Mang vẻ đẹp của nước Ý đến Việt Nam

GD&TĐ - 20 bức ảnh chọn lọc của người có 'bản năng kể chuyện qua ảnh' - Fulvio Bugani đang thu hút giới nhiếp ảnh Việt và những người yêu vẻ đẹp nước Ý.

Một tác phẩm trưng bày trong triển lãm 'Sicily'.
Một tác phẩm trưng bày trong triển lãm 'Sicily'.

Triển lãm “Sicily” diễn ra tại Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm - Hà Nội) từ ngày 18 - 31/8 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Italia - Việt Nam (1973 - 2023).

Những bức ảnh chụp cuộc sống đời thường tại hòn đảo Sicily được đánh giá là “vẻ đẹp khó tin của nước Ý” được Fulvio Bugani - đại sứ Leica toàn cầu chia sẻ với công chúng Việt Nam nhằm tìm điểm tương đồng và sự khác biệt trong cách cảm nhận nghệ thuật nhiếp ảnh.

Xem ảnh với tinh thần cô đơn

Fulvio Bugani sinh năm 1974, là một nhiếp ảnh gia tư liệu tự do người Ý với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Thành tựu nổi bật nhất của ông là giải thưởng World Press Photo với bộ ảnh về người chuyển giới ở Indonesia năm 2015. Ngoài ra, ông cũng là một trong 12 người xuất sắc nhất vòng chung kết tại Lễ trao giải Leica Oskar Barnack năm 2016 với bộ ảnh phóng sự về Cuba.

Triết lý cuộc sống của Fulvio Bugani là quan tâm cuộc sống hàng ngày của những con người bình thường. Bởi với ông, cách duy nhất để hoàn thiện chính mình là học hỏi từ những người khác. Những địa điểm ông thường đến là những nơi có cuộc sống, văn hóa đa dạng như Cuba, Kenya, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thu Hà là học trò của Fulvio Bugani trong chuyến du học nhiếp ảnh tại Cuba cho biết: “Hà Nội thêm một lần nữa chào đón Fulvio Bugani - người thầy của chúng tôi. Khoảng 6 năm trước, ông đến Việt Nam để thực hiện một số dự án nhiếp ảnh cũng như tổ chức các buổi workshop chia sẻ về nghệ thuật nhiếp ảnh. Lần này, Fulvio Bugani trở lại với nhiều bất ngờ cùng 20 bức ảnh tuyệt đẹp về hòn đảo Sicily của nước Ý”.

Tách biệt khỏi những thành phố sầm uất, Sicily là hiện thân của nhịp sống chậm rãi, thanh bình, được ví như những đợt sóng êm đềm của Địa Trung Hải. Một nhịp sống thuận theo sự oi ả của Mặt trời khi ngày lên và trầm lặng khi ngày tàn. Sự tách biệt của Sicily có thể là điều may mắn, nhưng cũng có thể là một lời nguyền, với quyền năng có thể làm trào dâng nhưng cũng có thể phá vỡ cảm xúc của con người.

Nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani (giữa) và bạn bè Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani (giữa) và bạn bè Việt Nam.

Trong lịch sử, Sicily từng được cai trị bởi nhiều nền văn minh, như: Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Normans và Tây Ban Nha. Mỗi nền văn minh đều để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong văn hóa - kiến trúc - ẩm thực của hòn đảo này. Ngày nay, Sicily là một điểm đến đầy quyến rũ với những bãi biển thơ mộng và nền di sản văn hóa phong phú.

Qua ống kính của Fulvio Bugani, nét đẹp có một không hai của hòn đảo này khiến người xem đắm mình trong những câu chuyện và cảm xúc mà chỉ có Sicily mới có thể mang lại. Bởi vậy trong buổi khai mạc triển lãm, Fulvio Bugani nói với công chúng Việt Nam rằng: Xin hãy cảm nhận bằng tinh thần của một người cô đơn, để thấy chiều kích bên trong mỗi bức ảnh mà bề mặt thị giác không thể thấy.

Quả thật, những bức ảnh của Fulvio Bugani với ngôn ngữ tư liệu và trừu tượng cùng chủ nghĩa lãng mạn của người Ý thật không dễ để công chúng Việt Nam cảm nhận.

Tuy nhiên, là một chuyên gia kể chuyện qua ảnh - câu chuyện của Fulvio Bugani cũng có niềm vui, nỗi buồn, hoài niệm, cô đơn… với những tâm tình vốn có của con người, dù họ sống bất cứ nơi đâu và ở bất kỳ nền văn hóa nào.

Nhiếp ảnh hướng tới con người

Dù là người có “bản năng kể chuyện qua ảnh” nhưng 20 bức ảnh trong triển lãm “Sicily” - Fulvio Bugani lại gần như không kể gì. Mỗi bức ảnh có một hoàn cảnh riêng với tâm tình sâu kín, mỗi vẻ đẹp thanh bình giản dị đều mang trong mình những sóng gió đã qua của lịch sử, mỗi nét mặt - nụ cười của người đảo Sicily đã từng chứa chan những giọt nước mắt. Tất cả cuộc sống, mỗi tảng đá, ngôi nhà, bão tố… tinh luyện lại như ngọc trai biển khơi để nhiếp ảnh gia thâu vào ống kính những gì tinh tuý nhất của Sicily.

Thế nhưng, nếu xem 20 bức ảnh của Fulvio Bugani để thấy ngay vẻ đẹp thị giác, thì có lẽ đã nhầm. Những bức ảnh không lột tả vẻ đẹp nhìn được bằng mắt thường mà để cảm nhận bằng sự bình yên trong tâm hồn. Thế nên nhiếp ảnh gia này mới khuyên “hãy cảm nhận bằng tinh thần của một người cô đơn”.

“Điểm thú vị ở hòn đảo này không phải vì vẻ đẹp hoang sơ mà ở sự giản dị, thật thà của người dân. Họ sống nhân bản với cuộc đời của chính mình. Điều này khác với sự hào nhoáng ở những điểm đến khác trên đất Ý. Đó là lý do tôi đem Sicily đến Việt Nam”, nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani chia sẻ.

Fulvio Bugani hướng ống kính đến cuộc sống giản dị thường ngày.

Fulvio Bugani hướng ống kính đến cuộc sống giản dị thường ngày.

Xuất sắc ở thể loại ảnh báo chí và được trao giải danh giá nhất, nhưng những trải nghiệm của Fulvio Bugani về cuộc sống bình dị đã khiến ông nhận ra nhiếp ảnh báo chí không phải là thứ mình hướng đến. Ông muốn tìm sự tự do cá nhân, muốn nhiếp ảnh như một phương tiện chụp được nội tâm con người và phải là công cụ lắng nghe được tâm hồn chính mình.

20 bức ảnh Fulvio Bugani đem đến với công chúng Việt Nam thể hiện rõ lối đi và thông điệp “nhiếp ảnh vì con người”. Không còn những tương phản sáng – tối cực mạnh, hoặc ngay lập tức khiến những đôi mắt phải hướng đến bởi vẻ đẹp thị giác, tác phẩm của ông giờ đây theo phong cách tự nhiên, thậm chí nhìn qua thấy rất cũ, rất thường.

Thế nhưng càng nhìn sâu, người xem càng bị cuốn vào cuộc sống trong chính bức ảnh, đó là sức mạnh của sự khơi gợi trí tưởng tượng và chiều kích tâm cảm hướng con người biết trân quý vẻ đẹp bình dị của cuộc sống này.

“Những gì các bạn thấy trong tác phẩm của tôi sẽ chỉ có một phần thực tại, còn một phần là cái tôi của tôi. Đó là cách tôi mở ra cái nhìn cho mỗi người. Ngoài thực tại, những bức ảnh còn chứa đựng một điều quan trọng là truyền trí tưởng tượng”. Nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

GD&TĐ - Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các nước châu Âu vẫn duy trì giao thương với Moscow, cung cấp cho Nga hàng chục tỷ USD để tái đầu tư cho quân đội.