Mang thai hộ: Thắp lên niềm hy vọng làm mẹ

GD&TĐ - Nghị định cho phép mang thai hộ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/3.  Việc pháp luật cho phép mang thai hộ đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Mang thai hộ giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có hy vọng lớn
Mang thai hộ giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có hy vọng lớn

Tuy nhiên, con đường tìm người mang thai hộ theo đúng quy định pháp luật còn nhiều gian nan đối với nhiều gia đình.Niềm vui của những vợ chồng hiếm muộn

Có mặt tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia Bệnh viện Phụ sản Trung ương có nhiều cặp vợ chồng không giấu được niềm vui khi hy vọng làm mẹ một lần nữa được thắp lên.

Chị Lê Thị Tuyết (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi cưới chồng đã 7 năm nhưng không có con. Tôi đi khám nhiều nơi, bác sĩ đều nói tôi bị tử cung đôi, khả năng sinh con của tôi rất khó khiến tôi càng buồn. Vợ chồng tôi cũng đã tham khảo nhiều ý kiến, đã thử nhiều cách nhưng chưa có kết quả.

Khi biết tin pháp luật sẽ cho phép người thân mang thai hộ, tôi nghĩ ngay đến cô em gái. Hai chị em rất thương và hiểu nhau nên cô em không hề ngần ngại chuyện mang bầu giúp chị. Vợ chồng tôi đang làm tiếp các thủ tục về sức khỏe để trẻ sinh ra khỏe mạnh; hoàn thành các thủ tục về pháp lý, đảm bảo quyền làm cha mẹ cho cặp vợ chồng hiếm muộn”.

Chị Hoàng Thanh Thủy, quê ở Thái Bình với gương mặt căng thẳng, hồi hộp và đầy lo âu lẫn hi vọng tràn trề về cơ hội được làm mẹ kể: “20 năm qua, cả hai vợ chồng tôi đã chạy chữa khắp nơi, từ Đông – Tây y kết hợp đến cả tâm linh nhưng vẫn chưa có một mụn con.

Tôi bị vô sinh tiên phát, ba lần chị  đặt phôi vào tử cung nhưng đều thất bại. Vừa qua, biết thông tin nhờ người mang thai hộ nên vợ chồng chị tìm đến trung tâm. Biết là ở xa đến sẽ rất vất vả nhưng vợ chồng tôi cũng quyết định dồn hết tiền bạc trong nhà  ra Hà Nội để bắt đầu một hành trình để được làm cha, làm mẹ”.

Còn nhiều rào cản

Dù mang thai hộ là lối mở, cơ hội lớn giúp cho những phụ nữ không may mắn giải tỏa niềm khao khát có con song từ nhu cầu đến thực tế triển khai được lại là chuyện không đơn giản.

Vợ chồng anh Tuấn, chị Mùi (Hải Phòng) cho biết, gần 10 năm lấy nhau, hai vợ chồng vẫn phải sống trong cảnh buồn tẻ vì thiếu tiếng cười trẻ thơ. Chị Mùi không thể có con do vợ bị nội mạc tử cung mỏng. Sau bốn lần thụ tinh trong ống nghiệm không có kết quả, anh chị đã tính tới việc nhờ người mang thai hộ.

Ở quê rất nặng về mặt tư tưởng, nên việc nhờ được chị gái, hay em gái mang thai hộ là điều quá khó khăn. Sau nhiều lần đặt vấn đề với người thân trong gia đình không thành, anh chị đã nhiều lần tìm trên mạng, nhưng chi phí người ta đòi để mang thai giúp mình cũng quá cao, đến 150 - 200 triệu đồng trong khi có rất nhiều rủi ro.

“Từ những ngày luật chưa cho phép, chúng tôi đã phải mò mẫm rao tìm người giúp mình mang thai. Có vài người tìm tới nhưng chúng tôi không chọn được ai, người thì vì đòi hỏi quá cao, người khác lại không cho mình cảm giác yên tâm, làm thế nào nếu tìm được người thân thích họ hàng đồng ý để đảm bảo về mặt pháp lý là điều vợ chồng tôi luôn lo lắng”, chị Mùi chia sẻ.

GS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia cho biết, nhu cầu cần mang thai hộ lớn, với hơn 7% cặp vợ chồng tuổi sinh sản hiếm muộn (kết quả điều tra tại 8 vùng sinh thái trên cả nước).

Việc mang thai hộ được quy định khá chặt chẽ. Kỹ thuật mang thai hộ là hình thức nhờ bệnh viện lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ. Đứa trẻ sinh ra vẫn mang đầy đủ nhóm máu và gien của cha hoặc mẹ chứ không phải của người mang thai hộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...