Mang thai ở tháng thứ 7 có được tiêm phòng vắc xin Covid-19?

GD&TĐ - Nhiều thắc mắc được các sản phụ đưa ra xung quanh liên quan đến tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 như: Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin được không? Mang thai 7 tháng liệu có được tiêm không?

Thai phụ tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Từ Dũ chiều 13/8. Ảnh: Hoàng Hùng.
Thai phụ tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Từ Dũ chiều 13/8. Ảnh: Hoàng Hùng.

Vì sao phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19?

Theo hướng dẫn mới nhất Bộ Y tế ban hành ngày 10/8, thì phụ nữ mang thai 13 tuần trở lên, đang cho con bú vẫn có thể tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trừ vắc xin Sputnik V. Như vậy, phụ nữ mang thai 7 tháng tuổi có thể được tiêm vắc xin Covid-19, cần lưu ý chống chỉ định với vắc xin Sputnik V.

Phân tích trên báo chí, PGS. TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, theo hướng dẫn tiêm vắc xin hiện hành của Bộ Y tế, tất cả các vắc xin Covid-19 đều có thể tiêm phòng cho phụ nữ mang thai nếu vắc xin đó không chống chỉ định cho phụ nữ mang thai. 

Hiện nay chỉ có vắc xin Sputnik V chống chỉ định cho phụ nữ mang thai.‏

Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả người dân trên thế giới cần phải tiêm vắc xin phòng Covid-19, việc tiêm ngừa sẽ giúp thai phụ phòng tránh, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng như tình trạng chuyển nặng khi chẳng may mắc Covid-19.‏

Cụ thể, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong văn bản mới này Bộ Y tế đã có những bổ sung, điều chỉnh các nhóm đối tượng trong khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, nhằm phát hiện và phân loại các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Nguồn: Bộ Y tế.

Nguồn: Bộ Y tế.

Bộ Y tế cho biết, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc xin.

Trong văn bản mới, Bộ Y tế cũng xác định các trường hợp phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng bao gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền, bệnh mạn tính; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi;

Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần; Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (Nhiệt độ <35, 5oC và >37,5 oC; Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút; Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế; Nhịp thở > 25 lần/phút).

Trong quyết định này, Bộ Y tế đã giảm bớt các trường hợp hoãn tiêm vắc xin phòng Covid-1, xuống còn 3 trường hợp: Có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; Đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.

Bên cạnh đó, có 2 trường hợp chống chỉ định tiêm gồm những trường hợp có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 cùng loại (lần trước) và có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Khi tiêm vắc xin cho thai phụ cần hỏi rõ tuổi thai và giải thích lợi ích, nguy cơ. Chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi, đồng thời thai phụ cần ký cam kết nếu đồng ý tiêm. Những trường hợp này sẽ được chuyển đến các cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm và theo dõi.

Cần chuẩn bị những gì trước và sau tiêm vắc xin Covid-19?

Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết trên báo chí, quan điểm khoa học tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai là khoa học, phù hợp với xu thế phòng chống dịch. Việc tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai sẽ tạo ra "vùng xanh" để bảo vệ một quần thể quan trọng.

Phụ nữ mang thai sau 13 tuần cũng như những người bình thường, tuy nhiễm trước khi tiêm phải khám thai để biết tình trạng của em bé và mẹ.

Một trong những thai phụ đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh được tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: VNN.

Một trong những thai phụ đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh được tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: VNN.

Phụ nữ mang thai sau 13 tuần mắc bệnh nền vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19 xong phải tầm soát kỹ, cần khám sàng lọc kỹ, cẩn thận, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế về chuyên môn. Ví dụ những phụ nữ có nguy cơ tiền sản giật, bong nhau non, các tai biến sản khoa tôi nghĩ nên trì hoãn tiêm. Buộc phải xử trí trước khi tiêm.

Vì sao phụ nữ mang thai lại có thể tiêm và cần tiêm vắc xin Covid-19?

Theo PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ có thai, không có thai và những người bình thường khác có nguy cơ mắc Covid-19 như nhau. Hay nói cách khác là khả năng lây nhiễm như nhau.

Phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc Covid-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định. Đây chính là yếu tố nguy cơ, bởi khi có thai do phải nuôi 1 đứa trẻ trong bụng nên tử cung của thai phụ sẽ to hơn, đẩy cơ hoành lên cao, đẩy dung tích phổi giảm xuống cản trở hô hấp vì thế nhu cầu oxy của phụ nữ mang thai cao hơn người bình thường.

Tiếp đến, bản thân phụ nữ trong quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế khi mắc Covid-19 nguy cơ trở thể nặng nhanh.

Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi… hoặc trên 35 tuổi mới mang thai… sẽ dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ.

Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và đang cho con bú có thể tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: HCDC TP Hồ Chí Minh.

Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và đang cho con bú có thể tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: HCDC TP Hồ Chí Minh.

Cùng với những yếu tố trên, nếu thêm mắc Covid-19 thì nguy cơ biến chứng thể nặng của phụ nữ mang thai càng thêm nhanh chóng.

Phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ECMO… với tỉ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi.

Đây là lý do các nhà quản lý, nhà khoa học thấy rằng việc chăm sóc thai kỳ, đề phòng nguy cơ cho phụ nữ mang thai trước đại dịch Covid-19 bằng vắc xin là cần thiết. Do đó, đã quyết định việc tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo sử dụng vắc xin Covid-19 ở phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.

Để giúp phụ nữ mang thai đưa ra đánh giá này, cần cung cấp thông tin cho họ về nguy cơ mắc Covid-19 trong thời kỳ mang thai cũng như lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ của địa phương, và những hạn chế hiện tại về số liệu an toàn ở phụ nữ mang thai.

WHO không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán mang thai trước khi tiêm chủng. Đồng thời, WHO không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai nghén vì lý do tiêm phòng Covid-19.

Theo WHO, đối với những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với SARS-CoV-2 (ví dụ nhân viên y tế) hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (ví dụ người đang mắc bệnh nền), có thể được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và phải được bác sĩ tư vấn, theo dõi chặt chẽ.

Việc tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ sau sinh nuôi con bằng sữa mẹ có ảnh hưởng gì đến trẻ sơ sinh?

Cũng theo PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, tiêm phòng cho phụ nữ sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, các nghiên cứu đã chứng minh virus không qua sữa mẹ, vì vậy phụ nữ mắc Covid-19 khi sinh con vẫn cho con bú bình thường, nhưng cần thực hiện nghiêm quy định về chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm.

Trẻ sơ sinh có kháng thể Covid-19 do mẹ tiêm phòng khi đang mang thai?

Thai phụ Katelyn Huber đã được tiêm vắc xin Covid-19 khi đang mang thai con gái Nora. Và khi sinh ra, Nora đã có kháng thể Covid-19. Cô Huber đã chia sẻ kinh nghiệm của mình và hy vọng nó sẽ giúp ích cho các bà bầu khác. 

Thai phụ Hube mong muốn và hy vọng rằng việc nhìn thấy con gái Nora và thấy cô bé hạnh phúc và khỏe mạnh như thế nào sẽ giúp những bà mẹ khác yên tâm hơn để đưa ra quyết định tiêm phòng vắc xin Covid-19.

Tiến sĩ Gregory Potts - Bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Sức khoẻ Phụ nữ Mercy (Mỹ) giải thích: Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin Covid-19 không chỉ được bảo vệ bản thân mà còn được chứng minh rằng kháng thể được sản sinh ra sẽ truyền cho em bé. Ngành y tế Mỹ đã tìm thấy kháng thể Covid-19 trong máu cuống rốn ở trẻ sơ sinh. Như vậy, tiêm vắc xin người mẹ vừa nhận được sự bảo vệ và có ít nhất một số bảo vệ tạm thời cho em bé.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ