bộ luật Lao động, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Nội dung của hợp đồng lao động liên quan đến hầu hết chế định của pháp luật lao động và là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên.

Chị Trần Phương Thoa (Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ, những tháng trở lại đây, do bận nhiều việc gia đình kèm theo các đợt làm việc nặng nhọc nhưng chị Thoa vẫn quyết định trở lại làm luôn mà không nghỉ việc để hưởng chế độ ốm đau. Chị Thoa cho biết, nếu không tăng ca, thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo hợp đồng lao động, mức lương cơ bản của chị chỉ hơn 5,3 triệu đồng. Số tiền còn lại là tổng các khoản phụ cấp chuyên cần, xăng xe, nhà trọ, nuôi con nhỏ…

Công ty đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) căn cứ mức lương theo hợp đồng lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, chị Thoa được hưởng 75% mức đóng. Theo tính toán của chị Thoa, mỗi ngày nghỉ hưởng chế độ BHXH, chị sẽ mất khoảng gần 200.000 đồng, nghỉ 5 ngày sẽ mất gần 1.000.000 đồng. Chưa kể chị sẽ bị trừ tiền chuyên cần 1.000.000 đồng/tháng. “Trong tháng 10, tôi đã nghỉ chăm mẹ già gần cả tuần, nay nếu nghỉ nữa thì đến kỳ lương, số tiền nhận được không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Còn nếu ráng đi làm, ngoài bảo toàn thu nhập thực tế, tôi có thể tranh thủ tăng ca để kiếm thêm”, chị Thoa nói.

Tương tự, anh Lê Tuấn Bình (Ba Vì, Hà Nội) đang làm công nhân tại một dây chuyền ở khu vực Hà Nội cho biết, theo phiếu lương hàng tháng, tiền lương của anh có 2 mục gồm lương cơ bản là 6 triệu đồng/tháng (ghi trong hợp đồng lao động và đóng BHXH) và tổng lương 12 triệu đồng/tháng (để tính lương ngày công thực tế). Ngoài ra, căn cứ sản lượng và mức độ chuyên cần, anh Bình còn được nhận khoản thưởng năng suất (1 - 3 triệu đồng/tháng). Nếu nghỉ 1 ngày, khoản thưởng năng suất không được tính. Chính vì sự chênh lệch lớn giữa lương thực tế và lương đóng BHXH nên những lúc cần nghỉ anh Bình luôn đắn đo, cân nhắc.

Theo nhận định của nhiều nhà tuyển dụng, hiện nay đang có tình trạng doanh nghiệp cố tình lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Mức tiền lương, tiền công làm cơ sở trích đóng BHXH chủ yếu theo lương tối thiểu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cố tình vận dụng các khoản không phải đóng để trốn mức đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến mức tiền lương tham gia BHXH cho người lao động bị thấp.

Trong khi đó, nhiều người lao động một mặt do sức ép việc làm, một mặt do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách nên chưa dám có ý kiến với chủ sử dụng lao động, thậm chí thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để không phải nộp BHXH, BHTN, BHYT.

mat-quyen-loi-vi-ky-bua-hop-dong-lao-dong2.png
Ảnh minh họa: INT

Người lao động né hợp đồng

Thay vì vui mừng khi qua thời gian thử việc và được ký hợp đồng lao động chính thức, chị Nguyễn Huệ Minh (Phúc Thọ, Hà Nội) lại từ chối cơ hội này. Chị Minh từng làm công nhân may tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện gần 10 năm và xin nghỉ việc. May mắn, chị xin được việc làm thời vụ ở một công ty gia công dây điện với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Chị Minh được hứa hẹn, sau khi làm thời vụ 3 tháng sẽ xem xét để ký hợp đồng lao động chính thức. Nhưng qua thời gian thử việc, chị Minh từ chối ký hợp đồng lao động với lý do đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp và mong muốn công ty duy trì công việc thời vụ.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh rất nhiều người người lao động nghỉ việc, chuyển sang đi làm thời vụ cho các tổ hợp. Khi phỏng vấn tuyển dụng, người lao động đặt điều kiện nếu không ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH sẽ vào làm. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý dự Luật Việc làm (sửa đổi) tổ chức mới đây, bà Võ Thị Loan, nhân viên phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Sơn Tùng cho biết, rất nhiều ứng viên đến ứng tuyển tại công ty nhưng vội vã rời đi khi doanh nghiệp cho biết sẽ ký hợp đồng lao động với họ.

Theo bà Loan, nhiều người lao động nghỉ việc, chuyển sang đi làm thời vụ cho các tổ hợp. Doanh nghiệp bị thiếu nguồn lao động nghiêm trọng. Như công ty bà khi phỏng vấn tuyển dụng người lao động đặt điều kiện nếu không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội sẽ vào làm.

“Doanh nghiệp không thể làm trái quy định pháp luật nên 3 tháng qua, công ty tôi không tuyển được một lao động nào”, bà Loan cho biết.

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Hậu - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho biết, khi ký hợp đồng lao động, người lao động luôn muốn đóng BHXH ở mức thấp nhất. Nhưng khi xảy ra tranh chấp, người lao động lại muốn hưởng quyền lợi ở mức cao (lương thực nhận). Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, căn cứ để tòa án giải quyết là mức lương ghi trên hợp đồng lao động. Do vậy, người lao động cần phải nhận thức được rằng họ đóng BHXH thế nào sẽ được hưởng các quyền lợi BHXH và các khoản bồi thường khi xảy ra tranh chấp tương xứng, không có chuyện đóng thấp, hưởng cao.

Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn luật sư TP HCM nhìn nhận, pháp luật lao động hiện nay quy định rất chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết hợp đồng lao động. Việc một bên (ở đây là người lao động) đề nghị không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản và không tham gia các chế độ bảo hiểm là trái với quy định pháp luật. Nếu hai bên đồng thuận, rủi ro về phía người sử dụng lao động là rất cao.

“Giao kết hợp đồng phải đúng luật bao gồm việc bảo đảm rằng các bên đều có năng lực hợp pháp để ký kết, thông tin trong hợp đồng phải rõ ràng và chính xác. Nếu một hợp đồng không đúng luật, nó có thể bị coi là vô hiệu”, một chuyên gia pháp lý khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.