Những điều đặc biệt
Gần 20 năm trong ngành, nhưng với thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), năm học 2019 – 2020 là năm học đặc biệt. Đặc biệt không chỉ nằm trong bức tranh chung mà với thầy cũng có những điều đặc biệt của riêng mình.
“Nếu được hỏi: Điều gì xảy ra mà gây xáo trộn lớn nhất đối với thế giới trong năm 2019 – 2020? Chắc chắn, với bất kỳ ai câu trả lời sẽ là đại dịch Covid-19. Một đại dịch tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, làm xáo trộn nhiều trật tự đã trở thành thói quen, quy luật hàng ngày. Giáo dục cũng không nằm ngoài “siêu bão” ấy. Tuy nhiên, đại dịch cũng khiến chúng ta nhận ra nhiều điều, nhiều bài học cho hôm nay và cả mai sau” – thầy Mạnh bộc bạch, đồng thời nhấn mạnh: “Trong cái khó, ló cái khôn”, toàn ngành chuyển sang dạy – học trực tuyến, hoàn thành mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm việc dạy – học, với phương châm: Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Đây là một trong những điểm nhấn và sáng nhất của giáo dục Việt Nam trong năm học 2019 – 2020.
Thầy Mạnh là người đến với giáo dục trực tuyến khá sớm, có thể nói từ hơn 10 năm trước (vào khoảng năm học 2009 – 2010). Thầy đã tìm hiểu và thai nghén nhiều ý tưởng về dạy học trực tuyến. Quá trình 10 năm ấy có biết bao thay đổi, cải tiến từ ý tưởng tới nền tảng trực tuyến và rồi trở thành cứu cánh, giúp thầy – trò các nhà trường vượt qua đại dịch.
“Cơ hội sẽ tới với những ai luôn có tâm thế chuẩn bị sẵn sàng đón nhận nó. Sự chuẩn bị để đón nhận những cơ hội, thách thức rất quan trọng. Vậy chuẩn bị cái gì? Chuẩn bị ra sao? Thực ra, đơn giản là chuẩn bị những gì mà chúng ta thấy học sinh và giáo viên cần… “Trong những ngày đầu học sinh nghỉ vì dịch bệnh, sự chuẩn bị từ trước đã giúp các thầy - cô Trường Tiểu học Kim Ngọc triển khai dạy học trực tuyến với tốc độ cực nhanh. Có những tiết dạy đạt 4.000 lượt xem/ngày” – thầy Mạnh chia sẻ.
Năm học 2020 - 2021 đã đến mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Đây cũng là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1. Thầy Mạnh cho rằng: Ban giám hiệu tới giáo viên, phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế thật tốt. Cần bắt đầu từ hiệu trưởng; phó hiệu trưởng và các thầy cô giáo. Từ khâu tập huấn, tiếp thu kiến thức, phương pháp mới cho đến khâu triển khai thực hiện tại cơ sở. Nhà trường cần xác định khó khăn, trắc trở nhưng kiên định và sáng tạo, linh hoạt để không bị lệch hướng. Điều quan trọng là cần làm cho thầy cô, phụ huynh hiểu được tính tất yếu và lợi ích của đổi mới giáo dục. Thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 là tiền đề quan trọng cho các năm học tiếp theo. Đồng thời, tạo động lực để các thầy cô ở các khối lớp còn lại, sẵn sàng tâm thế để chuyển hướng theo tinh thần đổi mới dạy học, chú trọng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.
“Tôi dự định trong năm học này tiếp tục dẫn dắt tập thể trên hành trình hướng tới ngôi trường hạnh phúc theo 5 giá trị cốt lõi: Được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được hiểu và được có giá trị”. Phía trước dù có những gian nan, nhưng tôi tin tưởng, hạnh phúc sẽ đến từ chính hành trình mà mình đem lại. Hạnh phúc là điều mỗi thầy cô, học sinh, phụ huynh cần hướng tới, nó vượt qua cả sự mong đợi về thành công cho nên chúng tôi xác định bắt đầu ngay từ việc làm nhỏ bé” – thầy Mạnh chia sẻ.
Hướng tới “nhà trường hạnh phúc”
Đồng quan điểm, cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Hầu hết, các trường đã quan tâm, chú trọng xây dựng trường học hạnh phúc, tiết học hạnh phúc. Cô Lập ấn tượng với phương châm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, mỗi giờ học là một cơ hội trải nghiệm” mà hầu hết các trường đã và đang triển khai thực hiện, bởi đó là hành trình để xây dựng “Nhà trường hạnh phúc”.
“Chúng tôi xác định, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng nhau nỗ lực vươn lên, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc như: Hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp về kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng truyền thông trong quá trình dạy học trực tuyến; Hợp tác thiết kế những bài dạy chuyên đề; Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục học sinh… Bên cạnh đó, nhà trường luôn cố gắng tiếp cận những chương trình, hoạt động giáo dục tiên tiến, hiện đại trong nước cũng như trên thế giới để mang đến những cơ hội trải nghiệm, thực hành kỹ năng, phát triển năng lực và phẩm chất cho mỗi học sinh” – cô Lập chia sẻ.
Cô Lập viện dẫn: Năm học qua Trường THPT Hoàng Cầu tiếp tục đạt được những thành công và bước tiến mới. Nhà trường tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề “Tình yêu thương - Nền tảng xây dựng lớp học hạnh phúc”. Theo đó đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo không khí, cảm xúc của thầy – trò và phụ huynh học sinh; Hành trình lan tỏa của chuỗi hội thảo cấp lớp “Chúng em cùng thầy cô xây dựng lớp học hạnh phúc”với 29 màu sắc của 29 tập thể lớp đã tạo hiệu ứng đặc biệt về vai trò của người học trong quá trình xây dựng một môi trường giáo dục Yêu thương - An toàn - Tôn trọng; Hội thảo chuyên đề “Chia sẻ kỹ năng truyền thông để xây dựng trường học hạnh phúc” đã trang bị cho cán bộ, giáo viên và học sinh những kỹ năng truyền thông trong trường học.
Phát huy bình đẳng trong GD
Đặc biệt, dịch Covid-19 xuất hiện, toàn ngành Giáo dục chuyển đổi sang dạy – học trực tuyến. Đây là quyết định đúng đắn, hợp tình, hợp lý. Sự thay đổi này đã mang đến những trải nghiệm, hiệu quả tuyệt vời cho cả thầy và trò: Trình độ, năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng của giáo viên được nâng lên; sự tương tác, làm việc nhóm của học sinh được cải thiện. Hơn thế, dạy học trực tuyến đã mở ra lớp học không biên giới, nhờ đó, học trò ở nông thôn, miền núi có điều kiện giao lưu với bạn bè quốc tế.
Theo TS Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Chu Văn An (Sơn La), một trong những điểm nhấn quan trọng nhất là bình đẳng trong giáo dục ngày càng được phát huy và mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, ngành Giáo dục đã có nhiều chính sách quan tâm đến học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; qua đó bảo đảm mọi trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường. TS Tùng trao đổi: Sơn La đã có bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm công bằng giáo dục; nhất là đối với học sinh thuộc diện yếu thế. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết 24 nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục. Ngoài ra, toàn ngành chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong các đơn vị giáo dục.
Để GD-ĐT ngày càng phát triển hơn nữa, TS Tùng đặt vấn đề, cần nhìn nhận đánh giá lại năm học vừa qua đã làm và chưa làm được gì? Từ đó tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. “Quan trọng nhất là vấn đề phát triển con người và trách nhiệm của hiệu trưởng các nhà trường. Muốn phát triển thực chất, cần phải minh bạch; đặc biệt phải thấy được lòng dân muốn gì. Chúng ta phải phát triển từ dân, mà muốn phát triển từ dân phải quan tâm để giáo dục phát triển, học sinh được học hành tử tế” – TS Tùng nhấn mạnh, đồng thời đề xuất: Rà soát lại đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Theo đó, hiệu trưởng, hiệu phó phải là người có phẩm chất tư tưởng tốt; năng lực chuyên môn, khả năng lãnh đạo và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngoài ra, cần có chính sách đặc thù cho học sinh yếu thế như: Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…, đồng thời quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, tạo động lực để học sinh phát triển nghề nghiệp.