Mạnh tay với chiêu trò 'kiếm ăn' từ vàng 'bình ổn giá'

GD&TĐ - Công an TP Hà Nội xác định, có một số đối tượng có biểu hiện thuê người xếp hàng mua vàng tại một số chi nhánh Ngân hàng để bán lại kiếm lời...

Vàng SJC được bán cho các cơ sở kinh doanh vàng bạc không có giấy phép với giá chênh lệch cao hơn so với ngân hàng thương mại Nhà nước bán.
Vàng SJC được bán cho các cơ sở kinh doanh vàng bạc không có giấy phép với giá chênh lệch cao hơn so với ngân hàng thương mại Nhà nước bán.

Xuất hiện đối tượng gom “vàng bình ổn”

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội vừa xác định có nhóm đối tượng được thuê xếp hàng để mua vàng các ngân hàng thương mại Nhà nước và bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc.

Trước đó, ngày 7/6, Ngân hàng Nhà nước có công văn đề nghị Công an TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan xác minh việc lan truyền thông tin ngân hàng thiếu vàng để bán; tại nhiều điểm bán vàng có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn cho thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

Vào cuộc xác minh, Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội xác định, có một số đối tượng có biểu hiện thuê người xếp hàng mua vàng tại một số chi nhánh Ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV (được giao bán “vàng bình ổn” trên địa bàn Hà Nội). Trong đó, có khoảng 4 đến 5 nhóm riêng biệt. Trong mỗi nhóm có một đối tượng đứng ra gom vàng.

Các nhóm này đều hoạt động theo phương thức chuyển khoản tiền trước cho thành viên trong nhóm. Sau khi lấy được số xếp hàng sẽ chờ đến lượt để giao dịch mua vàng. Mua được vàng từ ngân hàng, số người mua sẽ tập trung giao vàng cho đối tượng chính.

Sau đó, một số người di chuyển sang các điểm khác để tiếp tục xếp hàng mua vàng. Qua theo dõi di biến động của các đối tượng chính, các trinh sát xác định điểm đến là các cơ sở kinh doanh vàng bạc.

Điển hình như cửa hàng kinh doanh vàng bạc B.T.T.H. trên địa bàn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) do bà Đ.T.T. làm chủ đã có 4 người đi xếp hàng mua vàng tại các ngân hàng thương mại Nhà nước. Xác minh ban đầu xác định các cá nhân liên quan đến cửa hàng này đã xếp hàng mua tổng cộng 14 lượng vàng SJC.

Ngày 17/6, Phòng An ninh kinh tế, Công an Hà Nội đã phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội thành lập 3 tổ công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động mua, bán vàng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng trên địa bàn.

Kiểm tra tại cửa hàng B.T.T.H. phát hiện chồng của bà T. đang thực hiện mua 1 lượng vàng SJC từ 1 cá nhân với giá 81 triệu/lượng, thanh toán theo hình thức chuyển khoản, không có hoá đơn chứng từ (cửa hàng kinh doanh vàng bạc B.T.T.H. không được cấp phép mua bán vàng miếng SJC).

Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ đối với một số mặt hàng trang sức mỹ nghệ đang được bày bán. Qua đó, tổ kiểm tra đã lập biên bản và tạm giữ tang vật vi phạm hành chính đối với 1 lượng vàng SJC, 232 nhẫn trang sức màu vàng, 48 chiếc nhẫn trang sức màu trắng.

Cần những giải pháp căn cơ

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mục tiêu đặt ra khi quản lý thị trường vàng là làm thế nào để vàng không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, không ảnh hưởng tới tỷ giá. Nghĩa là làm cho vàng kém hấp dẫn đi, không cho dùng vàng làm phương tiện thanh toán, để người dân bán vàng ra, lấy tiền đưa vào sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch… “Không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô”, nghị quyết nêu.

“Vàng hóa nền kinh tế” là hiện tượng kim loại quý lấn át hoặc thay thế đồng tiền trong nước, được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ. Hơn 10 năm trước, tình trạng này xảy ra, tạo sức hút lớn với nhà đầu tư, người dân.

Vàng trở thành nơi “làm ăn” của giới đầu cơ. Trong khi, người dân có thói quen quy đổi giá trị của một vật ra số vàng tương ứng. Năm 2012, Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng được ban hành, giúp cân bằng cung - cầu, ổn định thị trường.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội với lãnh đạo Chính phủ ngày 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề cập đến một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn, trong đó có đề cập đến thị trường vàng.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, mục tiêu được Chính phủ đề ra là bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng như: Đấu thầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…

Đề cập đến vấn đề “vàng hóa”, chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong 10 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ thành công trong việc chống “vàng hóa” ở một mức độ nào đó. Người dân hiện nay không còn dùng vàng như đơn vị để thanh toán. Các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng, nước Mỹ cũng bán vàng vật chất và vàng trang sức. Nhưng bên cạnh vàng vật chất và vàng trang sức, thị trường chứng khoán của Mỹ có những sản phẩm để đầu tư vào vàng, chứng khoán.

“Người ta đầu tư vào chứng khoán vàng. Người dân ở Mỹ không mua vàng. Họ mua là mua mấy đồng coin thôi. Ở Mỹ, người dân sợ mang vàng về nhà. Họ sợ bị cướp nên không bao giờ giữ vàng ở nhà. Họ phải mua bảo hiểm vàng”, TS Hiếu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ