Mang đến sự sẻ chia cùng Tết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những chuyến thăm mang Tết sớm đến với giáo viên vùng cao được ngành Giáo dục Nghệ An duy trì thường niên.

Chương trình Tết sum vầy cho giáo viên trường ngoài công lập tỉnh Nghệ An năm 2022.
Chương trình Tết sum vầy cho giáo viên trường ngoài công lập tỉnh Nghệ An năm 2022.

Từng cái Tết sum vầy được tổ chức cho thầy cô, đơn vị đặc thù, khó khăn “không có thưởng Tết”... Những món quà tuy giá trị vật chất nhỏ nhưng chứa đựng sự tri ân, đồng hành, chia sẻ… để Tết nhà giáo thêm ý nghĩa, trọn vẹn.

Mang Tết đến sớm

Đã thành thông lệ, chuyến công tác cuối năm của ngành Giáo dục Nghệ An đều hướng đến các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Đây cũng là chuyến đi mang Tết sớm đến với giáo viên các trường học vùng cao khó khăn – đang ngày đêm miệt mài cống hiến vì nghề và học trò dân tộc thiểu số còn nhiều thiệt thòi, vất vả.

Cô Vi Thị Thơm công tác tại Trường Tiểu học Bắc Lý - một trong những giáo viên chịu thiệt hại nặng nề nhất sau trận lũ quét lịch sử năm 2022 tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Toàn bộ tài sản, đồ dùng sinh hoạt của gia đình cô ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ bị cuốn trôi. Ngôi nhà, bị nhấn chìm trong nước lũ, bùn đất đã hư hỏng hầu hết. Thời điểm lũ về, cô và người thân chỉ kịp thoát thân, đến trú ở nhà hàng xóm với duy nhất bộ quần áo trên người.

Lũ rút, mọi thứ tan hoang, gia đình cô được đồng nghiệp, người dân giúp đỡ dọn dẹp đống đổ nát, tìm đồ dùng còn sót. Rồi từng bước dựng nơi ở tạm, sửa lại căn nhà. Khó khăn chồng chất, dù vậy hơn 1 tuần sau khi lũ rút, cô đã trở lại trường dạy học. Ngôi trường Tiểu học Bắc Lý ở xã biên giới, cách nhà hơn 60km, nhưng cô không thể để học trò chờ đợi lâu thêm. Đầu tuần đến trường, cuối tuần cô lại quay về nhà, từng bước khắc phục hậu quả trận lũ quét gây ra.

Dịp gần Tết, cô Vi Thị Thơm và nhiều đồng nghiệp được nhận quà, sự động viên, chia sẻ trực tiếp từ lãnh đạo ngành Giáo dục. Rưng rưng nước mắt, cô chia sẻ: “Tôi rất xúc động vì dù ở xa xôi, vùng khó khăn biên giới nhưng vẫn nhận được quà từ sở GD&ĐT. Bản thân và gia đình - để khôi phục cuộc sống bình thường sau trận lũ - phải chờ thời gian dài, không biết đến lúc nào. Nhưng sự quan tâm, thấu hiểu, đồng hành của nhà trường, lãnh đạo ngành Giáo dục đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để tôi cố gắng”.

Cô Vi Thị Lệ có 3 năm chính thức công tác tại Trường Mầm non Châu Kim (Quế Phong, Nghệ An). Trước đó, sau khi tốt nghiệp, cô Lệ trải qua 10 năm làm nhân viên hợp đồng ở nhiều đơn vị. Đến năm 2021, cô mới được nhận vào biên chế nhân viên văn thư trường học. Tuy nhiên, cũng vì thời gian công tác ngắn, nên đến nay tổng lương và các khoản phụ cấp của cô chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, mỗi dịp Tết đến, cô Lệ không tránh khỏi lo âu. Như biết bao giáo viên, người lao động ngành Giáo dục, cô không mấy khi trông chờ vào tiền thưởng Tết. Trường học là đơn vị sự nghiệp không có thu nên không có lương tháng 13. Nếu có, chỉ là nhà trường tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên làm quà Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Khi đón đoàn công tác của ngành Giáo dục tỉnh và trực tiếp nhận quà từ giám đốc sở GD&ĐT, cô Vi Thị Lệ không giấu được bất ngờ, xúc động. “Công tác ở vùng cao, khó khăn vất vả dường như đã quen. Điều tôi vui mừng là dù xa xôi nhưng lãnh đạo ngành vẫn nhớ và quan tâm, khích lệ chúng tôi cố gắng và hoàn thành tốt hơn nữa công việc”, cô Vi Thị Lệ chia sẻ.

Gắn bó với giáo dục huyện biên giới Quế Phong hơn 20 năm, đến nay thầy Lương Văn Điền - giáo viên Trường Tiểu học Cắm Muộn vẫn tận tâm với nghề và trò. Chứng kiến sự thay đổi, tiến bộ của học trò qua từng năm học, chính là động lực để thầy vượt qua vất vả, gian nan từ thuở mới vào nghề, đến những khó khăn hiện tại. Mấy năm gần đây, căn bệnh Parkinson khiến thầy gặp không ít khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt. Nhưng thầy Lương Văn Điền vẫn quyết tâm lên lớp, với phấn bảng, học trò thân yêu vì mỗi ngày đến trường đối với thầy là một ngày vui, ý nghĩa.

Nhớ lại dịp được nhận quà Tết của lãnh đạo sở GD&ĐT, thầy Điền xúc động chia sẻ: “Quan trọng hơn giá trị vật chất, tôi cảm nhận sự quan tâm của nhà trường, đồng nghiệp và ghi nhận của lãnh đạo ngành đối với bản thân. Là giáo viên bình thường ở trường vùng cao, sâu, tình cảm và ghi nhận đó giúp tôi có thêm niềm vui, động lực vượt lên hoàn cảnh tiếp tục dạy học”.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lượng Minh (huyện Kỳ Sơn) vui Tết cổ truyền tại trường với học trò năm 2023.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lượng Minh (huyện Kỳ Sơn) vui Tết cổ truyền tại trường với học trò năm 2023.

Chắt chiu lo Tết cho giáo viên ngoài công lập

Cho đến nay, đời sống giáo viên trường ngoài công lập tại Nghệ An còn nhiều thiệt thòi, vất vả. Công tác tuyển sinh khó khăn, thu nhập giáo viên dựa vào nguồn thu học phí, nên hầu hết trường trả lương cho giáo viên theo tiết. Nhiều giáo viên các trường THPT như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (TP Vinh), Nguyễn Thúc Tự (huyện Nghi Lộc), Lê Doãn Nhã, Trần Đình Phong (huyện Yên Thành) có mức lương chỉ đủ đóng bảo hiểm xã hội.

Các thầy cô phải kiếm thêm thu nhập từ công việc bên ngoài, lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải. Với khó khăn trên, việc có tiền thưởng Tết là điều trăn trở đối với lãnh đạo các trường THPT ngoài công lập, khi lo đủ lương cho nhiều giáo viên còn chật vật.

Nhiều năm công tác tại Trường THPT Quang Trung (huyện Diễn Châu) và hiện là Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Nam cho hay, so với các trường THPT công lập, hoạt động của trường ngoài công lập nhiều gian nan. Tuy nhiên, với quyết tâm cải thiện cuộc sống cho cán bộ, nhà giáo người lao động, nhà trường có nhiều giải pháp để tiết kiệm chi, có thêm khoản thu khác ngoài học phí. Trong 3 năm gần đây, dù không quá nhiều, nhưng nhà trường vẫn lo Tết cho giáo viên mỗi người ít nhất 1 tháng lương cơ bản.

Theo thầy Nguyễn Văn Nam, cách tạo thêm nguồn thu của nhà trường đa dạng, tận dụng mọi lợi thế có được của giáo viên, học sinh. Đó là kết hợp các trường nghề để vừa cho thuê địa điểm tại trường, vừa để học sinh được đào tạo nghề miễn phí, tự may đồng phục cho mình. Nhà trường cũng phát động giáo viên tự nguyện mỗi buổi học thêm trích lại một phần kinh phí đóng góp cho quỹ đời sống...

Việc tuyển sinh của trường thời gian qua ổn định, đủ và vượt chỉ tiêu, tổng số học sinh lên đến hơn 700 em nên đời sống cán bộ giáo viên đảm bảo. So với trước đây, thu nhập của giáo viên nhà trường đã tăng lên, trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời còn có nguồn quỹ hỗ trợ cho học sinh nghèo.

“Trong giai đoạn khó khăn nhất của nhà trường, các thầy cô vẫn kiên trì ở lại, vì trò giữ nghề, giúp trường, dù đồng lương ít ỏi. Trao quà Tết hay chăm lo đời sống giáo viên cũng là cách nhà trường thể hiện sự tri ân đối với thầy cô. Qua đó giúp mọi người yên tâm công tác, gắn bó công việc lâu dài”, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung tâm sự.

Những ngày cuối năm, giáo viên, học sinh Trường THPT Ngô Trí Hòa (huyện Diễn Châu) chộn rộn chuẩn bị chương trình Tết 2024 với các hoạt động truyền thống như gói và nấu bánh chưng, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, chơi trò chơi dân gian…, trao quà cho học sinh khó khăn.

Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Cúc chia sẻ, những năm gần đây, nhà trường tiết kiệm các nguồn chi để lo Tết cho giáo viên, học sinh. Trường sẽ trích quỹ trao quà cho khoảng 60 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi em 300 nghìn đồng. Về phía giáo viên, dù không đủ tháng lương thứ 13, nhưng trường cũng cố gắng lo quà Tết mỗi người từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. “Giá trị vật chất không nhiều, nhưng trường mong cả giáo viên và học sinh có cái Tết trọn vẹn”, thầy Cúc cho hay.

Thấu hiểu và chia sẻ cùng các đơn vị giáo dục ngoài công lập, 7 năm qua, Công đoàn ngành phối hợp Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Tết sum vầy với hàng trăm suất quà gửi đến cán bộ, giáo viên nhà trường.

Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An cho biết: “Ngành Giáo dục không có thưởng Tết nhưng chúng tôi cố gắng đem quà Tết để động viên thầy, cô giáo trường đặc thù, đang công tác nơi khó khăn, vùng cao. Mong rằng, sự chia sẻ sẽ góp phần mang đến cái Tết đầm ấm hơn cho giáo viên, tạo niềm vui, động lực để thầy cô tiếp tục cố gắng, tâm huyết, cống hiến cho nghề giáo”.

Lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An trao quà Tết cho giáo viên Trường Tiểu học Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn năm 2023.

Lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An trao quà Tết cho giáo viên Trường Tiểu học Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn năm 2023.

Đồng hành chăm lo giáo dục

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ, những chuyến thăm, món quà Tết thể hiện sự chia sẻ, quan tâm, đồng hành của ngành đối với nhà giáo trong dịp năm cũ hết, Xuân mới về; đó cũng là truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, đảm bảo chế độ quyền lợi, nâng cao đời sống nhà giáo mới là mục tiêu lâu dài, xuyên suốt.

Lãnh đạo sở nói riêng và ngành Giáo dục tỉnh nói chung luôn tri ân, biết ơn các thầy giáo, cô giáo vùng cao, trường đặc thù. Họ đã không ngại khó khăn, vất vả; nhiều người xa gia đình từ miền xuôi lên miền ngược ở lại với học trò, chăm sóc dạy bảo các em khôn lớn, trưởng thành. Ông Thái Văn Thành khẳng định, giáo dục miền núi luôn là một trong những nội dung được tỉnh và ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để các nhà trường hưởng đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như xây dựng một số chính sách riêng.

Sở cũng xây dựng đề án về phát triển mô hình trường tiểu học, THCS, THPT bán trú, là cơ sở để học sinh vùng núi cao, học sinh dân tộc thiểu số được học trong những ngôi trường khang trang, tiếp cận nhiều chương trình giáo dục tăng cường và được chăm sóc, nuôi dưỡng.

Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu để có thêm nhiều chương trình nhằm đầu tư xây dựng trường lớp, và triển khai mô hình bán trú ở cả ba cấp bài bản, hiệu quả. Mục đích để học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng chương trình giáo dục tiên tiến, từng bước rút ngắn khoảng cách vùng miền, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An cũng chia sẻ và đồng cảm với giáo viên các trường đặc thù, đơn vị ngoài công lập, đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện. Đồng thời mong muốn và đề nghị giáo viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển từ dạy học theo hướng tiếp cận kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học. Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực vượt khó, thích ứng hoàn cảnh của giáo viên, các nhà trường cần thay đổi cách quản lý, làm giáo dục.

Giáo viên có điều kiện phát triển, nhà trường khẳng định chất lượng, nâng cao uy tín chính là sự đảm bảo bền vững, lâu dài chế độ, quyền lợi. Chính vì vậy, lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An mong chính quyền các địa phương, tổ chức chính trị, xã hội cùng chung tay để xây dựng cơ sở vật chất, quan tâm đến đời sống giáo viên. Ủng hộ chủ trương, chính sách, sẵn sàng chia sẻ với ngành, nhà trường để từng bước cải thiện môi trường dạy học. Để qua mỗi năm, giáo dục càng phát triển, đạt nhiều thành quả, niềm vui trọn vẹn.

Nhiều năm nay, vào dịp Tết đến, ngành Giáo dục Nghệ An dành hàng trăm triệu đồng làm quà tặng trực tiếp các nhà trường, giáo viên, học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số. Quà Tết được huy động từ đóng góp của đồng nghiệp trong ngành, quỹ hội khuyến học tỉnh cũng như các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm mà sở GD&ĐT, Công đoàn ngành kêu gọi. Qua đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong toàn ngành, sự quan tâm của xã hội dành cho các thầy, cô giáo vùng xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ