Mạo danh người khác chiếm đoạt tiền ủng hộ trị bệnh có thể bị xử lý Hình sự

GD&TĐ - Vừa qua, dư luận xã hội bất bình trước việc nhiều cá nhân lợi dụng một số nghệ sỹ đứng ra kêu gọi tiền ủng hộ, giúp đỡ đồng nghiệp đang điều trị bệnh ung thư để trục lợi.

Mạo danh người khác chiếm đoạt tiền ủng hộ trị bệnh có thể bị xử lý Hình sự

Theo đó, một nghệ sỹ ở TP.HCM chia sẻ trên trang cá nhân về việc có tài khoản giả mạo nhận tiền giúp đỡ. Theo chia sẻ của nghệ sỹ này, tài khoản mạo danh đề tên và ảnh đại diện giống hệt trang cá nhân của mình và nhắn tin cho nhiều nghệ sỹ để nhận tiền quyên góp.

mao danh nguoi khac chiem doat tai san co the bi xu ly hinh su

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc chia sẻ, giúp đỡ một số nghệ sỹ mắc bệnh hiểm nghèo là việc làm hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, với những đối tượng lợi dụng việc này để trục lợi, chiếm đoạt tài sản thì đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng truyền thống đạo đức tốt đẹp mà xã hội cần lên án và có biện pháp xử lý phù hợp.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, “tinh thần tương thân, tương ái” dưới góc độ pháp lý đó là giao dịch tặng cho tài sản. Tuy nhiên, người tiếp nhận tài sản đó phải có nghĩa vụ thực hiện theo thỏa thuận thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng- Đó là chuyển số tiền đó đến tận tay người gặp khó khăn.

Trong trường hợp những người đưa thông tin sai lệch, không đưa số tiền đó đến người gặp nạn mà nhằm mục đích chiếm đoạt thì hành vi này được xác định là “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

“Trong bối cảnh mạng xã hội đang ứng dụng rộng rãi như hiện nay và sức lan tỏa của thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng trên mạng xã hội mạnh mẽ như vậy thì cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời những đối tượng lợi dụng truyền thông để chiếm đoạt tài sản của những người hảo tâm” - luật sư Cường chia sẻ

Đối với những người hảo tâm, theo Luật sư Cường, ngoài việc chuyển tiền thì nên quan tâm đến việc số tiền đó được công khai và sử dụng thế nào, có dấu hiện lạm dụng, chiếm đoạt không? Nếu có căn cứ xác định người đưa ra thông tin giả hoặc lợi dụng việc đó để chiếm đoạt tài sản của mình thì phải có trách nhiệm trình báo sự việc kèm theo chứng cứ đến cơ quan công an để được xem xét giải quyết.

Từ đó, cơ quan công an sẽ truy xuất những tài khoản, những thông tin công khai để xác định người đang quản lý điều hành trang mạng, tài khoản, thông tin đó là ai và xác minh làm rõ số tiền đó là bao nhiêu? Số tiền đó có được thông báo cho người đang gặp khó khăn cần giúp đỡ hay không và được chi tiêu vào mục đích gì?

“Như vậy với những tổ chức, cá nhân khi phát hiện nghi ngờ mình bị lừa dối hoàn toàn có quyền yêu cầu đối tượng hoàn trả số tiền đó. Nếu đối tượng cố tình không hoàn trả sẽ trình báo cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật” - luật sư Cường chia sẻ.

mao danh nguoi khac chiem doat tai san co the bi xu ly hinh su
Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính Pháp

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 174 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Vietnammoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ