Mảnh vườn lác đác hoa thơ

GD&TĐ - Đó là mảnh vườn thơ của danh tướng - thi nhân Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320), một người con ưu tú của dân tộc, văn võ song toàn. Về sự nghiệp võ, Người làm cho quân Nguyên - Mông phải khiếp vía, đem lại vẻ vang cho đất nước và được vua nhà Trần sủng ái. 

Mảnh vườn lác đác hoa thơ

Về sự nghiệp văn chương Người cũng làm rạng rỡ non sông. Vì vậy, khi đánh giá về tướng quân Phạm Ngũ Lão, danh sĩ Phạm Quí Thích đã viết:“Tam triều sự nghiệp dư biên tại/ Vạn cổ giang sơn nhất sóc hoành”.

Tuy thi nhân sáng tác không nhiều (đến nay chỉ còn lại hai bài thơ: Thuật hoài và một bài Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương), nhưng sự nổi tiếng đâu phải đo bằng số lượng mà là chất lượng của tác phẩm. Trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam và thế giới, có người sáng tác hàng trăm tác phẩm nhưng mấy ai biết đến, ngược lại có tác giả chỉ trình làng vài ba tác phẩm mà lấy lừng thiên hạ, Phạm Ngũ Lão là một trong những thi nhân đặc biệt đó.

Vườn thơ của danh tướng - thi nhân Phạm Ngũ Lão, không hoa lá xum xuê mà chỉ lưa thưa vài đóa hoa khép mở trong khóm lá nhưng đã làm đẹp cả khu vườn. Tôi xin trộm phép Người xưa để cùng bạn đọc hôm nay thưởng thức hương sắc của một trong hai bông hoa đó. Đây là bông hoa THUẬT HOÀI:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Bằng thể thất ngôn tứ tuyệt, kết hợp với nghệ thuật tạo dựng hình ảnh, bài thơ đã sang sảng cất lên một giọng điệu trang trọng, đĩnh đạc của khúc anh hùng ca. Nếu như giọng điệu thơ để lại âm vang trong lòng người thì hình ảnh thơ cũng để lại một ấn tượng sâu đậm trong trí tưởng của người đọc. Hình ảnh trong câu khai (kết cấu của thơ tứ tuyệt), đã cho ta thấy vẻ đẹp oai hùng của danh tướng:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Chỉ qua hình ảnh hoành sóc giang sơn mà ý thơ đã mở ra nhiều lắm. Người đọc không chỉ như nhìn thấy tư thế oai phong lẫm liệt của người anh hùng, cầm ngang ngọn giáo, không chịu buông xuôi trước kẻ thù xâm lăng hung bạo mà còn cảm nhận được khí thế hiên ngang bất khuất, ngùn ngụt bốc trời, với tinh thần sẵn sàng quyết xả thân vì nền độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cầm ngang ngọn giáo trong tay, để trấn giữ đất nước chẵn mấy thu, còn là biểu hiện tinh thần trách nhiệm cao, của một vị tướng quân với non sông. Vì yêu nước, thương dân mà sẵn sàng chấp nhận gian khổ nắng mưa sương gió, không sợ đối đầu với kẻ thù tàn bạo ở nơi chiến trường, suốt mấy năm trời. Tướng nào thì quân ấy, phía sau danh tướng tiên phong là cả lực lượng quân đội hùng hậu, hình ảnh này đã được thể hiện trong câu thừa:

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

Tam quân là ba loại binh chủng của quân đội ngày xưa, đó là lục quân (quân bộ), kị binh (đội quân cưỡi ngựa), thủy quân (đội quân trên các chiến thuyền).

Tì hổ khí thôn ngưu, là hình ảnh thể hiện sức mạnh của quân đội, mang tính đa nghĩa. Theo sách xưa, thì hình ảnh ấy nói về sức mạnh của những con hổ còn non mà đã có khí thế nuốt trôi trâu. Nếu mượn ý của sách xưa để nói về khí thế dũng mãnh của quân đội thời Trần, thì có phần thô và làm mất đi cái chất thơ của anh hùng ca. Cho nên còn có ý cho rằng đây là nghệ thuât cường điệu, nhằm khái quát sức mạnh phi thường của quân đội thời Trần, tạo nên vẻ đẹp oai hùng, đến mức có thể làm át cả vẻ sáng đẹp của Ngưu đẩu, tức là sao Ngưu ở trên trời. Có lẽ phải bằng hình thức ẩn dụ này, mới nói hết được khí phách hào hùng, tầm vóc vĩ đại của quân dân ta thời ấy, ngang tầm với tầm với tạo vật lớn lao trong vũ trụ.

Sau hình ảnh thơ, còn là cả một niềm tự hào về sức mạnh vĩ đại của quân đội thời Trần. Không tự hào sao được, khi mà quân Nguyên - Mông tung vó ngựa tới đâu là ở đấy thành cỏ rác, tan tác tro bay, cả châu Âu và hầu hết các nước châu Á phải chịu khuất phục, nhưng khi đặt chân tới đất Việt thì chúng chẳng khác gì những lá khô trước cơn gió mạnh phải chuốc lấy sự thất bại thảm hại, nuốt nhục mà đầu hàng!

Đang từ câu thừa, với ý thơ đã nâng tới tột đỉnh của cảm hứng anh hùng ca, bỗng đột ngột chuyển sang câu chuyển với giọng điệu trầm lắng suy tư về “Chí Nam nhi”, mang tính chất hướng nội:

Nam nhi vị liễu công danh trái

Theo quan niệm của cổ nhân, đã sinh ra là đấng nam nhi thì phải có chí lớn. Con đường lập thân để thực hiện chí lớn của đấng nam nhi là “tam lập” (lập công, lập đức, lập ngôn) mà tối thượng là “lập công”, để có danh tiếng (làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông). Cơ hội để lập chiến công là khi đất nước có sự biến, người con trai phải đem thân ra chiến trường, để bảo vệ giang sơn đất nước và tạo nên những chiến công hiển hách và trở thành những người anh hùng. Có như thế thì “chí nam nhi” mới trả được món nợ nước non. Đây là món nợ máu xương, vì khi ta sinh ra là đã mang trong mình “dòng máu thơm thiên cổ”của tổ tiên. Cái món nợ non sông ấy đè nặng lên vai mọi người, nhất là đấng mày râu, mà suốt đời hỏi ta suốt đời phải trả. Chẳng thế mà trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã từng khẳng định:

“Thác mà trả nước non rồi nợ

Danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đề khen.

Thác mà ưng đình miếu để thờ

Tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ...”

Và sau này nhà thơ Tố Hữu cũng từng trăn trở suy tư về món nợ nước non ấy:

“Đã vay dòng máu thơm thiên cổ

Phải trả ta cho mạch giống nòi”.

Với danh tướng Phạm Ngũ Lão cũng vậy, nợ nược non - nợ công danh cứ như một nỗi niềm canh cánh bên lòng, nếu không lập được công lao để trả món nợ lớn ấy thì cảm thấy tự hổ thẹn với “chí làm trai”, hổ thẹn khi đứng trước những tấm gương sáng của tiền bối. Câu thơ khép lại bài thơ đã thể hiện suy nghĩ trăn trở ấy bằng hình thức tương phản với cách dùng điển tích, một nét đặc trưng của cổ thi:

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Vũ hầu là nhân vật Gia Cát Lượng, nổi tiếng về tài dùng binh, tận tụy với sự nghiệp giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán, ông được phong tước Vũ Lượng hầu…)

Là một vị tướng lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đến mức, dù không phải tông tộc nhà Trần mà vẫn được vua Trần biệt đãi, phong làm điện súy Thượng tướng quân, khi mất được phong làm Phúc Thần, thế mà Phạm Ngũ Lão vẫn cảm thấy hổ thẹn vì chưa trả được món nợ nước non. Vậy thì những ai đó không làm được gì cho đất nước (chứ chưa nói đến những kẻ làm hại đất nước), khi soi mình vào tấm gương thơ này sẽ nghĩ thế nào đây?

Phạm Ngũ Lão, quả là một tấm lòng yêu nước lớn lao, có một tinh thần trách nhiệm cao cả với dân tộc. Ông là người đã thành công trong việc ‘lập công”, viết bài thơ này là Phạm Ngũ Lão lại tiếp tục “lập ngôn” đồng thời cũng là “lập đức”, Bài thơ đã có tác dụng khích lệ lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của mỗi người công dân đối với Tổ Quốc thuộc những thế hệ đã qua, hôm nay và mãi mãi mai sau.

Đóa hoa thơ của vườn thơ này, tuy là đơn lẻ nhưng đã vượt lên hàng trăm ngàn bông hoa khác kết lại, vì nó được nẩy sinh từ cái gốc của tâm hồn, tình cảm vĩ đại, trí tuệ tuyệt vời và được thể hiện bằng bút pháp nghệ thuật tài hoa. Tôi tin rằng đóa hoa tâm hồn của danh tướng - thi nhân Phạm Ngũ Lão sẽ vượt lên mọi thời gian để tỏa hương thơm, sắc thắm vào lòng dân tộc.n

Hà Nội ngày 18/10/2018

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ