Mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình bị chia cắt: Bài cuối: Đề nghị chính quyền vào cuộc

GD&TĐ - Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, nhiều công trình mọc lên trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình là sai với quy định cần phải xử lý.

Sở GTVT Hòa Bình kiến nghị với các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vào cuộc kiểm tra và xử lý những trường hợp phương tiện giao thông trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình vi phạm.
Sở GTVT Hòa Bình kiến nghị với các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vào cuộc kiểm tra và xử lý những trường hợp phương tiện giao thông trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình vi phạm.

Không cấp phép

Ngày 24/9, Báo GD&TĐ có buổi làm việc với đại diện Cục Đường thuỷ Nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam. Tại buổi làm việc, Cục ĐTNĐ khẳng định, không cấp phép mặt nước trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình cho Cơ sở kinh doanh tổng hợp Thái Bình để nuôi thủy sản, xây dựng công trình kiên cố.

“Cục ĐTNĐ chỉ có ý kiến “thỏa thuận” bằng văn bản hướng dẫn đối với trường hợp này. Cục chỉ có chức năng nhiệm vụ quản lý về luồng lạch, hoạt động đường thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia thuộc phạm vi cả nước. Việc cấp phép nuôi trồng thủy sản và hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của địa phương sở tại và các cơ quan liên quan…”, ông Nguyễn Văn Loan, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết.

“Phương tiện gồm 2 tàu đưa đón khách to (dài 18m, rộng 3m) và 1 tàu đưa đón khách (dài 9m, rộng 1,5m), 4 motor nước, 4 tàu máy Yamaha; 2 canno, 2 thuyền Yamaha được cho là của chủ Cở sở kinh doanh tổng hợp Thái Bình không có trong hệ thống danh sách phương tiện đăng ký, đăng kiểm do Sở GTVT quản lý. Sắp tới, Sở sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vào cuộc kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm”, bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, Sở GTVT Hòa Bình nói.

Theo ông Loan, Cục ĐTNĐ không có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận đối với công trình (gồm cả các công trình lồng, bè cá) nằm ngoài phạm vi các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (bao gồm luồng và hành lang bảo vệ luồng).

Trước đó, Cơ sở kinh doanh Thái Bình có Văn bản số 01/CV ngày 30/1/2023 và Văn bản số 05/CV ngày 3/10/2023 đề nghị Cục ĐTNĐ thỏa thuận vị trí nuôi trồng thủy sản.

Sau khi kiểm tra hồ sơ, các vị trí khu vực nuôi trồng thủy sản này không vi phạm luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa quốc gia trên hồ Hòa Bình (có bình đồ kèm theo), Cục ĐTNĐ đã có Văn bản số 459/CĐTNĐ-QLKCHT (ngày 8/3/2023) và Văn bản số 2585/CĐTNĐ-QLKCHT (ngày 31/10/2023) ý kiến về vị trí khu vực nuôi trồng thủy sản tại vị trí km0+720 km0+860 và km0+700 + km0+830.

Thông tin về việc quản lý, giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, đại diện Cục ĐTNĐ cho hay: “Cục ĐTNĐ Việt Nam thường xuyên chỉ đạo Chi cục Đường thủy nội địa khu vực (trực tiếp là Đội thanh tra số 9), thường xuyên phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra các hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định của phát luật về giao thông đường thủy”.

mat-nuoc-ho-thuy-dien-hoa-binh-bi-chia-cat-2-2077.jpg
Cục ĐTNĐ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình xử lý những công trình nhà nổi, tàu thuyền… sai quy định để đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.

Chính quyền cần vào cuộc

Với những hình ảnh Báo GD&TĐ cung cấp (tình trạng xây dựng công trình kiên cố gồm nhà hàng nổi, nhà dịch vụ lưu trú, ngủ nghỉ qua đêm), Cục ĐTNĐ khẳng định: “Những hoạt động như vậy là sai với quy định. Địa phương cần phải vào cuộc xử lý những vi phạm còn đang tồn tại”.

Theo ông Nguyễn Văn Loan, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 64 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021, UBND tỉnh Hòa Bình phải có trách nhiệm: “Tổ chức giải tỏa các bến tập kết, xếp dỡ hàng hóa không đủ điều kiện, công bố hoạt động các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trái quy định”.

Ông Loan lý giải, các vị trí, khu vực hoạt động nêu trên không thuộc phạm vi quản lý và không thuộc thẩm quyền xử lý của Cục ĐTNĐ.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Loan cho biết, sắp tới Cục ĐTNĐ sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong trường hợp ảnh hưởng đến các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.

“Cục ĐTNĐ sắp tới sẽ phải có ý kiến và kiến nghị bằng văn bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn hành lang đường thủy do cục quản lý”, ông Loan nhấn mạnh thêm.

Ngày 26/9, Báo GD&TĐ đã có buổi làm việc với đại diện Sở GTVT Hòa Bình. Bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, cho biết: Thực hiện công tác quản lý trên địa bàn, Sở GTVT thường xuyên tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và báo cáo với UBND tỉnh, các địa phương và các cơ quan liên quan về tình hình hoạt động giao thông vận tải trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Ngày 12/8/2024, Sở GTVT Hòa Bình có báo cáo Văn bản số 2482 /SGTVT-QLVT, PT&NL về tình trạng một số nhà hàng nổi, phao nổi tự phát, kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch cho du khách khu vực lòng hồ Hòa Bình, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

“Sở GTVT phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác đôn đốc, tuyên truyền, kiểm tra… Đề nghị Cục ĐTNĐ, UBND các huyện, thành phố quan tâm phối hợp, triển khai thực hiện. Yêu cầu dừng hoạt động đối với các nhà hàng nổi, phao nổi hoạt động tự phát, trái phép, không đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia”, Sở GTVT Hòa Bình nhấn mạnh.

Báo GD&TĐ đã đặt lịch làm việc với UBND TP Hòa Bình những mong tìm hiểu sâu hơn sự việc, cung cấp thông tin cho chính quyền thành phố để có phương án xử lý, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân, phụ huynh học sinh, đảm bảo tính nghiêm ngắn của pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, ngày 27/9/2024, UBND TP Hòa Bình đã có Công văn số 3615 - do ông Tạ Ngọc Doanh, Chánh Văn phòng ký - từ chối cung cấp thông tin cho Báo GD&TĐ với lý do tôn chỉ mục đích. Tôn trọng văn bản trả lời của UBND TP Hòa Bình, Báo GD&TĐ đã có văn bản gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật để làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một mối lo ngại khi sinh con của người trẻ tuổi ở Nam Á là chi phí sinh nở. Ảnh: UNICEF

Đằng sau xu hướng không sinh con ở Nam Á

GD&TĐ - Hầu hết các quốc gia ở Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu việc làm và nợ nước ngoài.