MARIN miệt mài hành trình “trả lại tên cho liệt sĩ”

GD&TĐ - “Chúng tôi đinh ninh là các gia đình đã nhận được mộ liệt sĩ rồi nhưng khi báo tin thì mới biết có những gia đình chưa bao giờ biết mộ người thân họ nằm đó và họ vẫn đang ngày đêm mỏi mòn tìm kiếm khắp nơi…”

Bà Ngô Thị Thúy Hằng trên hành trình tìm lại tên cho liệt sĩ (Ảnh:MARIN)
Bà Ngô Thị Thúy Hằng trên hành trình tìm lại tên cho liệt sĩ (Ảnh:MARIN)

Đó là một phần chia sẻ của bà Ngô Thị Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) trong buổi họp báo Công bố Dự án “Trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ”.

23 phần mộ và 76 công văn

Nhiều thân nhân liệt sĩ từng nghĩ, chỉnh sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ là việc làm không quá khó khăn nhưng trên thực tế đây lại là bài toán vô cùng nan giải.

Có những gia đình biết chắc chắn phần mộ người thân cách đây hàng chục năm nhưng sai lệch hoặc khuyết thông tin nên nửa tin nửa ngờ mà không biết phải làm sao để xác định.

Hoặc là gia đình không có dữ liệu gốc hoặc nếu có thì chỉ mang tính cá nhân không có cơ sở pháp lý và tư cách pháp nhân để làm việc với các cơ quan ban ngành.

Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí để phục vụ đi lại, lo công văn giấy tờ cũng là một rào cản không nhỏ đối với đại bộ phận các gia đình thân nhân liệt sĩ.

Bà Ngô Thị Thúy Hằng chia sẻ: Thấu hiểu những khó khăn của thân nhân các liệt sĩ, MARIN đã gánh đỡ mọi khó khăn cho gia đình liệt sĩ. Gia đình liệt sĩ chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin, ký vào đơn xin trợ giúp pháp lý có xác nhận của địa phương và chờ chúng tôi thông báo kết quả.

MARIN hoàn toàn là một tổ chức phi chính phủ, nguồn kinh phí hoạt động khó khăn, trên cơ sở những đóng góp thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hơn cả là chúng tôi có nhiệt tâm, niềm tin và tư cách pháp nhân để đại diện cho thân nhân liệt sĩ tìm lại phần mộ chí cho liệt sĩ.

Dự án thí điểm (10/2013 – 7/2014) đã “trả lại đúng tên” cho 23 liệt sĩ. Gần 9 tháng với 76 công văn của các cấp thẩm quyền, không biết bao nhiêu cuộc trao đổi điện thoại. Vì vậy, nếu là gia đình liệt sĩ đứng ra lo liệu thì việc này gần như là không tưởng.

Bà Văn Thị Kim Cúc, con gái liệt sĩ Văn Đình Nhã (nguyên quán Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh) xúc động cho biết: “Tôi là PGS.TS. Giảng viên trường ĐH KHXH và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội, là con gái độc nhất của liệt sĩ Văn Đình Nhã.

Tôi tự nhận thấy mình có đủ kiến thức, đủ mối quan hệ và điều kiện tài chính để tìm bố tôi. 10 năm trước, sau nhiều năm tìm kiếm, bằng hiểu biết của mình, tôi đã phát hiện có một phần mộ gắn tên liệt sĩ Vũ Văn Nhã trên Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9 nhưng không dám chắc là mộ bố mình vì trên bia mộ ghi sai tên, không nguyên quán, chỉ có dòng ngày hi sinh là đúng. Vì thế 10 năm tôi cũng chỉ quay lại nơi đó có 1 lần.

Chỉ đến khi chị Ngô Thị Thúy Hằng, đại diện trung tâm MARIN gọi điện cung cấp thông tin về hồ sơ của bố tôi cùng 24 liệt sĩ khác thì tôi đã tin chắc chắn đây là phần mộ bố mình.

Tôi xin nói gọn là: Nếu không có sự trợ giúp chí tình của MARIN thì cả đời này tôi cùng không thể biết chính xác bố tôi nằm ở đâu và hi sinh như thế nào?"

Tìm lại đúng tên liệt sĩ – việc làm tri ân thiết thực

“Mỗi phần mộ được tìm thấy không chỉ là niềm vui của các thân nhân gia đình mà còn là hạnh phúc của mỗi chúng tôi – những người tham gia hành trình tìm kiếm. Niềm hạnh phúc đó không thể nào lượng hóa được khi chúng tôi đã chọn con đường đi riêng để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước”. - Bà Ngô Thị Thúy Hằng - Phó Giám đốc MARIN

Đại tá Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc MARIN - cho biết: “Dự kiến trong vòng hai năm tới, Trung tâm sẽ trợ giúp pháp lý để giúp 500 thân nhân liệt sĩ có cơ hội nhận lại đúng phần mộ của người thân đã hy sinh trong chiến tranh.

Việc trợ giúp được thực hiện theo quy trình: Khớp nối, xác minh thông tin liệt sĩ tại hồ sơ quân nhân và thực địa, thay mặt thân nhân liệt sĩ kiến nghị các cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ”.

Nhiều năm qua, MARIN đã phổ biến kiến thức để thân nhân liệt sĩ có nền tảng chung nhất để căn cứ vào đó tìm được mộ.

Tiên lượng về thành công của Dự án trả lại đúng tên cho 500 liệt sĩ, Đại tá Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ: Hai nguồn dữ liệu phục vụ cho dự án “trả lại đúng tên cho liệt sĩ” gồm: Danh sách, hồ sơ của 900.000 liệt sĩ hi sinh/mất tích trong chiến tranh, dữ liệu được cập nhật hàng ngày; danh sách 300.000 liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc.

Từ 2 nguồn dữ liệu trên, MARIN có thể nối khớp với bia mộ liệt sĩ để đính chính, ráp khớp các thông tin về liệt sĩ.

Theo bà Ngô Thị Thúy Hằng, để có thể đảm bảo trả lại chính xác tên cho các liệt sĩ cần dữ liệu, nhiệt tâm và cách làm việc khoa học. Với 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này, MARIN có hai nguồn dữ liệu để khớp nối, phân tích.

Một là nguồn dữ liệu vòng tròn quy tập, bắt đầu từ giấy báo tử (thông tin trên giấy báo tử không đầy đủ), từ giấy báo tử mới ra được hồ sơ quân nhân. 

Hồ sơ quân nhân được ghi từ trong chiến tranh còn quan trọng hơn giấy báo tử, bao gồm: Đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh thực tế và trường hợp hy sinh (nếu có hồ sơ gốc thì có cả tọa độ chết).

Sau khi có hồ sơ quân nhân thì phải căn cứ thêm nguồn dữ liệu khác là liệt sĩ đó hy sinh cùng với ai. Thông thường thì cùng trong thời điểm đó, trận đánh đó mà các liệt sĩ hy sinh cùng thì sẽ được quy tập về cùng với nhau.

Yếu tố thứ ba nữa là phải xác định được đơn vị này chỉ có thể chiến đấu ở khu vực này thôi, liệt sĩ này mặc dù đúng tên nhưng ông không thể chết ở đây được bởi vì đơn vị của ông không chiến đấu ở đây.

Một nguồn thông tin nữa là thông tin về các liệt sĩ trên bia mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ. Chúng tôi cũng có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với các cựu chiến binh tâm huyết để cho ra kết quả chính xác nhất.

MARIN tự hào có đầy đủ dữ liệu nhất về thông tin các liệt sĩ. Bộ LĐ-TB&XH chỉ có dữ liệu về phần mộ của các liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ. Bộ Quốc phòng thì có dữ liệu quản lý hồ sơ quân nhân. MARIN may mắn có tất cả các nguồn đó và các nguồn dữ liệu được liên thông với nhau. Quan trọng hơn, các tình nguyện viên của MARIN có kỹ năng phân tích dữ liệu để từ đó tìm ra được liệt sĩ A chính là liệt sĩ A.

Hoạt động tự nguyện từ năm 2004, với 8 sáng lập viên là cựu sinh viên khoa Toán – Tin (ĐH KHTN – ĐHQG Hà Nội), sáng lập website: nhantimdongdoi.org. MARIN là đơn vị đầu tiên trên cả nước tập hợp và lưu trữ hơn 900.000 thông tin về liệt sĩ theo hệ thống số; tổ chức tư vấn tìm liệt sĩ và các chính sách liên quan của Nhà nước cho hàng ngàn gia đình liệt sĩ trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ