Gợi ý cách bày mâm cỗ và nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng chuẩn nhất

Gợi ý cách bày mâm cỗ và nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng chuẩn nhất

Đây là một trong những ngày lễ quan trọng với người Việt. Vào ngày này, người Việt thường đi chùa và làm mâm cúng dâng lên tổ tiên.

Đầu năm nay, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vừa công bố thêm 11 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trong đó tết Nguyên tiêu hay Rằm tháng Giêng của người Hoa (quận 5, TP.HCM) được xếp hạng thứ 11.

Rằm tháng Giêng năm Canh Tý đúng ngày thứ 7 (ngày 8/2/2020) là ngày nghỉ rất thuận tiện cho mọi người đi chùa cầu an và ở nhà làm mâm cơm dâng lên tổ tiên.

Bà Nguyễn Thị Thanh (70 tuổi ở Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên) chia sẻ: Ngày rằm tháng Giêng mọi năm tôi đều đi chùa cầu an cho cả nhà và tự đi chợ sắm đồ chuẩn bị mâm lễ cúng tổ tiên. Nhưng rằm tháng Giêng năm nay đúng đợt dịch viêm phổi cấp do Virus Corona đang phức tạp nên tôi sẽ không đến chùa và đi mua đồ, thay vào đó tôi liệt kê những thứ cần để yêu cầu các con đi sắm.

Bà Thanh cho biết, cả tuần nay bà chỉ tham gia các buổi họp tuyên truyền về phòng chống dịch của phường, hạn chế đi ra ngoài, mọi mua sắm sinh hoạt đều do con bà đảm nhiệm. Với bà, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch lúc này là rất quan trọng nên bà sẽ chuẩn bị mâm lễ cúng đơn giản, cốt thể hiện cái tâm và lòng thành của mình là được.

Rằm tháng Giêng, thông thường người Việt sẽ sắm hai lễ chính là: Lễ cúng Phật và mâm lễ cúng gia tiên.

Chuẩn bị lễ cúng Phật

Mâm lễ cúng Phật thường có hương hoa, trầu cau, rượu trắng và quả. Ngày nay, mâm lễ cúng Phật của nhiều gia đình thường có thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.

Mâm lễ cúng Phật là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hoả, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, trắng của hành thuỷ và vàng của hành kim.

Gà luộc là món ăn thường có trên mâm cúng rằm tháng Giêng.
 Gà luộc là món ăn thường có trên mâm cúng rằm tháng Giêng.

Chuẩn bị mâm lễ cúng gia tiên

Mâm lễ cúng gia tiên cúng gia tiên ngày rằm tháng Giêng là mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa. Trong đó, 4 bát gồm bát canh ninh măng, bát canh bóng, bát canh miến và bát canh mọc. Còn 6 đĩa gồm đĩa bánh chưng hay bánh tét hay đĩa xôi, đĩa thịt gà, đĩa giò, đĩa nem rán, đĩa xào, đĩa rau củ luộc hay đĩa dưa hành. Ngoài ra, thêm đĩa gia vị và bát nước chấm.

Bánh chưng là món ăn đầu tiên không thể thiếu trong mâm cúng rằm tháng Giêng. Bánh chưng tượng trưng cho đất, như một lời cầu mọi sự được vuông tròn trong năm mới. Ở miền Nam thì có bánh tét. Mọi người có thể ăn bánh chưng, bánh tét quanh năm nhưng mùi vị bánh của những ngày đầu năm khi được quây quần bên mâm cơm gia đình hẳn sẽ rất khác biệt.

Gà luộc là món ăn thường có trên mâm cúng rằm tháng Giêng. Gà luộc màu vàng ươm tươi mang hy vọng đem lại may mắn, tiền tài và sức khỏe cho gia đình trong năm mới. Gà trong mâm cúng rằm tháng Giêng thường được yêu cầu cầu kỳ, cẩn thận hơn gà ăn thông thường, lớp da phải căng bóng, không chín nát, mào đẹp.

Bên cạnh đó, mâm cúng gia tiên cần phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của dưa hành, vị ngọt của bánh. Tất cả các vị này hoà quyện vào nhau tạo nên mâm cỗ đầy đủ, cầu mong yên ấm, an lành và xua đi những đen đủi trong năm mới.

Theo dự báo của các chuyên gia đang theo dõi tình hình dịch bệnh Corona, ở Việt Nam cuối tuần này là thời điểm dịch bùng phát, tình hình có thể diễn biến phức tạp.  Bởi vậy, dù Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng của người Việt nhưng không nên quá cầu kỳ. Mọi người nên hạn chế tụ họp đông người tại các điểm tâm linh để tránh sự lây lan dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ