Bán vàng 'bình ổn giá': Kiên trì xếp hàng để được… cầm vàng

GD&TĐ - Cùng với 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, Công ty SJC là đơn vị thứ 5 tham gia mua bán vàng theo phương án bình ổn giá.

Chi nhánh ngân hàng VietinBank ở 81 phố Huế (Hà Nội), rất đông người dân chờ mua vàng trong ngày thứ 2 mở bán.
Chi nhánh ngân hàng VietinBank ở 81 phố Huế (Hà Nội), rất đông người dân chờ mua vàng trong ngày thứ 2 mở bán.

Ngày 4/6 là ngày thứ hai Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bán vàng miếng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC với mức giảm 1 triệu đồng/lượng so với phiên giao dịch trước đó. Nhiều khách hàng đến các điểm ngân hàng bán vàng để chờ giao dịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể mua được vàng.

Đơn vị nào được bán vàng “bình ổn giá”?

Cùng với 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, Công ty SJC là đơn vị thứ 5 tham gia mua bán vàng theo phương án bình ổn giá vàng, đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới.

Vietcombank bán vàng tại 6 điểm ở Hà Nội, TPHCM. VietinBank triển khai bán tại hệ thống cửa hàng VietinBank Gold & Jewellery với 2 địa điểm ở Hà Nội và 1 điểm TPHCM. Agribank bán tại 4 điểm giao dịch ở Hà Nội và TPHCM. BIDV bán tại 3 chi nhánh Hà Nội và TPHCM.

Công ty SJC bán tại 20 điểm ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Huế, Quảng Ngãi, Biên Hòa - Đồng Nai, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau.

Về giá bán, các đơn vị căn cứ vào giá mua vàng miếng từ NHNN sẽ xác định và công bố giá bán vàng miếng SJC trên trang thông tin của các ngân hàng và Công ty SJC và tại các địa điểm bán vàng.

NHNN lưu ý, khách hàng mang theo giấy tờ tùy thân theo quy định đến trực tiếp các địa điểm bán vàng để giao dịch, thực hiện thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và nhận vàng giao ngay. Hóa đơn bán hàng được cung cấp cho khách hàng theo hình thức hóa đơn điện tử.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC cho khách hàng cá nhân và không thực hiện mua vàng miếng SJC từ khách hàng. Trong khi đó, Công ty SJC thực hiện tất cả các giao dịch mua - bán vàng miếng SJC.

Trong trường hợp dự kiến mua vàng với khối lượng lớn, khách hàng chuẩn bị sẵn thông tin để khai báo hoặc thực hiện mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại Nhà nước trước khi giao dịch hoặc thực hiện thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

Hà Nội: “Vàng mắt” vì chờ mua… vàng

Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy trình mua, bán vàng miếng

NHNN ban hành Quyết định số 1012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy trình mua, bán vàng miếng. Theo đó, chậm nhất 2 giờ trước thời điểm NHNN tổ chức giao dịch mua, bán vàng miếng, Cục Quản lý Dự trữ Ngoại hối Nhà nước sẽ gửi thông báo mua, bán vàng miếng qua địa chỉ thư điện tử cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ mua, bán (vàng miếng với NHNN) theo địa chỉ thư điện tử đã đăng ký. Quy định này thay cho quy định trước đó là “Chậm nhất trong ngày làm việc liền kề trước ngày NHNN tổ chức giao dịch mua, bán vàng miếng, Sở Giao dịch gửi thông báo mua, bán vàng miếng (theo mẫu tại phụ lục 8) qua fax cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp…”.

Sáng 4/6, các điểm giao dịch của 4 ngân hàng là Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank tại Hà Nội tiếp tục mở bán vàng. Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, nhiều người dân đã tập trung tại các điểm bán vàng “bình ổn giá” từ sáng sớm.

Tại Vietcombank chi nhánh Láng Hạ (Hà Nội), nhiều người dân phải ra về dù đến từ sớm. Lý do, ngân hàng thông báo chỉ bán vàng trong buổi chiều. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đã cho người mua đặt cọc 10% số lượng vàng cần mua để chiều đến lấy.

Gần trưa 4/6, tại chi nhánh Ngân hàng VietinBank ở 81 phố Huế (quận Hai Bà Trưng), nhiều người dân xếp hàng chờ đến lượt mua vàng. Những người đã lấy số từ chiều 3/6 được xếp riêng một hàng và sẽ phải đưa ra giấy tờ (số thứ tự) chứng minh đã xếp hàng mua vàng từ hôm trước.

Nhân viên chi nhánh này cho biết, đến 11 giờ mới có vàng miếng để bán. Tuy số lượng bán ra không giới hạn, nhưng mỗi người chỉ được mua 5 lượng vàng một lượt, không giới hạn số lần mua. Nếu khách muốn mua nhiều, có thể mua 5 lượng, xong lại ra ngoài xếp hàng mua tiếp.

Bà Lại Minh Nguyệt (quận Đống Đa, Hà Nội) được hẹn sang sáng 4/6 đến mua vàng, sau khi phải quay về trong chiều 3/6. Bà Nguyệt rất mong mua được vàng theo chương trình bán vàng của NHNN.

“Giá cả chỉ là 1 phần, kiểu gì cũng rẻ nhất rồi. Nhưng quan trọng là vàng của Nhà nước bán nên không có bất kỳ nghi ngờ gì về chất lượng. Nên tôi vẫn quyết tâm chờ đến lượt và mua được vàng”, bà Nguyệt chia sẻ.

Trái với tình trạng “quá tải” tại các địa điểm bán vàng khác, BIDV chi nhánh Bà Triệu lại khá vắng vẻ trong phiên sáng 4/6 và chỉ có ít người ngồi đợi mua.

Mặc dù vậy, một số khách hàng có mặt tại đây cho biết đã đợi khá lâu nhưng vẫn chưa rõ có mua được vàng hay không. “Nhân viên chỉ nói ngồi đợi mà không hề phát số hay thông báo khi nào thì được mua”, một người mua vàng nói.

Theo chia sẻ của nhân viên ngân hàng, danh sách người đăng ký mua vàng đang vượt quá số lượng vàng mà ngân hàng được cấp trong ngày hôm nay. Chi nhánh cũng đã tạm ngừng phát phiếu đợi trong sáng 4/6.

Một người dân làm thủ tục mua vàng tại quầy giao dịch (Hà Nội).

Một người dân làm thủ tục mua vàng tại quầy giao dịch (Hà Nội).

TPHCM: Nhà băng “quay xe” giờ bán vàng

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ tại TPHCM, thay vì bán vàng vào lúc 9 giờ ngày 4/6, các ngân hàng nhóm BIG 4 (VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank) đều điều chỉnh thời gian sang đầu giờ chiều ngày 4/6 mới mở bán. Việc các ngân hàng bất ngờ điều chỉnh thời gian mua vàng trong ngày khiến nhiều người dân có phần sốt ruột do đảo lộn kế hoạch làm việc trong ngày.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (quận Tân Bình) cho hay, theo thông báo trước đó, các ngân hàng sẽ bán vàng từ 9 giờ sáng, nên đã bắt xe đến địa điểm bán vàng của BIDV (số 134, đường Nguyễn Công Trứ, Quận 1) từ 7 giờ 30 phút, nhưng sau đó chị chỉ được làm thủ tục, đóng tiền và lấy giấy hẹn quay lại trước 15 giờ để nhận vàng. “Ngân hàng báo chưa có vàng về nên đầu giờ chiều quay lại mới có hàng”, chị Linh chia sẻ.

Tại Vietcombank, nhà băng này thông báo, sau khi hoàn tất các thủ tục mua, giao nhận vàng miếng SJC từ NHNN và vận chuyển về các kho sẽ phục vụ khách hàng đến mua vàng từ 13 giờ 30 phút. Tuy nhiên, khách hàng có thể đặt mua từ buổi sáng với giá cọc tương đương 10% giá trị đặt mua tính theo giá bán 79,98 triệu đồng/lượng.

Từ 8 giờ, chị Thái Thị Trang (Quận 10) xếp hàng chờ mua vàng tại chi nhánh Vietcombank (số 5 Công trường Mê Linh, Quận 1) để chờ mua vàng.

“Hôm qua, tôi đi 3 ngân hàng cũng không mua được vàng. Sáng nay ra sớm, nhưng chờ đến 10 giờ vẫn chưa mua được vàng. Phía Ngân hàng Vietcombank thông báo khách hàng có thể đặt cọc trước 10% giá trị đặt mua tính theo giá bán vàng miếng của Vietcombank ngày 3/6 (giá 79,98 triệu đồng/lượng - PV) và chờ đến chiều sẽ có vàng. Tuy nhiên, giá vàng niêm yết buổi chiều sẽ chờ thông báo của NHNN”, chị Trang cho hay.

Phía BIDV, Agribank cũng lùi thời gian bán vào đầu giờ chiều do hết số lượng vàng miếng bán từ hôm qua. “Ngân hàng sẽ liên hệ trực tiếp với các khách hàng đã đặt mua và hẹn giao trong sáng nay”, đại diện Agribank nói.

Chị Minh Hằng, chuyên gia đầu tư vàng tại TPHCM cho hay, thực tế, trong 2 buổi đi mua vàng ở 2 ngân hàng quốc doanh và ở Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), có thể thấy cách làm việc của các ngân hàng chưa thực sự chuyên nghiệp như SJC.

“Kinh doanh vàng rất đặc thù và đòi hỏi các kỹ năng riêng biệt, bởi vậy khi tổ chức bán lẻ vàng tới tay người tiêu dùng sẽ mất rất nhiều thời gian. Thực tế khi mua vàng ở các ngân hàng thì thời gian chờ đợi để mua được lâu hơn khoảng 2/3 thời gian so với mua trực tiếp tại SJC”, chị Hằng nhận định.

Khách mua vàng ở Ngân hàng Agribank (TPHCM). Ảnh: T.Hải

Khách mua vàng ở Ngân hàng Agribank (TPHCM). Ảnh: T.Hải

Lấp ló hình ảnh “thời tem phiếu”

Ghi nhận của Báo GD&TĐ tại thành phố cảng Hải Phòng cho thấy người dân cũng phải nhận phiếu, chờ đến lượt mua vàng “bình ổn giá” tại chi nhánh của Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) số 89-91 phố Cầu Đất, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Giá vàng miếng SJC mua vào là 77.480.000 đồng và bán ra là 78.980.000 đồng.

Người dân đến mua vàng được nhân viên chi nhánh này hướng dẫn và lấy số thứ tự. Khi đến lượt, người mua xuất trình thẻ căn cước công dân, chuyển tiền và nhận phiếu mua hàng. Hiện tại, vàng miếng tại cửa hàng không còn, vì thế, người dân được mua mỗi người một lượng và nhận phiếu để lấy vàng sau 2 hôm.

Theo chia sẻ của nhân viên chi nhanh Công ty SJC, ngày 3/6, lượng người dân đến mua vàng miếng rất đông, có người mua 1 lượng, nhưng cũng nhiều người mua từ 3 - 5 lượng. Nhiều người xếp hàng đến lượt không mua được do hết vàng.

Chiều 4/6, do trời mưa nên lượng người đến cửa hàng giao dịch ít hơn và không phải xếp hàng chờ lâu.

Bà Nguyễn Thị Thủy (70 tuổi, số 30 Cầu Đất, quận Ngô Quyền) cho biết bà tiết kiệm được 300 triệu đồng. Ngày 3/6, khi nghe thông tin ở Hải Phòng có chi nhánh Công ty SJC bán vàng miếng “bình ổn giá” bà Thủy đã ra mua 1 lượng vàng để dành. Hôm nay nghe báo đài thông tin giá vàng trên trị trường giảm, bà Thủy quyết định ra mua thêm 1 lượng nữa, mục đích để dành tặng con cháu vào dịp đặc biệt.

Theo ghi nhận, vào 15 giờ ngày 4/6, lượng người đến giao dịch vàng tại chi nhánh Công ty SJC tại Hải Phòng khá đông, dù trời vẫn chưa dứt mưa. Quá trình mua vàng “bình ổn giá” khá lâu do người dân đến phải nhận phiếu, ngồi chờ đến lượt. Cửa hàng nhận thanh toán bằng chuyển khoản và tiền mặt, nên người cao tuổi không gặp khó khăn trong thủ tục chuyển tiền.

Bà Phạm Thị Chi (60 tuổi, trú tại Khu đô thị Hoàng Huy Riverside, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) chia sẻ, ngày đầu tiên bán vàng bình ổn giá bà thấy cửa hàng đông người xếp hàng và quyết định hôm nay đi mua để không phải xếp hàng đợi lâu.

Theo bà Chi chia sẻ, gia đình không có ý định đầu tư vàng hay mua vàng để dành mà muốn trải nghiệm mua vàng “bình ổn giá” từ NHNN.

Anh Hoàng Bình Minh (45 tuổi, số 185 Tôn Đức Thắng, phường An Dương, quận Lê Chân) cho hay, giá vàng ngoài thị trường khá cao và chênh lệch lớn mua vào - bán ra, vì thế anh tìm đến cửa hàng mua vàng bình ổn. Tuy nhiên, theo nhân viên hướng dẫn anh chỉ được mua 1 lượng vàng SJC bằng phiếu nên hơi tiếc bởi anh đã dự định mua 10 lượng để dành.

Ghi nhận của Báo GD&TĐ tại Quảng Ninh ngày 4/6 cho thấy, Trung tâm vàng bạc đá quý SJC (địa chỉ tại SH8, đường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) có 5 đến 6 nhân viên ngồi túc trực bán vàng, hỗ trợ khách hàng các thủ tục. Tại đây chủ yếu bày bán kiềng cưới, nhẫn nam... không bày bán vàng miếng và nhẫn trơn.

Vào sáng 4/6, có rất nhiều người dân đến đây để mua vàng. Nhưng sang buổi chiều cùng ngày khá vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một vài khách đến mua.

Những khách hàng đến đây mua vàng hầu hết đều hỏi mua vàng miếng nhưng cửa hàng không có sẵn loại vàng này. Khách hàng được nhân viên hướng dẫn phải thanh toán 100% và hai ngày sau quay lại nhận vàng.

Chị Loan, TP Hạ Long cho biết, sáng nay ra đây tìm vàng miếng để mua, nhưng cửa hàng báo hàng không có sẵn mà phải thanh toán trước để cửa hàng đặt vàng rồi gửi về. “Tôi muốn mua 2 lượng nhưng nhân viên nói chỉ được mua 1 lượng. Một lát sau tôi năn nỉ nên đã được mua 2 lượng.

Tôi đã thanh toán 100% và 2 ngày sau sẽ quay lại nhận vàng. Nếu mình mua thời điểm sáng nay, họ tính giá ở thời điểm sáng nay chứ không tính giá thời điểm mình nhận vàng”, chị Loan nói.

Tương tự, anh Tuấn ở TP Cẩm Phả cho biết, hơn chục ngày trước giá vàng khá cao nên không dám đầu tư. Những ngày gần đây giá vàng đang giảm và ổn định hơn nên quyết định mua vàng để phòng thân khi gia đình có việc đột xuất.

Một nhân viên Trung tâm vàng bạc đá quý SJC tại Quảng Ninh cho biết, hiện tại vàng miếng đang hết hàng, muốn mua hàng phải thanh toán 100% và hai ngày sau sẽ nhận được hàng. “Số lượng khách hàng mua rất đông nên hết hàng. Phải thanh toán trước để đặt hàng thì mới có”, người này nói.

Bức xúc vì nhà băng thiếu chuyên nghiệp

Ghi nhận ý kiến của khách hàng tại các đơn vị kinh doanh vàng, hầu hết đều ủng hộ việc bán vàng giá bình ổn của NHNN. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hài lòng với công tác tổ chức bán vàng tại các địa điểm.

“Việc bán vàng theo giá bình ổn như vậy là rất đáng mừng, nhưng ngân hàng làm việc vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Nay thông báo kiểu này, mai thông báo kiểu khác khiến người mua tốn thời gian chờ đợi.

Trong ngày hôm qua thì lãnh đạo ngân hàng hứa sáng mai sẽ có vàng cho người dân. Đến bây giờ (sáng 4/6) lại bảo đến chiều. Đáng lẽ ngân hàng phải có thông báo sớm hơn, tránh để người dân đến đợi từ sớm rồi lại phải ra về”, một khách hàng đợi mua vàng bức xúc.

Bà Hoàng Thị Quyên (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) đã xếp hàng 2 hôm vẫn chưa mua được vàng, kiến nghị các ngân hàng nên giới hạn số lượng vàng mà mỗi người được mua.

“Cứ ai cũng mua tới hàng chục lượng vàng thì những người sau biết đến bao giờ mới mua được. Không chỉ nên giới hạn số lượng vàng, ngân hàng cũng nên ưu tiên những khách hàng mua với số lượng ít vì đây là nhu cầu thực của họ. Những người mua ít là những người mua vàng để tích trữ chứ không phải đầu cơ và nên được ưu tiên”, bà Quyên nói.

Người dân giao dịch vàng tại chi nhánh Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ngày 4/6, tại Hải Phòng.

Người dân giao dịch vàng tại chi nhánh Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ngày 4/6, tại Hải Phòng.

Giá vàng sẽ “hạ nhiệt” trong thời gian tới?

Đánh giá về phương án giao cho 4 ngân hàng nhóm BIG 4 bán vàng miếng trực tiếp cho người dân, các chuyên gia kinh tế đều nhận định đây là giải pháp rất tốt. Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương cho rằng, giải pháp này khá tốt và cũng là giải pháp ít tốn kém nhất. Phía NHNN cũng không tốn nhiều về chi phí ngoại tệ để nhập khẩu vàng.

Lý giải cho nhận định này, ông Phương dẫn chứng, đầu tiên về mặt tâm lý thì khi những nhà đầu cơ vàng, kể cả người dân bị cuốn vào làn sóng mua vàng tích trữ khi thấy giải pháp của NHNN đưa ra thì sẽ thấy được rằng vàng không thực sự hút quá, không bị thiếu hoặc sẽ không còn cảm thấy nếu không mua bây giờ thì sắp tới giá vàng sẽ còn tăng hơn nữa.

“4 ngân hàng lớn mà cùng được bán vàng ra thì số lượng sẽ không ít thay vì trước đây vàng miếng chỉ được bán ra ở các công ty lớn, những nhà kinh doanh vàng chuyên nghiệp ở Việt Nam. Chưa kể, lượng vàng của 4 ngân hàng này bán ra còn được ‘hiểu ngầm’ là của Nhà nước tung ra. Vì vậy, kiểu gì thì về mặt tâm lý thì sẽ giúp người dân bớt đổ xô đi mua vàng”, ông Phương nói.

Nguyên nhân thứ hai, giới đầu cơ vàng, kể cả những người đầu cơ theo trường phái là người kinh doanh và tạo sóng, tạo “cơn sốt” mua vàng cũng sẽ chùng bước trước quyết định này của NHNN. Bởi lẽ, khi lượng vàng tham gia vào thị trường lớn thế này sẽ gia tăng sức cạnh tranh rất cao trên thị trường.

“Để tạo cơn sóng vàng trên thị trường thì đầu tiên phải tạo giá (hay còn gọi là làm giá). Nhưng bây giờ nếu giới đầu cơ này làm giá lên thì các ngân hàng lớn sẽ bán ra và bản thân những nhà đầu cơ này sẽ bị thiệt hại”, chuyên gia này lý giải.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, nhận định có nhiều lý do khiến giá vàng tụt dốc. Trong đó, có việc Chính phủ ban hành lệnh thanh tra tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng để bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh vàng để ổn định thị trường.

“Quyết định của NHNN có tác động rất mạnh đến thị trường vàng khi 4 ngân hàng thương mại bán vàng theo sự chỉ đạo. Các ngân hàng này không kinh doanh vàng, mà nhận nhiệm vụ phân phối vàng theo sự chỉ đạo để bán vàng cho dân theo định giá của NHNN”, ông Hiếu nói.

Đồng thời, chuyên gia này nhận định, giá vàng trong thời gian tới có thể tiếp tục giảm, nhưng có duy trì ở mức thấp hay không còn phải đợi thêm diễn biến trên thị trường vàng quốc tế và khả năng cung cấp vàng ra thị trường của NHNN.

Không vì mục tiêu lợi nhuận

Việc bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Chính phủ, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ