Mất cả gia tài vì tin dịch vụ 'lấy lại tiền bị lừa'

GD&TĐ - Bị kẻ xấu lừa đảo, người phụ nữ ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) lại tiếp tục dính bẫy dịch vụ 'lấy lại tiền bị lừa' để rồi 'mất cả chì lẫn chài'.

Fanpage giả mạo cơ quan chức năng, đăng thông tin có thể lấy lại tiền bị lừa đảo.
Fanpage giả mạo cơ quan chức năng, đăng thông tin có thể lấy lại tiền bị lừa đảo.

Mất tiền oan vì nhẹ dạ, cả tin

Thời gian qua, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nở rộ với nhiều hình thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Gần đây, mạng xã hội còn xuất hiện thêm “dịch vụ lấy lại tiền bị lừa”, đánh vào tâm lý hoang mang của những người vừa bị mất tiền.

Nhóm lừa đảo sẽ đóng vai những người có uy tín như: Công an, luật sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư công nghệ thông tin… để giúp đỡ các nạn nhân nhưng thực chất là đưa họ “vào tròng” thêm một lần nữa.

Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận đơn trình báo của bà Q. (trú tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo trình bày của nạn nhân, bà được một người quen nhắn tin qua Facebook vay tiền. Vì người này gọi điện trò chuyện, gọi đúng tên của bà và một số người thân trong gia đình nên bà Q. tin tưởng, chuyển cho vay 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, không lâu sau bà Q. mới biết tài khoản Facebook này bị hack. Người gọi điện vay tiền không phải là chủ tài khoản. Buồn vì mất một khoản tiền, bà Q. lướt Facebook và thấy hiện lên một

Fanpage ghi là của “Cục An ninh mạng Bộ Công an” với lời giới thiệu có thể hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa.

Tin tưởng trang này là thật, bà Q. nhắn tin trình bày và được một người đàn ông tự xưng là “cán bộ an ninh” cam kết sẽ hỗ trợ lấy lại tiền mà không phải nộp phí trước. Người này hướng dẫn bà Q. tạo một tài khoản theo đường link được gửi và thực hiện một số thao tác. Không lâu sau, tài khoản của bà Q. báo nhận được 1,5 triệu đồng.

Thắc mắc việc vì sao không chuyển toàn bộ số tiền (6 triệu đồng), bà Q. được vị cán bộ kia giải thích, số tiền này đã về tài khoản, tuy nhiên đang “bị treo” do vướng thủ tục tất toán. Chính vì thế, bà Q. phải nộp một khoản tiền bảo đảm để rút về. Số tiền bảo đảm này sẽ được hoàn trả cùng lúc với số tiền bị treo.

Không chút nghi ngờ, bà Q. răm rắp làm theo hướng dẫn. Sau khi chuyển khoản 600 triệu đồng, người phụ nữ này mới “ngã ngửa” khi bị kẻ gian chặn liên lạc. Bị lừa mất số tiền lớn cả đời dành dụm được, người phụ nữ này phải đến cơ quan công an để trình báo sự việc.

Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo mới

Công an tỉnh Nghệ An vừa triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng, bắt giữ 32 người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia. Nhóm người này đóng giả cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… dùng nhiều thủ đoạn yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, ngân hàng từ đó chiếm đoạt số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Theo Trung tá Hà Huy Đức, Phòng CSHS, Công an tỉnh Nghệ An, thời gian vừa qua đơn vị nhận được nhiều trình báo liên quan đến các vụ lừa đảo qua mạng xã hội. Đặc biệt, số nạn nhân dính bẫy dịch vụ lấy lại tiền bị lừa chiếm tỉ lệ khá cao. Trong số đó, nhiều nạn nhân bị lừa đảo số tiền nhiều hơn số tiền họ bị lừa đảo lần trước.

Theo Trung tá Đức, đây là thủ đoạn lừa đảo mới, nhắm tới nạn nhân các vụ lừa đảo trực tuyến. Thuật ngữ “tiền treo” là lừa đảo, bởi nếu đã dính vào một vụ lừa đảo trên không gian mạng, số tiền đã mất của nạn nhân lọt vào túi nhóm tội phạm.

Để đánh lừa, nhóm tội phạm thường lập các trang Fanpage giả mạo các đơn vị công an, văn phòng luật sư, công ty công nghệ thông tin… đăng tải nội dung cảnh báo về các vụ lừa đảo trực tuyến.

Thậm chí, kẻ xấu còn dàn dựng, cắt dán video thể hiện hoạt động phòng, chống tội phạm của công an khiến người dân nhầm lẫn, tin tưởng đây là trang Fanpage của lực lượng chức năng và chủ động liên hệ để nhờ giúp đỡ.

Thủ đoạn của loại tội phạm này là gửi cho nạn nhân một đường link dẫn đến một website do bọn chúng lập. Trên trang web, chúng hướng dẫn bị hại tạo một tài khoản cá nhân giống tài khoản ngân hàng.

Khi nạn nhân thực hiện giao dịch chuyển hoặc rút tiền, bằng một thao tác trên hệ thống, chúng sẽ sửa con số ảo trên tài khoản đúng bằng số tiền bị hại chuyển hoặc rút. Vì vậy, làm cho nạn nhân tin rằng, tiền mình chuyển đi vào tài khoản cá nhân được mở trên web.

Đây là một thủ đoạn mới, “thao túng tâm lý” rất tinh vi, làm cho nạn nhân nhìn thấy tiền trên web, nổi lòng tham hoặc bị lú lẫn mà thực hiện răm rắp theo kịch bản của tội phạm.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước mọi lời mời gọi sử dụng dịch vụ hay thực hiện nhiệm vụ trên mạng xã hội. Trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, kẻ gian còn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, từ đó khống chế nạn nhân, tìm cách gài bẫy nạn nhân và lừa số tiền lớn hơn.

Để tránh bị mất tiền trên không gian mạng, người dân cần kiểm tra thông tin của bên nhận tiền, có thể là địa chỉ, website... có thật và rõ ràng không. Cần biết chính xác về thông tin, lịch sử làm việc của người đang giao dịch để tránh tình trạng mất tiền.

Người dân trước khi chuyển tiền hãy yêu cầu người nhận tiền gọi video call (gọi bằng hình ảnh) để xác minh, nhận diện, chụp lại màn hình để làm chứng cứ khi xảy ra sự cố.

Ngoài ra, cần thu thập và lưu giữ bằng chứng như: Hình ảnh căn cước công dân của người nhận, sao kê chuyển khoản, số điện thoại, ghi âm cuộc gọi hoặc tin nhắn xác nhận đã nhận tiền.

Trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền cần tìm hiểu địa chỉ, đơn vị của người đang giao dịch... Nếu không có hoạt động hoặc văn phòng ảo thì tuyệt đối không chuyển tiền.

Khi phát hiện bị lừa đảo, nạn nhân cần nhanh chóng làm đơn tố giác, gửi kèm toàn bộ tài liệu, chứng cứ tới cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, lấy lại tiền bị mất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.