Man Utd bế tắc hay 'nở hoa'?

GD&TĐ - Man Utd đang đứng trước bước ngoặt lịch sử, bởi gia đình Glazer chính thức rao bán “Quỷ đỏ” thành Manchester sau gần 20 năm sở hữu.

Người hâm mộ Man Utd phản đối những ông chủ người Mỹ. Ảnh: ITN.
Người hâm mộ Man Utd phản đối những ông chủ người Mỹ. Ảnh: ITN.

Cơ hội “đổi đời”

Thông tin mới nhất từ tờ Guardian cho biết, Quốc vương Qatar Sheik Tamim bin Hamad Al Thani đại diện cho các nhà đầu tư của quốc gia vùng Vịnh đã chấp nhận chi 5 tỷ bảng để mua lại toàn quyền sở hữu Man United từ nhà Glazer.

Tuy nhiên, mức giá Quốc vương Qatar đưa ra vẫn còn khoảng cách khá lớn so với mong muốn 6 tỷ bảng của những người nắm quyền sở hữu Man Utd.

Cũng theo truyền thông Anh, Tập đoàn INEOS của Sir Jim Ratcliffe đã nhảy vào cuộc đua giành quyền sở hữu Man Utd. Sở hữu khối tài sản giá trị khoảng 20 tỷ bảng, Sir Jim Ratcliffe là người giàu nhất Vương quốc Anh.

Năm 2019, ông đã mua Nice (Pháp) với giá 91 triệu bảng và 2017 là FC Lausanne-Sport (Thụy Sĩ). Nhưng khả năng chiến thắng của Sir Jim Ratcliffe không cao bởi 2 điểm trừ, ông chỉ trả giá 4 tỷ bảng và phải đi vay mượn để đầu tư thương vụ này.

Quốc vương Qatar là Chủ tịch ngân hàng lớn nhất Qatar (QIB), sở hữu khối tài sản lên đến 42 tỷ bảng, và cùng với các nhà đầu tư chung chí hướng mua Man Utd, nhóm này có tổng tài sản hơn 400 tỷ bảng.

Theo quan điểm của tỷ phú Al Thani, tuy là người hâm mộ Man Utd trọn đời, song nhóm của ông sẽ không chạy theo mức giá của nhà Glazer, giá trị của Man Utd chỉ vào khoảng 4,5 tỷ bảng. Trước đó, số tiền tỷ phú Todd Boehly bỏ ra để mua lại Chelsea vào khoảng 3,5 tỷ bảng.

Bên cạnh mức giá 5 tỷ bảng, Quốc vương Qatar và các chiến hữu cũng đưa ra kế hoạch tái thiết Man Utd rất hoành tráng. Al Thani hứa hẹn sẽ đầu tư vào sân vận động và cơ sở hạ tầng.

Nhiều khả năng, thánh địa Old Trafford sẽ được đập đi xây mới, nâng sức chứa hơn 74.000 chỗ ngồi và trung tâm huấn luyện Carrington được sửa sang, mua sắm các trang thiết bị tập luyện, phục hồi chức năng hiện đại.

Quốc vương Al Thani khẳng định, ông sẽ không vay tiền để mua Man Utd như nhà Glazer và sẽ đặt người hâm mộ vào trung tâm dự án phát triển câu lạc bộ trong tương lai.

Điều đó đồng nghĩa, Quỷ đỏ nếu đổi chủ sẽ không còn là “con nợ” như dưới quyền sở hữu của các ông chủ người Mỹ và như phát biểu của tỷ phú Qatar, nhóm các nhà đầu tư của ông sẽ tìm cách đầu tư vào đội bóng, trải nghiệm của người hâm mộ và các cộng đồng mà Man Utd hỗ trợ. Tầm nhìn là đưa Man Utd trở lại vị thế số 1 thế giới.

Tờ Sky Sports New bình luận, Al Thani sẽ cung cấp ngay cho huấn luyện viên Erik ten Hag số tiền chuyển nhượng rất lớn để xây dựng lại đội hình trong mùa Hè 2023.

Điểm khác biệt giữa tỷ phú Mỹ và Qatar ở chỗ, nhà Glazer chỉ lấy một phần tiền do Man Utd tạo ra chứ không phải tiền từ túi họ đầu tư cho đội bóng, trong khi nhóm nhà đầu tư Qatar sẵn sàng bỏ tiền của mình để Quỷ đỏ tái thiết. Điều đó khiến cho hàng triệu người hâm mộ Man Utd đang cầu nguyện đội bóng thân yêu của mình sớm đổi chủ.

Quốc vương Qatar Al Thani trao danh hiệu Quả bóng Vàng World Cup 2022 cho Messi. Ảnh: ITN.

Quốc vương Qatar Al Thani trao danh hiệu Quả bóng Vàng World Cup 2022 cho Messi. Ảnh: ITN.

Nỗi đau kéo dài

Ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2023, huấn luyện viên Erik ten Hag không được lệnh mua sắm từ những ông chủ người Mỹ. Để rồi khi cánh cửa chuyển nhượng khép lại, người hâm mộ Quỷ đỏ ngậm ngùi chứng kiến các đối thủ mua sắm rầm rộ.

Chelsea vừa đổi chủ chi 120 triệu euro mua Enzo Fernandes, 70 triệu euro cho Mykhaylo Mudryk… Ngay cả Newcastle cũng bỏ ra 45,6 triệu euro để mua Anthony Gordon từ Everton.

Cody Gakpo (42 triệu euro) được Man Utd săn đón từ đầu mùa giải, song Liverpool mới là đội chiến thắng trong cuộc đua giành chữ ký của tiền đạo người Hà Lan.

Tờ The Athletic từng bình luận, nếu nhà Glazer bán Man Utd thì đó sẽ là “thời khắc địa chấn” trong lịch sử hào hùng của đội bóng nước Anh, dấu chấm hết cho một giai đoạn bất ổn kéo dài trong nhiều năm cũng như nỗi đau âm ỉ của những người yêu Quỷ đỏ.

Bởi căng thẳng giữa cổ động viên đội bóng này và những ông chủ người Mỹ chưa bao giờ hạ nhiệt. Cảnh sát nhiều lần phải ra tay bảo đảm an ninh cho các thành viên của Man Utd trước những cổ động viên quá khích.

Vậy vì sao nhà Glazer bị các nhóm cổ động viên Quỷ đỏ tẩy chay? Nhà Glazer nắm quyền Man Utd với giá hơn một tỷ USD, trong đó họ đã vay khoảng 848 triệu USD nhờ nguyên tắc đòn bẩy tài chính vào năm 2005.

Vấn đề ở chỗ, những ông chủ người Mỹ vốn lão luyện trên thương trường không bao giờ cho không ai cái gì. Nói một cách dễ hiểu, nhà Glazer mua Man Utd bằng vốn vay, và khi nắm quyền sở hữu họ sử dụng Quỷ đỏ làm tài sản thế chấp cho khoản vay để mua đội bóng.

Vậy nên, dù là đội bóng kiếm tiền giỏi nhất thế giới, có đông cổ động viên nhất nhưng Man Utd vẫn chỉ là con nợ từ khi chuyển giao cho nhà Glazer. Theo báo cáo tài chính được công bố vào tháng 9/2020, từ năm 2010, Man Utd phải trả hơn 1,133 tỷ USD tiền lãi, nợ gốc và cổ tức cho nhà Glazer. Trong đó, bao gồm 323 triệu USD nợ gốc, 654 triệu USD lãi và 156 triệu USD cổ tức, phần lợi nhuận sau thuế được chia cho cổ đông.

Tất nhiên, cách quản lý Man Utd của nhà Glazer luôn gây tranh cãi, bởi những quan điểm trái chiều có thể đứng ở những vị trí, quyền lợi khác nhau. Chỉ có điều, sau mùa giải 2022, Man United đã trải qua năm thứ 5 liên tiếp trắng tay trên mọi đấu trường.

Danh hiệu gần nhất Quỷ đỏ có được chỉ là chiếc cúp hạng 2, Europa League mùa giải 2016 - 2017. Kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu năm 2013, Man United đã trải qua 9 năm không vô địch Ngoại hạng Anh đồng thời 14 mùa giải liên tiếp không đăng quang ở Champions League.

Cuộc tình giữa Man Utd và nhà Glazer đã rạn nứt nhiều năm, có dấu hiệu không thể cứu vãn. Những ông chủ người Mỹ sẵn sàng giải thoát cho Man Utd nhưng với điều kiện đối tác phải thỏa mãn về điều kiện tài chính. Đây chính là nút thắt cho số phận của Quỷ đỏ. Cam chịu như hơn 10 năm qua, hay sẽ thăng hoa dưới tay những ông chủ mới?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ