Tuy nhiên, trên thực tế, tác dụng thực sự của mật gấu như thế nào không ai biết và cũng chưa có công trình nghiên cứu nào về vấn đề này.
Thần dược
Chỉ cần vào mạng tra tác dụng của mật gấu sẽ có hàng trăm kết quả. Theo lời giới thiệu của những trang web trên, mật gấu có tác dụng trị phong thấp, giảm đau, tiêu viêm, chống lão hóa, tăng cường khả năng tình dục… Y học cổ truyền (YHCT) cũng ghi mật gấu có vị đắng, tính hàn, tác dụng kích thích gan làm việc, bài trừ các bệnh lý ở gan.
Một sản phẩm với vô vàn tác dụng, nhất là với sức khỏe, mật gấu trở nên đắt hàng và dùng mật gấu được xem như cách thể hiện đẳng cấp hoặc sự hiểu biết. Trong những tiệc họp mặt với nhau, nhiều đấng mày râu rất thích gọi chai rượu ngâm mật gấu vì ai cũng tin rằng nó không những tốt cho gan thì cũng bổ thận hoặc chí ít giúp người uống không say nhờ khả năng giải rượu của mật gấu.
Khảo sát của tổ chức
TRAFFIC năm 2016 tại 6 địa phương nước ta cho thấy, có 40% trong số 70 hiệu thuốc YHCT có bán mật gấu. Đây là một sự giảm nhẹ so với 56% hiệu thuốc YHCT có bán mật gấu theo khảo sát năm 2012. Sản phẩm được bán nhiều nhất là mật gấu tươi, đa phần được quảng cáo là có nguồn gốc từ các trang trại gấu trong nước. Cuộc khảo sát năm 2016 ghi nhận có nhiều người bán lẻ hơn biết rằng buôn bán mật gấu là vi phạm pháp luật. Theo nhận định của các tác giả báo cáo, có thể điều này đang khiến hoạt động buôn bán mật gấu trở nên kín đáo.
Sản phẩm có giá cao nhất là túi mật gấu. Từ năm 2012 đến năm 2016, số hiệu thuốc YHCT có bán túi mật gấu giảm từ 12 xuống còn hai hiệu thuốc. Tuy nhiên, cả hai hiệu thuốc này đều không có sẵn túi mật gấu mà cần phải đặt hàng. Các hiệu thuốc YHCT đều quảng cáo túi mật gấu có nguồn gốc từ gấu trong tự nhiên ở Việt Nam, Lào, Nga và Thái Lan. Người tiêu dùng được cho là sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, thậm chí gấp đôi giá, cho các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc vừa mới được khai thác.
Buôn bán vẫn tiếp diễn dù bị cấm
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, các trang trại gấu được mở ra ở khắp Việt Nam nhằm giải quyết nhu cầu đang tăng của người tiêu dùng. Vào năm 2005, việc chiết xuất mật gấu chính thức bị coi là vi phạm pháp luật. Tại thời điểm đó, vẫn chưa có kế hoạch để giải quyết hàng ngàn cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại. Vì vậy, nhiều trang trại gấu vẫn duy trì hoạt động dưới chiêu bài bảo tồn gấu mặc dù các gấu tại các trang trại này phải được đăng ký và gắn chíp điện tử.
Năm 2006, luật pháp Việt Nam coi săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, mua, bán, sử dụng gấu, các bộ phận và dẫn xuất của chúng là vi phạm pháp luật. Nhưng nghiên cứu của TRAFFIC cũng như sự bùng nổ của các trang web quảng cáo tác dụng mật gấu cho thấy hoạt động buôn bán trái phép gấu còn sống cũng như các bộ phận và dẫn xuất của chúng vẫn diễn ra mạnh mẽ và chỉ sụt giảm đôi chút sau lệnh cấm buôn bán các sản phẩm này vào năm 2006.
Bà Lalita Gomez, cán bộ Tổ chức TRAFFIC cho biết: Theo nghiên cứu của chúng tôi, có khả năng hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật không sinh lời và đang giảm sút tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc buôn bán các sản phẩm từ gấu trong tự nhiên rất đáng lo ngại và là mối đe dọa tiếp diễn tới các quần thể gấu tại châu Á.
Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng mật gấu vẫn còn trong cộng đồng, cơ sở chữa bệnh YHCT cho dù không ít lần bác sĩ đã lên tiếng cảnh cáo tác hại của việc sử dụng mật gấu nói chung và mật động vật nói riêng. Để đáp ứng nhu cầu trên, nhiều cơ sở đã tráo đổi các cá thể gấu bị bắt ngoài tự nhiên thành nuôi nhốt.
Việc làm trên đang đe dọa đến quần thể gấu trong tự nhiên tại khu vực Đông Nam Á. Trưởng đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam, bà Madelon Willemsen nhận định, Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch hành động nhằm chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu vào năm 2020 và thực thi pháp luật chống lại buôn bán trái phép các sản phẩm từ gấu. Hiện tổ chức này cũng đang phối hợp với Hội Đông y Việt Nam để cung cấp một cẩm nang về các vị thuốc thay thế mật gấu tới cho cộng đồng YHCT.