Để đạt được các mục tiêu về giáo dục theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 tại các khu vực vùng cao có điều kiện khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, rất cần lắm sự chung tay của nhà trường, địa phương và toàn xã hội để duy trì sĩ số các lớp, tỷ lệ học sinh đến trường ...
Co ro trong giá rét
Sài Khao (xã Mường Lý) - một trong những bản khó khăn nhất của huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Bản cách trung tâm xã khoảng 24km, phía Bắc giáp xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Nơi đây khí hậu quanh năm ẩm ướt, sương mù bao phủ.
Thầy Nguyễn Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến cho biết, nhà trường có 6 điểm lẻ, trong đó điểm Sài Khao cao nhất với độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển.
Điểm lẻ Sài Khao có 138 học sinh. Trong đó, mầm non 59 trẻ, tiểu học 79 học sinh. “Mùa Đông, nhiệt độ xuống thấp, sương mù bao phủ khiến cái lạnh như cắt da, cắt thịt. Học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc Mông; cuộc sống vô cùng khó khăn, thậm chí các em đến trường trong điều kiện áo không đủ ấm, giày, dép không có để đi. Nhiều hôm, thấy học trò rét run trong tấm áo mỏng manh, đôi chân trần thâm tím giữa mùa Đông lạnh giá, các thầy cô giáo không khỏi buốt lòng”, thầy Hùng tâm sự.
Tương tự, Trường Mầm non Tam Chung (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) có 7 điểm trường lẻ. Điểm lẻ bản Ón - nơi xa xôi, khó khăn nhất của nhà trường. Đông đến, trẻ mầm non vô cùng đáng thương khi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn không đủ áo ấm, giày dép cho các em tới trường.
Cô Hàn Thị Giang – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “100% trẻ là con em đồng bào dân tộc. Điểm trường bản Ón có 59 trẻ nên trường phải bố trí 3 cô giáo chính và 2 cô hợp đồng để phụ thêm việc nấu ăn bán trú. Hiện, điểm trường xa xôi, khó khăn nhất này đã tổ chức được bữa ăn bán trú cho trẻ. Đây là điều giáo viên rất mừng và hạnh phúc…”, cô Giang bộc bạch.
Nhiệt độ xuống thấp, thời tiết nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Sơn La xuất hiện nhiều sương mù, mưa phùn. Mùa Đông ở huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Bắc Yên, Sốp Cộp thường có hiện tượng rét đậm, hại khiến đời sống người dân bị đảo lộn.
So với những vùng khác, thời tiết các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Háng Đồng.... (huyện Bắc Yên, Sơn La) thường thấp hơn từ 2 đến 3 độ. Sự thay đổi đột ngột của thời tiết khiến học sinh ở những ngôi trường nằm chót vót trên lưng chừng núi thêm co ro, việc học tập sinh hoạt khó khăn.
Theo thầy Lê Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La), trường nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, thời tiết mùa Đông khắc nghiệt. Chính vì vậy, từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phòng chống rét, giữ ấm cho học sinh khi đến trường.
Bảo đảm sức khỏe cho trò
Bước vào mùa Đông, Trường Tiểu học và THCS Tà Xùa sắp xếp chỗ ăn, nghỉ, nơi học tập cho học sinh hợp lý. Đồng thời, tổ chức nấu ăn bán trú 3 bữa/ngày. Khẩu phần ăn của các em bảo đảm dinh dưỡng, ăn thành 2 ca để luôn nóng; sắp xếp 2 học sinh ngủ chung một giường. Đồng thời, phân công giáo viên trực bán trú nhắc nhở các em học bài, đi ngủ đúng giờ.
Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hòa đồng thời cho hay, nhà trường theo dõi sát sao bản tin dự báo thời tiết để có phương án phòng, chống rét; quan tâm bổ sung chăn ấm cho các em trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.
Từ đầu năm học, các trường học tại huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã xây dựng kế hoạch, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác phòng, chống rét. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục mầm non có bình nóng lạnh với số lượng 157 cái phục vụ cho trẻ sử dụng; 100% nhóm, lớp có bình ủ nước; hầu hết trường đã trải sàn nhà bằng xốp cách nhiệt, bổ sung chăn ấm, nệm phục vụ trẻ ngủ.
Tại Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn), đầu tháng 10, nhà trường thực hiện nền nếp theo giờ mùa Đông. Theo đó, học sinh đến trường từ 7 giờ 30 phút thay vì 7 giờ như trước. Những ngày nhiệt độ xuống thấp, thông qua nhóm trao đổi của lớp, giáo viên thường xuyên tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh giữ ấm cho học sinh. Nhà trường thống nhất với cha mẹ thời gian đưa đón học sinh linh hoạt khi thời tiết diễn biến phức tạp.
“Các hoạt động ngoài trời cắt giảm thay vào đó tổ chức tiết thể dục, sinh hoạt tại lớp. Việc mặc đồng phục cũng không bắt buộc khi nhiệt độ giảm sâu. Vào đầu tiết học, giáo viên tổ chức cho học sinh tập thể dục nhẹ để làm ấm người, tạo không khí hào hứng những giờ học tiếp theo”, cô Nguyễn Thị Linh Nhâm – Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Còn tại Trường Mầm non Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn), nhà trường kiểm tra và sửa chữa kịp thời phòng học, bán trú, ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho trẻ. Đặc biệt, trường tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm đầy đủ nước ấm, chế độ ăn uống hợp lý. Thực đơn của trẻ được điều chỉnh phù hợp để bảo đảm dinh dưỡng.
Mang đông ấm tới học trò
Những ngày mùa Đông, giáo viên Trường Mầm non Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) lại thêm vất vả để duy trì sĩ số lớp học. Thành lệ, dù trời mưa rét hay nắng ráo, cứ 6 giờ sáng cô Lê Thị Thành và Hoàng Thị Hương – giáo viên tại điểm trường bản Rào Tre lại thay phiên nhau vượt gần 6km vào tận các hộ gia đình người Chứt để gọi học sinh đi học.
“Một số gia đình đã có ý thức đưa con ra điểm trường, nhưng nhiều phụ huynh quen ỷ lại. Nếu cô giáo không vào nhà gọi thì mặc kệ con ngủ đến trưa mới dậy. Vì vậy, dù trời rét, chúng tôi cũng động viên nhau chịu khó để duy trì sĩ số 17 cháu/2 lớp học”, cô Thành chia sẻ.
Sau khi vệ sinh cho học sinh, cô Thành và đồng nghiệp không quên nhắc nhở phụ huynh mặc thêm áo ấm cho các em khi đến trường. Nhiều khi các cô phải tự tìm trong tủ đồ để mặc cho các em khi phụ huynh chưa dậy.
Cũng có hôm, một giáo viên gọi trẻ đi học, người còn lại sẽ nấu đồ ăn sáng cho các em. Những suất ăn hoàn toàn miễn phí do ngành Giáo dục huyện Hương Khê kết nối với nhà hảo tâm thực hiện nhằm bảo đảm sức khỏe cũng như “kéo” trẻ tới trường. Nhờ đó những năm qua, dù thời tiết giá rét, sĩ số của 2 lớp học tại điểm trường bản Rào Tre luôn được duy trì.
Để trẻ có mùa Đông ấm áp, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Tây Tiến (Thanh Hóa) cũng tích cực đi vận động nhà hảo tâm tặng quần áo, chăn ấm cho trẻ. Nhờ đó, phụ huynh yên tâm khi cho con đến trường.
“Năm nào cũng vậy, chuẩn bị vào mùa Đông, các thầy cô giáo lại lo vận động, kêu gọi tài trợ từ những mối quan hệ bạn bè, người thân... Nếu mặc không đủ ấm, thì học sinh ngại đến trường, chỉ muốn chơi ở nhà... Mùa Đông năm nay, chúng tôi vui mừng khi nhà trường đã xin được từ các doanh nghiệp 315 chiếc áo ấm, 1.500 đôi tất cho học sinh.
Nhà trường tiếp tục kêu gọi hỗ trợ máy sưởi cho các điểm trường có nhiệt độ thấp, thời tiết khắc nghiệt; Trang bị một số loại thuốc, dụng cụ y tế tối thiểu để sơ cứu trẻ khi có biểu hiện về sức khỏe”, thầy Nguyễn Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến phấn khởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết: Trước khi mùa Đông đến, sở đã yêu cầu cơ sở giáo dục thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết. Các trường ở nơi có nhiệt độ xuống thấp, hiệu trưởng chủ động cho học sinh nghỉ học, tổ chức dạy khi thời tiết ấm trở lại. Trường hợp học sinh vẫn đến trường thì phải bố trí phòng học ấm áp, đủ ánh sáng, không tổ chức hoạt động tập trung ngoài trời. Trường học có học sinh bán trú phải thường xuyên kiểm tra phòng ở, bảo đảm cho các em ăn đủ chất, uống nước ấm để giữ gìn sức khỏe.