Malaysia: Tương lai bữa sáng miễn phí cho học sinh tiểu học sẽ về đâu?

Malaysia: Tương lai bữa sáng miễn phí cho học sinh tiểu học sẽ về đâu?

Mong chờ chương trình mới

Sự từ chức đột ngột của Bộ trưởng GD Malaysia, ông Mazlee Malik đã làm dấy lên nhiều lo ngại về việc, liệu chương trình bữa sáng miễn phí được đề xuất áp dụng cho tất cả các trường tiểu học của Malaysia có được thực hiện hay không.

Trước đó, ngày 2/1 qua, Bộ trưởng GD Mazlee đã bất ngờ tuyên bố từ chức. Tới nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vẫn chưa bổ nhiệm nhà lãnh đạo thay thế.

Do vậy, trong thời gian này, số phận của các sáng kiến do cựu Bộ trưởng khởi xướng hiện vẫn chưa được quyết định. Một trong số đó là chương trình bữa sáng miễn phí - chính sách được cho là sẽ áp dụng thí điểm đối với 100 tổ chức GD tại Malaysia kể từ ngày 20/1.

Trước bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là ngày chính thức triển khai chương trình, không ít phụ huynh tại nước này đã bày tỏ hy vọng rằng, chính phủ sẽ thực hiện lời cam kết của mình.

“Chính phủ đã phân bổ ngân sách cho chương trình, ngày thực hiện cũng đã được đưa ra. Tôi nghĩ rằng, khuôn khổ cho việc thực hiện cũng nên được đề xuất. Vậy tại sao lại hủy bỏ chương trình?”, bà Nur Hidayah Rahmat - một phụ huynh có 3 con nhỏ đang cùng theo học tại Trường Tiểu học ở Selangor cho hay.

Cũng theo bà Rahmat, sẽ là điều không đúng đắn nếu chính phủ không giữ đúng lời hứa trước đó. “Hiểu một cách cơ bản thì đó chính là một lời hứa mà chính phủ đã đưa ra với những đứa trẻ này. Với những đứa trẻ của tôi, khi tôi nói với chúng về chương trình bữa sáng miễn phí, chúng rất hào hứng được đến trường. Con út của tôi thậm chí còn nói rằng, thằng bé chỉ muốn đi học sau ngày 20”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Ngoài ra, không ít người nhận định, sáng kiến này đặc biệt quan trọng đối với những gia đình có thu nhập thấp. Chia sẻ với truyền thông, bà Lee Lim Mei - một người mẹ đơn thân 33 tuổi, khẳng định, chương trình bữa sáng miễn phí mới được đề xuất là cách duy nhất để con bà có thể có được một bữa sáng ngon miệng. Bà Lee cho hay, chồng bà đã bỏ nhà ra đi từ năm ngoái. Chính vì vậy, mức lương ít ỏi của một trợ lý bán hàng như bà không thể đủ để trang trải mọi chi phí trong cuộc sống hằng ngày.

“Tôi đã nói với các con tôi rằng, chúng sẽ được ăn miễn phí ở trường và rõ ràng điều đó khiến chúng thích thú khi đi học. Bởi, trong tình trạng hiện tại của chúng tôi, không ít buổi sáng, bọn trẻ của tôi chỉ có thể ăn bánh quy kem”, bà mẹ 33 tuổi nói.

Ý kiến trái chiều

Trong khi không ít gia đình như bà Lee cho biết cần những chương trình như vậy, nhiều người dân Malaysia nhận định rằng, sáng kiến này có thể là một sự lãng phí đối với những người đóng thuế.

Tại Malaysia, chính phủ hiện vẫn áp dụng Chương trình Thực phẩm bổ sung, nhằm hỗ trợ cho những người có thu nhập hộ gia đình dưới 40%. Do vậy, một số người đã đặt câu hỏi rằng, liệu có cần phải dành 1,67 tỷ RM (408 triệu USD) để chi trả cho chương trình bữa sáng miễn phí hay không.

Bất chấp những chỉ trích mạnh mẽ về chương trình kể từ khi được công bố hồi tháng 8 năm ngoái, cựu Bộ trưởng GD Mazlee đã lập luận rằng, sáng kiến này không chỉ là về thực phẩm.

Phát biểu trước truyền thông, ông Mazlee khẳng định, chương trình bữa sáng miễn phí sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho hơn 2,7 triệu HS tiểu học ở Malaysia, mà còn giúp tạo thói quen ăn uống tốt và ý thức công dân cho các em.

Theo báo cáo của tờ New Straits Times, cựu Bộ trưởng GD Mazlee cho biết, chương trình này là sản phẩm trí tuệ của Tiến sĩ Mahathir và được truyền cảm hứng từ chính sách của Nhật Bản, nhằm cung cấp bữa sáng miễn phí cho trẻ em học đường kể từ khi kết thúc Thế chiến II.

“Chương trình này sẽ cho phép trẻ em được dạy về những bài học GD công dân thông qua việc học các nghi thức ăn uống, làm sao để bỏ thức ăn thừa đúng cách, tự biết rửa chén đĩa và hơn cả thế nữa”, ông Mazlee nói.

Trong một “Câu hỏi thường gặp” được ông Mazlee trả lời và đăng tải trước đó trên trang Facebook cá nhân, chương trình bữa sáng miễn phí sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên vào tháng 1 sẽ có sự tham gia của 100 trường học trên khắp Malaysia, bao gồm 37.000 HS và 1.600 giáo viên. Trong khi đó, giai đoạn 2 sẽ được bắt đầu vào tháng 6 với sự tham gia của 500 trường học trên cả nước.

Trước bối cảnh chưa được cung cấp thông tin chi tiết từ chính quyền, không ít hiệp hội giáo viên phụ huynh được phỏng vấn khẳng định, họ không biết nên tiến hành sáng kiến này như thế nào.

Ông Mohd Fadlie Mohd Yusof - Thư ký của hiệp hội giáo viên phụ huynh của Trường SK Taman Perling cho biết, không có thông tư nào được ban hành về các trường được chọn tham gia chương trình mới.

“Tôi không chắc là Bộ có quyết định thực hiện hay không, nhưng vì chúng tôi không nhận được thông tin gì, chúng tôi cho rằng chúng tôi chưa được chọn. Do đó, chúng tôi không biết sẽ phải tiếp tục như thế nào”, ông Yusof nói; đồng thời cho hay, không có nhiều HS trong trường biết về chương trình này.

Bên cạnh đó, một quan chức từ Hiệp hội phụ huynh giáo viên Trường SK Setiawangsa cũng cho biết: “Hiện tại, chúng tôi nghĩ rằng trường học của chúng tôi không liên quan”.

Trả lời các câu hỏi của CNA, một phát ngôn viên của Bộ GD Malaysia tuyên bố, các nhà lãnh đạo vẫn đang trong quá trình thực hiện sáng kiến này. “Chúng tôi đang chờ tổng thư ký của Bộ GD đưa ra quyết định cuối cùng. Danh sách 100 trường thí điểm cũng chưa được hoàn thiện”, người phát ngôn nói.

TheoCNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.