Mạnh dạn xã hội hóa biên soạn SGK là bước đi đúng hướng

Mạnh dạn xã hội hóa biên soạn SGK là bước đi đúng hướng

Đó là chia sẻ của Nhà giáo Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Văn, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ). Có hơn 40 năm gắn bó với ngành Giáo dục, Nhà giáo Lê Xuân Bột chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề xã hội hóa biên soạn SGK.

Bước đi đúng của Bộ

Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế bị ảnh hưởng, việc xã hội hóa biên soạn SGK đã tiết kiệm chi phí cho Nhà nước. Bộ đã huy động nguồn lực, trí tuệ và tâm huyết xây dựng thành công Chương trình GDPT tổng thể. Đây là thành công rất quan trọng, làm nền tảng trong đổi mới giáo dục. Đến nay, việc biên soạn SGK cũng được tiến hành khẩn trương, với sự vào cuộc của xã hội, đánh dấu bước thành công tiếp theo.  

Chúng ta đã có 5 bộ SGK của 3 nhà xuất bản khác nhau. Đây là kết quả của sự khuyến khích của Bộ GD&ĐT trong xã hội hóa biên soạn sách. Các nhà xuất bản cũng đã cử các chuyên gia, những người biên soạn sách đến các địa phương để giới thiệu sách. Việc này theo tôi biết các nhà xuất bản đều rất tích cực.

SGK là tài liệu dạy và học trong nhà trường phổ thông, nhằm cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung, kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông. Điều này cho thấy SGK có vai trò rất lớn trong dạy và học, chi phối và liên quan đến rất nhiều người, nhiều tổ chức. Trước đây, việc biên soạn, in ấn SGK cũng từng gây ra nhiều bàn cãi, tranh luận từ học thuật đến kinh doanh, in ấn, phát hành...

Bộ GD&ĐT đã có bước đi đúng hướng khi mạnh dạn xã hội hóa trong việc biên soạn SGK. Làm được việc này sẽ xoá bỏ được cơ chế độc quyền, có sự cạnh tranh nhiều nhóm tác giả, nhiều trí tuệ tham gia bộ sách. Cạnh tranh tạo ra sản phẩm tốt hơn, có nhiều lựa chọn hơn cho giáo viên, người học, như vậy sẽ có bộ SGK tốt cho học sinh, giáo viên.

Mạnh dạn xã hội hóa biên soạn SGK là bước đi đúng hướng ảnh 1
Nhà giáo Lê Xuân Bột.

Thầy, trò được hưởng lợi nhiều nhất

Trong một giai đoạn dài, giáo dục của chúng ta vẫn nặng về kiến thức. Giờ chúng ta phải chuyển qua phát triển toàn diện năng lực phẩm chất của người học để phát triển hết tiềm năng của học sinh. Mục tiêu trong Nghị quyết 88 của Quốc hội rất rõ, chúng ta cần đảm bảo quyền lợi của học sinh để học sinh phát triển toàn diện nhất. Hiện chúng ta đã có chương trình tổng thể, chương trình chi tiết, mọi thứ chuẩn rồi thì SGK sẽ biên soạn bám theo chương trình đó, sao cho thực hiện xã hội hóa hiệu quả nhất.

Một chương trình, nhiều SGK là xu thế quốc tế, nhiều nước đã thực hiện từ lâu. Đó là một chủ trương đúng và hay, nhưng cũng phải có điều kiện, tâm huyết mới thực hiện thành công. Quốc hội cũng đã tán thành chủ trương một chương trình, nhiều SGK.

Các bộ SGK của các tổ chức, cá nhân đều phải thẩm định quốc gia bình đẳng như nhau. Vì thế cần đặc biệt coi trọng việc thẩm định. Để tránh độc quyền trong phát hành bộ sách cần tách bạch chuyện biên soạn và chuyện in ấn, phát hành. Chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK để bảo đảm mỗi môn học có một hoặc một số SGK là rất cần thiết, tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành sách SGK.

Quyền lựa chọn, thẩm định sách giờ đây được trao cho nhà trường, cho giáo viên. Hơn ai hết, chính nhà trường, giáo viên - những người hiểu rõ nhất việc dạy, học sẽ chọn bộ sách phù hợp với học sinh, với địa phương, phù hợp với tiêu chí mà cơ sở mà mình đang giảng dạy. 

Hơn cả đó là quyền lợi của học sinh, với bộ sách mà khi học sinh học xong thì không phải học sinh biết được những gì mà học sinh làm được những gì. Chúng ta đang cần có một thị trường SGK lành mạnh, phù hợp với chủ trương khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách, vì mục tiêu có được những bộ SGK tốt nhất cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ