Trước những thông tin tích cực trên, chúng ta đang kỳ vọng vào một tương lai gần sẽ không còn tin nhắn rác như hiện nay.
Tin nhắn rác mang lại tiền tỷ mỗi ngày cho nhà mạng
Theo thống kê từ hệ thống giám sát an ninh mạng của BKAV cho thấy mỗi ngày có gần 14 triệu tin nhắn rác được phát tán tới người sử dụng tại Việt Nam. Với mỗi tin nhắn SMS khoảng 300 đồng, số tiền mà nhà mạng thu về một ngày khoảng 4,2 tỷ đồng, một tháng 126 tỷ đồng và một năm ít nhất 1.500 tỷ đồng.
Đánh giá nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo các chuyên gia kinh tế, một phần là do các quyết định xử phạt thời gian qua chủ yếu mới “đánh” vào túi tiền của doanh nghiệp (DN) với mức phạt quá ít và hầu như chưa có DN nào bị khoá đầu số hoặc tịch thu giấy phép.
Trước tình hình trên, các chuyên gia cho rằng, hiện mức xử phạt với hành vi phát tán tin nhắn rác còn quá nhẹ. Các quyết định công bố xử phạt mới chỉ dựa vào các hành vi vi phạm, chưa có tiêu chí đánh giá dựa trên căn cứ từ thực tế. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở chính các món lợi “khủng” mà DN và nhà mạng kiếm được từ tin nhắn rác và một thực tế là từ trước đến nay gần như chưa thấy nhà mạng nào bị phạt về tin nhắn rác.
Trước vấn nạn trên, Bộ TT&TT đã phối hợp với Công an TP Hà Nội, Công an TP Đà Nẵng, Công an TPHCM rà soát thông tin thuê bao, cũng như tổ chức nhiều đợt tập huấn; có nhiều chỉ thị và văn bản chỉ đạo; tổ chức thanh tra diện rộng trên cả nước và thanh tra hàng năm các DN viễn thông. Tuy nhiên, kết quả triển khai vẫn chưa được như mong muốn.
Cần siết chặt quản lý
Theo Bộ TT&TT, để ngăn chặn tin nhắn rác hoành hành, Bộ đang soạn dự thảo Nghị định nhằm tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước; bao gồm một số biện pháp như: Phải mua sim tại các đại lý và mang theo giấy tờ tuỳ thân, không được mua sim ở quán nước như trước đây. Theo đó, sim thuê bao chỉ được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và sau khi đã hoàn thành việc nhập và lưu giữ thông tin thuê bao theo quy định.
Việc kích hoạt sim chỉ được thực hiện bởi DN viễn thông di động và sau khi đã hoàn thành việc cập nhật thông tin thuê bao của các cá nhân, tổ chức từ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông vào cơ sở dữ liệu tập trung của DN. Bộ TT&TT cũng quy định là tất cả các thuê bao di động trả trước đang sử dụng phải kê khai lại tên tuổi trong thời hạn tới ngày 1/9/2017.
Quy định hiện tại cho phép mỗi người có tối đa 3 sim của mỗi nhà mạng; mỗi tổ chức được sở hữu 100 sim trả trước/1 mạng viễn thông di động (nghĩa là với thực tế hiện nay có 5 mạng viễn thông di động thì mỗi cá nhân có thể sở hữu 15 sim trả trước, 1 tổ chức có thể sở hữu 500 sim trả trước).
Trước đó, 5 DN cung cấp dịch vụ viễn thông gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và Gtel đã cùng ký cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Dù kỳ vọng lần cam kết này sẽ được thực hiện nghiêm túc, nhưng khách hàng vẫn chưa an tâm với nạn sim rác sẽ được giải quyết dứt điểm.