Malawi: Mùa màng thất bát, dân chuyển sang nấu rượu chuối

GD&TĐ - Sự nóng lên toàn cầu đã làm giảm năng suất cây trồng ở các cộng đồng nông nghiệp, trong đó có Malawi.

Một thành viên của Hợp tác xã Twitule bán chai rượu chuối tại hội chợ thương mại ở Blantyre, Malawi. Ảnh: COMSIP
Một thành viên của Hợp tác xã Twitule bán chai rượu chuối tại hội chợ thương mại ở Blantyre, Malawi. Ảnh: COMSIP

Trước tình hình này, họ đã tìm ra lối đi mới, bất chấp những khó khăn về khí hậu và thủ tục hành chính.

Bà Regina Mukandawire trồng chuối trên trang trại nhỏ của mình ở quận Karonga phía Bắc Malawi hơn 16 năm. Tuy nhiên, bà mẹ 38 tuổi của 6 con cho biết, nếu trời quá nóng, chuối chín sẽ nhanh bị thối và không thể bán. Ngoài ra, lũ lụt và bão lớn có thể phá hủy cả một trang trại.

Theo đồng Chủ tịch Mathews Malata của Phong trào Hành động vì Môi trường, một nhóm vận động có trụ sở tại Lilonge, Malawi đang phải chịu một số tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu mặc dù là một trong những nước phát thải khí nhà kính thấp nhất thế giới.

Đợt khô hạn do hiện tượng thời tiết El Nino năm 2016 - 2017 cũng khiến 1/3 của tổng số 18 triệu dân cả nước cần được hỗ trợ lương thực. Hai năm sau, khi bão Idai tấn công, các doanh nghiệp nhỏ chịu thiệt hại 20 triệu USD và 2 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực. Những tác động này vẫn tiếp tục đến nay.

Ông nói: “Malawi đang mất tới 33 tấn đất/ha do thiệt hại về môi trường cũng như lũ lụt và các điều kiện thời tiết khác”.

Một loại cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thời tiết khắc nghiệt là chuối, cây lương thực lớn thứ 4 của Malawi sau ngô, lúa và sắn. Với nhiệt độ có khi lên tới 43 độ C, chuối thường bị hỏng vào thời điểm thu hoạch.

Thất vọng vì thua lỗ liên tục, một nhóm gồm 4 nam giới và 30 phụ nữ ở làng Mlare bắt đầu làm rượu bằng cách sử dụng chuối quá chín mà họ trồng hoặc mua từ những nông dân khác.

Bão nhiệt đới Freddy và những tác động khác của biến đổi khí hậu đã tàn phá các trang trại ở Malawi. Ảnh: Thoko Chikondi/AP

Bão nhiệt đới Freddy và những tác động khác của biến đổi khí hậu đã tàn phá các trang trại ở Malawi. Ảnh: Thoko Chikondi/AP

Biến chuối thành rượu

Từ 2012 với tên gọi Hợp tác xã Twitule, một nhóm nhỏ nông dân gặp nhau ở Muchenjeli, Karonga. Đại diện Mercy Chaluma của Liên minh Hợp tác xã COMSIP cho biết, dự án này là nguồn sinh kế cho cộng đồng và là bằng chứng về cách các cộng đồng ở Malawi đang chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Theo COMSIP, họ có thể bán đồ uống có cồn với vị ngọt của mình ở các quận khác trong nước và thu hút sự quan tâm từ người tiêu dùng từ các nước láng giềng như Zimbabwe, Zambia và Tanzania.

Những người nông dân không có thiết bị hiện đại và nhà máy sản xuất rượu vang của họ chỉ là một căn phòng nhỏ không có điện cũng như nước sinh hoạt. Công nhân sử dụng xô nhựa 20 lít và 50 lít làm bình trộn và bảo quản.

Chủ tịch nhà máy rượu Twitule Vyanitonda Kasimba cho biết, người làm việc trong nhà máy đều là thành viên của hợp tác xã. Họ sản xuất tối thiểu 50 chai mỗi ngày và bán chúng với giá 3.000 kwacha/chai.

Hợp tác xã không có cơ sở đóng chai rượu, vì vậy COMSIP Union mua rượu với số lượng lớn và tạo điều kiện cải tiến việc đóng chai sao cho hấp dẫn, đồng thời giúp họ tiếp thị để thu hút giá cao.

Ở một đất nước có hơn một nửa dân số sống trong nghèo đói, nguồn thu trên đã có ích. Cô Mukandawire, có chồng thất nghiệp, đã trở thành trụ cột gia đình nhờ số tiền thu được từ việc kinh doanh rượu vang.

“Trở thành thành viên của Twitule đã giúp tôi xây được nhà tốt hơn. Tôi cũng có thể cho con đi học bằng số tiền thu được từ dự án”, cô nói.

Thành viên khác trong nhóm là Evelyn Mwabungulu đã mạo hiểm nuôi dê bằng số tiền thu được từ dự án rượu vang. Cô bắt đầu với một con dê và giờ đã có tới 14 con.

Gian hàng của Twitule tại Khu hội chợ thương mại Chichiri ở Blantyre. Ảnh: COMSIP

Gian hàng của Twitule tại Khu hội chợ thương mại Chichiri ở Blantyre. Ảnh: COMSIP

Vượt qua thử thách

Việc sản xuất rượu chuối không phải không có thách thức. Hầu hết khách hàng thích rượu lạnh hơn, nhưng việc thiếu điện khiến tủ lạnh của nhóm trở nên vô dụng. Vì vậy, họ đã tìm ra giải pháp tạm thời là đào hố sâu 5 mét.

Thành viên sáng lập Mukandawire của Twitule giải thích: “Chúng tôi sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ bên trong hố trước khi đặt rượu vào”.

Hợp tác xã đã thực hiện các khoản thanh toán cần thiết cho Tổng công ty cung cấp điện Malawi (ESCOM) tháng 5/2021, nhưng cộng đồng vẫn chưa được kết nối với lưới điện quốc gia. Người phát ngôn Kitty Chingota của ESCOM cho biết, biến đổi khí hậu đã góp phần gây ra sự chậm trễ vì cơ sở hạ tầng điện bị bão lốc, lũ lụt tàn phá.

Ngoài ra, các đường ống đã được ban quản lý nước lắp đặt từ hồ chứa chính đến khu vực này nhưng hợp tác xã vẫn không có nước. Những nỗ lực tiếp cận hội đồng để lấy ý kiến đều không thành công vì các cuộc điện thoại không được trả lời.

Trong bối cảnh đó, mức độ nổi tiếng của rượu vang Twitule trong và ngoài biên giới Malawi đang ngày càng tăng và nó đã vượt qua các cuộc kiểm tra chứng nhận trước của Cục Tiêu chuẩn Malawi nên được coi là phù hợp để tiêu thụ. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chưa chính thức phê duyệt sản phẩm để bán hàng ở quy mô thương mại.

Hiện tại, nhóm vẫn tập trung trưng bày rượu tại các hội chợ thương mại. Họ cũng bán không chính thức thông qua COMSIP cho các cửa hàng bán lẻ và khách sạn trong khi chờ chứng nhận để tăng doanh thu.

Các nhà hoạt động môi trường đã than phiền về những tác động liên tục của biến đổi khí hậu. Họ cho biết ngay cả khi cộng đồng đang thích nghi, những tác động này vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất rượu chuối trên quy mô lớn hoặc sử dụng loại cây trồng này cho các mục đích khác.

Một số người như ông Malata đã kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn nữa trong việc hỗ trợ các nhóm như Twitule. Ông Malata cho biết, nông dân trồng chuối cần được giới thiệu các giống chịu hạn để giảm bớt tác động của các kiểu thời tiết khắc nghiệt đối với cây trồng.

Kể từ khi đi sâu vào sản xuất rượu vang, Twitule đã tìm cách mua được một trang trại chuyên trồng chuối, nhưng mưa lớn đã phá hủy mùa màng của họ. Tuy nhiên, các thành viên vẫn quyết tâm thử lại.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến khi chuyển đổi được toàn bộ cộng đồng này thông qua việc sản xuất rượu chuối. Chúng tôi muốn sản xuất rượu vang có thể tiêu thụ ở khắp châu Âu và châu Mỹ”, đại diện Mukandawire nói.

Theo Al Jazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ