Dự án Hỗ trợ đổi mới quản lí GD là Dự án thứ 2 của Ủy ban châu Âu hỗ trợ VN trong lĩnh vực GD. Mục tiêu chiến lược của Dự án là hỗ trợ Chính phủ VN thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển GD của VN giai đoạn 2001-2010. Dự án có nhiệm vụ hỗ trợ Bộ GD-ĐT thực hiện đổi mới quản lí GD thông qua tăng cường khung pháp lí cho phân cấp quản lí và thực hiện Luật Giáo dục 2005; và xây dựng Hệ thống thông tin quản lí GD.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga – Giám đốc Dự án SREM phát biểu tại Hội nghị |
Trong 4 năm thực hiện dự án SREM (2007-2010), đã có những lĩnh vực kết quả chính được ghi nhận bao gồm:
1. Tiếp cận tốt hơn với Hệ thống văn bản pháp qui về giáo dục: SREM đã tập hợp và hệ thống hóa theo lĩnh vực trên 4.000 văn bản qui phạm pháp luật về GD và liên quan đến GD; đã hỗ trợ Bộ GD-ĐT xây dựng Phần mềm một cửa...
2. Làm cho việc quản lí nhà trường hiệu quả hơn: từ kết quả khảo sát nghiên cứu ở các cơ sở và các hội thảo đã cho phép SREM hoàn thiện chương trình đào tạo 5 ngày về “Quản trị hiệu quả trường học”; hiệu chỉnh nội dung chương trình trên cơ sở phản hồi của người sử dụng. Chương trình đào tạo được hỗ trợ bởi bộ Cẩm nang hiệu trưởng...
3. Hỗ trợ tập huấn quản lí GD: Trên 630 giảng viên cấp tỉnh đã được tập huấn để tiến hành khóa học nhân rộng tại các địa phương; trong năm 2009 và 2010, Bộ đã tiến hành tập huấn cho tất cả hiệu trưởng trên toàn quốc về khóa học trên...
4. Tăng cường năng lực và kĩ năng cho nữ cán bộ quản lí GD: Sau những chuyến khảo sát, 3 hội thảo đã được tổ chức ở Huế, Phú Yên và Đà Lạt, dành cho những nữ hiệu trưởng mới được bổ nhiệm ở các vùng khó khăn, nhằm rà soát, đánh giá lại những kết quả nhận định của các báo cáo nghiên cứu. 300 nữ hiệu trưởng vùng khó của 50 trong số 63 tỉnh thành đã cùng nhau rà soát, đánh giá các kết quả, nhận định và được khuyến khích xây dựng kế hoạch hành động ở cấp trường nhằm khắc phục những vấn đề được nêu lên trong hội thảo...
5. Kết nối và tích hợp dữ liệu cấp trường và hệ thống: Hệ thống thông tin quản lí GD và quản lí hồ sơ cán bộ công chức đã được tích hợp thành một phần mềm duy nhất với tên gọi PEMIS; một hệ thống thông tin quản lí trường học toàn diện với tên gọi VEMIS đã được xây dựng và thí điểm tại gần 6000 trường, bao gồm tất cả các trường THPT...
6. Sử dụng các chỉ số để đánh giá hiệu quả GD: hệ thống 152 chỉ số định tính và định lượng đã được xây dựng để áp dụng ở cấp trường học nhằm cung cấp thông tin cho các báo cáo đầu ra của VEMIS; bộ chỉ số này còn giúp các hiệu trưởng nắm vững mọi lĩnh vực hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động dạy và học...
7. Chương trình cấp vốn trực tiếp dành cho các tỉnh khó khăn: Một trong những sáng kiến hiệu quả và có mục tiêu cụ thể của Dự án là hỗ trợ tăng cường năng lực quản lí GD cho 17 tỉnh khó khăn. Mỗi tỉnh được lựa chọn được cấp một số vốn tối đa là 100.000 euro. Hầu hết các tỉnh đều sử dụng nguồn vốn được cấp cho hoạt động tập huấn với tổng số cán bộ được tập huấn lên tới 8.000...
Tính đến 2010, Ủy ban châu Âu và Bộ GD-ĐT đã có gần một thập kỉ cùng hợp tác để đổi mới GD, đầu tiên là thông qua Dự án SMOET, sau đó là Dự án SREM. Trong thời gian đó đã đạt được nhiều tiến bộ về cải cách quản lí GD và phân cấp quản lí tới cấp trường. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá thành công quan trọng nhất của Dự án SREM là mang lại kinh nghiệm bước đầu, có tư duy mới về quản lí GD ở các cấp... Cũng theo thứ trưởng Bùi Văn Ga thì việc nâng cao năng lực quản lí GD càng thêm ý nghĩa khi mà sắp tới các Sở có trách nhiệm nhiều hơn nữa không chỉ phổ thông mà còn tham gia quản lí đại học như tìm hiểu, cấp phép mở chuyên ngành đào tạo... Hệ thống thông tin trước đây chỉ là một chiều từ địa phương lên Bộ nay thông suốt 2 chiều cả từ phía Bộ tới địa phương giúp tạo nên nền tảng kiểm soát thông tin.
Với tầm quan trọng đó, Bộ GD-ĐT quyết định tiếp tục hỗ trợ cho các chương trình của Dự án SREM bằng việc quyết định sẽ tiếp tục hoạt động của Dự án trong tương lai bằng nguồn vốn đối ứng từ Bộ GD-ĐT kể từ năm sau.
Phát biểu với Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận – chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Dự án ghi nhận những thành quả bước đầu của dự án, đã góp phần tạo được các tiêu chí quản lí, không phải chỉ là sự thống nhất các qui trình quản lí (ngang và dọc) mà còn tạo ra các chuẩn thống nhất để xây dựng cơ sở dữ liệu GD dùng chung, phục vụ các mục tiêu quản lí của ngành và của quốc gia. Bộ trưởng biểu dương sự nỗ lực của cán bộ trong dự án và hàng trăm cán bộ từ các Sở, các Phòng, các trường đã cống hiến tạo ra các sản phẩm có ích cho ngành, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành là đổi mới quản lí để nâng cao chất lượng GD; bày tỏ sự cảm ơn tới nỗ lực và sự hỗ trợ kịp thời của Ủy ban châu Âu cho nền GD Việt Nam.
Bộ trưởng nhắc nhở: Trong 2 năm còn lại, Dự án cần tiếp tục củng cố các thành quả đã đạt được, hoàn thiện các bộ công cụ quản lí và mở rộng diện áp dụng. Mục tiêu là tới năm 2015 chúng ta có thể hoàn thành việc áp dụng các kết quả của dự án trong quản lí và hoàn thành việc xây dựng Kho dữ liệu GD khối phổ thông.
PV