Mất mát và thiệt hại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Từ 6/11, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Từ ngày 6/11, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập, dự kiến kết thúc vào ngày 18/11. Từ khi được tổ chức đến nay, hội nghị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Các chủ đề chính tại COP27 năm nay gồm giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu, tài trợ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hợp tác giữa các quốc gia.

Hội nghị diễn ra sau sự kiện 1/3 diện tích Pakistan chìm trong nước lũ vào mùa hè vừa qua khiến gần 2 nghìn người chết dù quốc gia này chỉ “góp” 1% phát khí thải toàn cầu. Quốc gia này đã trở thành ví dụ rõ ràng nhất về việc nhiều nước nghèo và đang phát triển gây tác động rất ít đến môi trường nhưng phải hứng chịu những hậu quả vô cùng khủng khiếp.

Do đó, trọng tâm tại COP27 sẽ là mất mát và thiệt hại. Các cụm từ chỉ những tổn thất, cả kinh tế lẫn vật chất, mà các nước đang phát triển phải đối mặt từ tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó, đặt ra yêu cầu cho các nước phát triển hoặc các nước “góp” số lượng vào phát khí thải phân bổ nguồn chi trả những thiệt hại này.

Các quốc gia nghèo và đang phát triển đã kêu gọi xây dựng quỹ “mất mát và thiệt hại” trong nhiều năm, kể từ 1991. Thời điểm đó là lần đầu hòn đảo Vanuatu đề xuất kế hoạch các quốc gia phát thải cao chi trả cho những quốc gia bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng.

Phải mất hơn một thập kỷ đề xuất này mới được đưa ra thảo luận trong các hội nghị toàn cầu như COP, mặc dù phần lớn Vanuatu và các quốc đảo nhỏ khác ở Thái Bình Dương đang dần biết mất.

Tuy nhiên, đây là vấn đề đã gây tranh cãi trong nhiều năm. Một trong những lý do chính khiến đề xuất “giậm chân tại chỗ” là nhiều quốc gia giàu có lo ngại việc chi trả cho quỹ này được coi là thừa nhận trách nhiệm pháp lý về việc gây ra biến đổi khí hậu. Điều này có thể dẫn đến các cuộc chiến pháp lý và tác động đến phát triển kinh tế.

Với tư cách là nước chủ nhà và là nước Chủ tịch COP27, Ai Cập kỳ vọng hội nghị năm nay có thể giải quyết việc giảm thiểu những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khi hậu gây ra cũng như vấn đề chi trả cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, đây là một kết quả “quá đỗi tích cực” trong tình hình hiện nay.

Chia sẻ phải hạ thấp kỳ vọng vào hội nghị năm nay, Đại sứ Ai Cập Mohamed Nasr cho biết: “Nếu các quốc gia còn đang phân vân xem liệu có nên đưa mất mát và thiệt hại vào chương trình nghị sự hay không, khó có thể có bước tiến đột phá về cơ chế tài chính”.

Vấn đề mất mát và thiệt hại nói riêng cùng những vấn đề khí hậu khác tại Hội nghị COP27 năm nay phụ thuộc vào ý chí chính trị giữa các quốc gia giữa những diễn biến quốc tế tương đối ảm đạm như xung đột Nga – Ukraine, lạm phát, mất an ninh lương thực... Đây cũng chính là lý do Ai Cập và Liên Hợp Quốc liên tục kêu gọi các quốc gia tham dự “gác lại những khác biệt chính trị” để thúc đẩy hợp tác tiến tới các hành động chống biến đổi khí hậu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.