Theo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 được ĐH Bách khoa Hà Nội công bố ngày 15/1, tổ hợp mới K01 bao gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Lý/Hóa/Sinh/Tin. Trong đó, Toán và Ngữ văn là hai môn bắt buộc, kết hợp với 1 trong 4 môn Lý hoặc Hóa hoặc Sinh hoặc Tin có nhân hệ số.
Ba phương thức tuyển sinh năm 2025 của ĐH Bách khoa Hà Nội gồm:
1. Xét tuyển tài năng (chiếm khoảng 20% tổng chỉ tiêu):
- Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT.
- Xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT.
- Xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
Với hình thức xét tuyển qua chứng chỉ quốc tế, thí sinh cần đạt điểm trung bình học tập từng năm từ 8,0 trở lên trong 3 năm THPT. Trong khi đó, với phương thức xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, thí sinh phải đạt điểm trung bình từ 8,0 trở lên và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
Được chọn thi học sinh giỏi quốc gia; là học sinh hệ chuyên; đạt giải khuyến khích trở lên tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ, hoặc Tổ hợp; tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia hoặc chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" từ vòng tháng.
2. Xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy (khoảng 40% tổng chỉ tiêu):
Bài thi đánh giá tư duy được thiết kế theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Bài thi có tổng thời gian 150 phút, gồm 3 phần: Tư duy Toán học (60 phút); Tư duy Đọc hiểu (30 phút); Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút).
Bài thi hoàn toàn trắc nghiệm trên máy tính và được tổ chức thành nhiều đợt trong năm. Kết quả được cấp giấy chứng nhận và sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học trên cả nước.
Kế hoạch tổ chức thi năm 2025
Đối tượng dự thi: Là học sinh THPT, thí sinh tự do trên toàn quốc. Số đợt thi TSA dự kiến gồm 3 đợt vào các ngày Thứ 7/Chủ Nhật, cụ thể:
- Đợt 1: Ngày thi 18 và 19/1/2025; Ngày mở đăng ký 1 đến 6/12/2024.
- Đợt 2: Ngày thi 8 và 9/3/2025; Ngày mở đăng ký 1 đến 6/2/2025.
- Đợt 3: Ngày thi 26 và 27/4/2025; Ngày mở đăng ký 1 đến 6/4/2025.
Địa điểm tổ chức thi: 13 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 50 cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển. Các khối ngành có thể sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá tư duy để xét tuyển đại học: Các khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ; Các khối ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng; Các khối ngành y, dược; Các khối ngành công nghiệp, nông nghiệp.
3. Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 (khoảng 40% tổng chỉ tiêu):
Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục sử dụng 10 tổ hợp xét tuyển như các năm trước, bao gồm: A00, A01, A02, B00, D01, D04, D07, D26, D28, D29. Đồng thời, bổ sung tổ hợp K01 với các môn: Toán, Ngữ văn và 1 môn lựa chọn trong 4 môn Lý, Hóa, Sinh hoặc Tin học (môn Toán và Ngữ văn là bắt buộc). Điểm xét tuyển tổ hợp K01 được tính theo công thức:Toán x 3 + Ngữ văn + Lý/Hóa/Sinh/Tin x 2.
Quy định về chứng chỉ tiếng Anh: Năm 2025, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương có thể: Quy đổi thành điểm môn tiếng Anh khi xét tuyển tổ hợp A01, D01, D07. Cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng và điểm thi đánh giá tư duy. Thí sinh có thể xem chi tiết về Phương án tuyển sinh 2025 của ĐH Bách khoa Hà Nội TẠI ĐÂY.