Malaysia: GD khó đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế

GD&TĐ - Khi Malaysia cố gắng phát triển nền kinh tế để theo kịp các nước châu Á giàu có hơn như Singapore và Hàn Quốc, ngày càng có nhiều những nghi ngờ liệu rằng hệ thống GD nước này có thể cung cấp những nhân công có trình độ để đáp ứng những công việc đòi hỏi kỹ năng cao được xem là rất quan trọng để phát triển kinh tế hay không.

Học sinh Malaysia
Học sinh Malaysia

GD không tạo ra nguồn nhân lực hiệu quả

Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra “nhu cầu cấp thiết trong việc thay đổi hệ thống GD của Malaysia” để tạo ra loại lực lượng lao động mà một nền kinh tế có thu nhập cao đòi hỏi.

Ngân hàng Thế giới xác định nền kinh tế có thu nhập cao là nền kinh tế có bình quân thu nhập quốc dân trên đầu người 12.616 USD mỗi năm. Năm ngoái, GDP bình quân đầu người của Malaysia là 9.928 USD, nằm trong số các nền kinh tế trên mức trung bình, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

Mặc dù GD tiểu học là điều bắt buộc ở Malaysia, nhưng báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy “việc tiếp cận với trường học là điều cần thiết, nhưng không đủ điều kiện để xây dựng vốn con người để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Nhu cầu về nhân công tay nghề cao tăng lên nhưng hệ thống GD nước này lại không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, mặc dù gần 97% trẻ em ở Malaysia có mặt trong trường tiểu học.

Kết quả mới nhất của cuộc thi PISA đánh giá khả năng của HS 15 tuổi cho thấy Malaysia xếp thứ 52, cao hơn so với Indonesia ở Đông Nam Á nhưng lại cách xa quốc gia đứng thứ 2 là Singapore, thậm chí còn đứng sau Việt Nam ở vị trí 17.

Một vấn đề nữa mà Malaysia phải đối mặt là những HS sáng giá nhất thường đi du học và tìm công việc ở nước ngoài. 20% người Malaysia được học cao nhất đều chọn cách đi đến các nước giàu. Việc này cho thấy Malaysia phải đối mặt với việc thiếu nhân công lành nghề, bao gồm các nhà nghiên cứu, kỹ sư, những người làm trong ngân hàng…

Nguyên nhân

Ulrich Zachau - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Thế giới - cho rằng vấn đề của Malaysia là do thiếu các quyết định về việc làm và kế hoạch chi tiêu cho các trường. 

Khoảng 65% GV Malaysia là do Chính phủ thuê chứ không phải do từng trường làm, con số này ở Hàn Quốc là 5% - nơi các trường công có nhiều quyền hạn hơn.

Các trường cũng ít được chi cho việc xây dựng, mua trang thiết bị mới, tạo sự tiếp cận cho HS hay chọn SGK – những quyết định này được Bộ GD đưa ra.

Thông tin công khai về hoạt động của từng trường cũng khó được tiếp cận và các bậc phụ huynh hiếm khi đưa ra thông tin phản hồi cho nhà trường – tất cả các yếu tố này khiến nhà trường trở nên thiếu tin cậy – ông Zachau cho biết.

Trong khi số lượng GV không phù hợp – theo Ngân hàng Thế giới – thì chất lượng của họ cũng là một vấn đề , một số phụ huynh cho biết.

“GV không còn tận tụy trong việc dạy học sinh – S. Balachandran, doanh nhân ở Kuala Lumpur, cha của 3 HS đi học ở trường công cho biết - Con trai tôi từng nói GV dạy môn khoa học của nó có thói quen nghịch điện thoại trong khi HS đang làm bài tập trong lớp”.

Những bậc cha mẹ khác nói họ lo lắng với điều mà họ cho rằng chính phủ đã chỉ dẫn sai cho hệ thống GD.

“Chính phủ liên tục thay đổi về chính sách GD, như là thay đổi việc dạy từ tiếng Anh sang tiếng Bahasa chỉ càng làm cho mọi việc thêm rối tinh” – Sarah – Jane Tohmas, bà mẹ có 3 con cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD P. Kamalanathan thừa nhận những thay đổi trên có thể khiến HS lúng túng trong thời gian ngắn, nhưng Bộ đã “quyết tâm khắc phục” thử thách trong việc thực thi những cải cách GD đã đưa ra.

Để cải thiện tiêu chuẩn GD, Chính phủ Malaysia đã đưa ra dự thảo một chính sách định hướng có tên “Kế hoạch GD” và được cấp nhiều tài chính để thực thi. 

Được đưa ra vào tháng 9 năm ngoái, bản kế hoạch này nhấn mạnh rằng việc dạy học là một nghề nghiệp, tạo thêm tự do cho các văn phòng GD ở bang và quận để tự quản lý công việc của mình, đồng thời tăng cường sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng vào GD.

Theo The Wall Street Journal

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ