Mầm bệnh âm ỉ trong cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Y tế "cắm chốt" tại TP.HCM chống dịch

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 14/6, ký quyết định lập Bộ phận thường trực đặc biệt do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phụ trách.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi- TPHCM. Ảnh: Bộ Y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi- TPHCM. Ảnh: Bộ Y tế

Theo quyết định, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn là Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, hỗ trợ địa phương chống dịch Covid-19.

Trưởng Bộ phận được dùng quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế để điều động, huy động về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM. Trưởng Bộ phận được tham gia các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM.

Bộ phận thường trực còn có ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, là Phó Trưởng Bộ phận thường trực chịu trách nhiệm công tác điều trị; ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, chịu trách nhiệm về điều tra, giám sát dịch và xét nghiệm; ông Đặng Văn Chính, Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TP.HCM, chịu trách nhiệm về công tác cách ly y tế và xử lý môi trường.

Theo quyết định của Bộ Y tế, Bộ phận thường trực đặc biệt có nhiệm vụ chung hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch; điều trị bệnh nhân; xét nghiệm; tổ chức cách ly; công tác truyền thông trên địa bàn TPHCM, các địa phương lân cận có liên quan;

Kiểm tra, hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Trưởng Bộ phận tham gia các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM.

Mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng

Phát biểu tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 sáng 14/6, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, dù đã dồn hết sức, thực hiện mọi biện pháp, tập trung mọi nguồn lực, nhưng đến nay tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Đặc biệt đáng chú ý là số người thuộc diện F1, F2 bị cách ly ngày càng lớn, trong khi vẫn chưa biết có bao nhiêu người âm thầm mang bệnh và lây nhiễm cho người khác trong cộng đồng. Mặt khác, số người bệnh rất nặng đang tăng dần, trong khi điều kiện và phương tiện cấp cứu có hạn.

Bên cạnh đó, nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, một số chuỗi mới phát hiện chưa truy vết hết; nhiều trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng, trong khi các khâu tầm soát không thể bao quát giai đoạn ủ bệnh...

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, cần thiết phải kéo dài thời gian giãn cách toàn thành phố, tương ứng với chu kỳ lây nhiễm của chủng biến thể mới. Với những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, chưa kiểm soát được, có thể áp dụng một số biện pháp cao hơn trong Chỉ thị 16; nơi nào bảo đảm an toàn cao, kiểm soát được thì thực hiện Chỉ thị 19.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cũng cho rằng, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan.

“Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của vi rút SARS - CoV – 2”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.

Sáng 14/6, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội, dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện liên tiếp hàng loạt các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Điều đó cho thấy, nhiều khả năng dịch đã xâm nhập vào thành phố từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đã trải qua 4 – 5 chu kỳ lây nhiễm. Bên cạnh đó, những ca nhiễm bệnh có thể đã len lỏi trong cộng đồng và sẽ được tiếp tục phát hiện thông qua hoạt động khám sàng lọc.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo các nội dung của Chỉ thị 15 thêm hai tuần nữa, kể từ ngày 15/6. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 chuyển từ giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15.

Tùy thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh, mức độ kiểm soát trong một tuần tới, một số khu vực có thể chuyển sang Chỉ thị 16 hoặc chuyển sang Chỉ thị 19.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các quận huyện cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra mạnh mẽ hơn nữa và xử lý những trường hợp và những nơi không chấp hành chỉ thị của UBND thành phố về giãn cách xã hội.

Những nơi tụ tập đông người không chấp hành Chỉ thị 15, nếu để phát sinh dịch bệnh thì chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải chịu trách nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ