(GD&TĐ) - Nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng 13 lần sau 5 năm. Tính đến tháng 8/2013, số nợ bảo hiểm thất nghiệp đã lên tới trên 600 tỷ đồng – đây là con số được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 10/10.
Ảnh có tính chất minh họa/internet |
Doanh nghiệp đi theo “kẽ hở” của Luật
Ông Lê Quang Trung, Cục phó Cục Việc làm - Bộ LĐ,TB&XH cho biết: Tình trạng nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn lớn và có xu hướng tăng, tuy nhiên, số nợ này có tới 50% là do phần hỗ trợ 1% từ ngân sách nhà nước chưa được chuyển về quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo ông Lê Quang Trung, nguyên nhân việc số nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp lên tới 292 tỷ đồng là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ doanh nghiệp kém, một số địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách nên việc hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp còn chậm.
Đặc biệt, quy định về xử lý vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Tình trạng nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp đã khiến cho nhiều lao động khi mất việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Để hạn chế tình trạng này, Bộ LĐ,TB&XH đang xây dựng những quy định pháp luật chặt chẽ, chi tiết hơn về việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp và xử phạt các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và Luật Việc làm.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua các năm và tính đến đầu năm 2013, tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp lên tới 8,34 triệu người. Khu vực hành chính sự nghiệp có hơn 1,97 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 24,16% tổng số. Khu vực sản xuất - kinh doanh là hơn 6,13 triệu người chiếm 74,2%. Khu vực khác là 137.054 người chiếm 1,64% số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Lê Quang Trung cũng thẳng thắn chỉ rõ tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động còn diễn ra hoặc lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với người lao động dưới 12 tháng để không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Về thu bảo hiểm thất nghiệp, do số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn có xu hướng tiếp tục gia tăng theo từng năm nên số thu bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo.
Giải pháp trước mắt vẫn đợi… Luật
Trong số 63 tỉnh thành thì TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai luôn duy trì bốn vị trí dẫn đầu về mức thu bảo hiểm thất nghiệp. Số thu của 4 tỉnh này luôn chiếm khoảng gần 50% tổng thu bảo hiểm thất nghiệp.
Sau 5 năm, đã có hơn 1,37 triệu người lao động mất việc đến đăng ký thất nghiệp và hơn 1,2 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong hơn 8,34 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động khi tham gia đóng bảo hiểm thấp nghiệp còn được hưởng các chính sách như tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề để giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, những hỗ trợ này vẫn còn nhiều hạn chế cần thay đổi trong cách thực hiện vào thời gian tới để thu hút sự quan tâm của người lao động.
Về những giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Cục phó Cục Việc làm – Bộ LĐ,TB&XH cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường thông tin tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp... Đặc biệt, công tác kiểm tra, thanh tra sẽ được tăng cường nhằm phát hiện những vướng mắc, những vi phạm hay trục lợi bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Hồng Thanh