Mái nhà chung của những người cầm phấn

GD&TĐ - Đó là ngôi làng mang tên nhà trí thức cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu ở xã Hoa Thành (Yên Thành, Nghệ An). 

Lối vào làng giáo Phan Đăng Lưu
Lối vào làng giáo Phan Đăng Lưu

Ngôi làng này có 120 nóc nhà thì đã có hơn 200 người theo nghề giáo viên, nhà ít nhất 1 người, nhà nhiều 7 - 8 người. Đây là ngôi làng độc đáo bậc nhất huyện Yên Thành nói riêng và xứ Nghệ nói chung.

Cả làng là giáo viên

Làng Phan Đăng Lưu như một chiếc nghiên mực khổng lồ nằm ở phía Nam xã Hoa Thành. Nét hiện đại của làng là có một vài nhà cao tầng mọc lên nhưng tổng thể vẫn giữ được nét thời gian xưa cũ, vẫn những mái ngói thâm nâu ẩn hiện dưới những lũy tre xanh hiền hòa. Vẫn còn đó những cồn Bút, cồn Nghiên như biểu tượng ngàn đời của một vùng đất học.

Chúng tôi đến thăm làng vào buổi sáng mùa Hạ đầy nắng, vừa đến đầu làng đã nghe tiếng trẻ bi bô học bài. Ông Phan Xuân Lực - Bí thư chi bộ làng cho biết: 

Làng chúng tôi xưa nay luôn coi trọng và đặt sự học lên hàng đầu. Gia đình nào cũng đua nhau học, trẻ mới “mở mắt” là tiếp xúc với chữ nghĩa. 

Làng này không giàu có về vật chất như các làng quê khác nhưng giàu tri thức. Điều độc đáo nhất là làng chỉ có 120 nóc nhà nhưng đã có hơn 200 người theo nghề dạy học. 

Giáo viên của làng có đủ các trình độ, dạy từ cấp học mầm non cho đến đại học, trong đó có nhiều người là hiệu trưởng, hiệu phó, làm công tác quản lí giáo dục...

Cũng theo ông Lực, số giáo viên của làng đã về hưu và hiện nay đang đứng trên bục giảng đủ để mở được 4 trường học. Chưa tính đến hàng chục sinh viên của làng hiện nay đang theo học các trường sư phạm.

Thầy Phan Xuân Châu - Nguyên giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu - tâm sự: Khi tốt nghiệp phổ thông, thầy phải gác lại bút nghiên để lên đàng đi đánh Mĩ. 

Hết chiến tranh, thầy trở về tiếp tục ước mơ xưa và trở thành giáo viên dạy Văn cấp III. Thầy Châu lấy vợ cũng là giáo viên và sinh được 3 người con. 

Được biết 3 người con của thầy học rất giỏi và cũng đam mê con đường sư phạm. Các con của thầy nay là giáo viên THPT và đã bảo vệ xong luận án thạc sĩ. Tính cả dâu rể, thì gia đình thầy hiện nay gồm có 6 giáo viên.

Ông Nguyễn Khắc Đức – Chủ tịch UBND xã Hoa Thành - cho biết: Dù bất cứ hoàn cảnh nào, thời chiến cũng như thời bình, Hoa Thành vẫn giữ vững là đơn vị hàng đầu về giáo dục của huyện nhà.                                                                               Làng Phan Đăng Lưu được xem như một làng nghề giáo viên truyền thống, là một trong những làng điển hình thúc đẩy phong trào hiếu học, khuyến học, khuyến tài của xã, huyện ngày càng phát triển và lan rộng.   

Theo chỉ dẫn của thầy Châu, chúng tôi đến nhà thầy Phan Xuân Khải, vợ chồng thầy là giáo viên. Sáu người con của thầy đều học hành đỗ đạt (trong đó tiêu biểu là tiến sĩ khoa học trẻ Phan Xuân Hiếu - một trong 10 gương mặt tiêu biểu được trao giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2013). 

Hiện nay, gia đình thầy là một “tiểu đội” giáo viên (12 người gồm cả dâu rể). Thầy Khải cho biết: 

Nghề giáo viên như là một nghề truyền thống của làng. Những năm tháng khó khăn nhất, đồng lương không đủ sống nhưng vợ chồng thầy và giáo viên của làng vẫn bám trụ không có ai bỏ nghề. Đây chính là nét đặt biệt nhất của làng.

Không chỉ những gia đình giáo viên mà nhiều gia đình là nông dân với mấy sào ruộng khoán nhưng cũng nuôi các con ăn học nên người như nhà bà Nguyễn Thị Hán có 7 người con, thì cả 7 đều là giáo viên. Bà Hán bảo: Đời tui nghèo chữ quá nên quý trọng người hay chữ, cố mà bóp bụng nuôi con thành ông trạng, ông nghè các cháu nà...

Thầy giáo Phan Đăng Chuẩn - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoa Thành - cho biết: “Hiện nay trên toàn xã Hoa Thành số giáo viên có hơn 1.000 người, nhưng xóm Phan Đăng Lưu là điển hình nhất. 

Có lẽ xã chúng tôi có số giáo viên nhiều nhất trong các làng xã ở Nghệ An. Mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam hay Tết đến xuân về, các thế hệ học trò từ khắp nơi đổ về làng thăm thầy cô giáo cũ đông như trẩy hội. Làng xã ngập tràn trong muôn hoa. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của nghề giáo.

Rộn ràng phong trào khuyến học

Thầy Phan Đăng Chuẩn về hưu rồi nhưng vẫn dạy miễn phí cho HS trong làng

Thầy Phan Đăng Chuẩn về hưu rồi nhưng vẫn dạy miễn phí cho HS trong làng


Làng Đông, Hạ Thành xưa - Làng Phan Đăng Lưu, Hoa Thành nay là vùng đất văn vật, đã có hàng nghìn năm lịch sử. Theo Địa chí - Văn hóa - Lịch sử xã, thì vùng đất này nổi tiếng về truyền thống hiếu học, một trong những cái nôi của khoa cử và học giỏi bậc nhất huyện Yên Thành... 

Từ thời xa xưa, làng xã đã dành một phần ruộng đất làm “học điền” để cấp cho những học trò nghèo học giỏi, đỗ đạt. Ở đây có những gia đình, dòng họ liên tục nhiều thế hệ, nhiều triều đại có người đỗ đạt cao. 

Nhiều người trong số họ đã thành những học quan, những vị sư biểu trong triều đình... Đặc biệt, làng là nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng nhà trí thức cách mạng kiệt xuất Phan Đăng Lưu. (1902 - 1941).

Nối tiếp truyền thống đó, làng Phan Đăng Lưu bao đời nay luôn thực hiện tốt phong trào khuyến học. Theo thầy Phan Đăng Chuẩn, phong trào khuyến học, hội khuyến học của làng, của các dòng họ ở đây có từ xa xưa. 

Mỗi năm vào dịp 2/9 (trước ngày tựu trường) làng và các dòng họ đều tổ chức gặp gỡ, động viên, trao thưởng cho con em học giỏi. Quỹ khen thưởng do những người con của làng đã thành đạt lập nên để thúc đẩy truyền thống hiếu học của làng. 

Những gia đình nào khó khăn, hội sẽ giúp đỡ để con em theo đuổi sự học đến cùng. Đây chính là sự động viên khích lệ tinh thần không dễ gì có được đối với các thế hệ học sinh của làng.

Một điều đặc biệt nữa của phong trào khuyến học đó là tiếng loa học bài của làng. Cứ đều đặn 19 giờ hằng ngày, loa phóng thanh sẽ vang lên nhắc nhở học sinh học bài; Tổ an ninh trật tự làng sẽ đi kiểm tra. 

Học sinh lang thang ngoài đường sẽ bị nhắc về nhà học bài. Gia đình nào có hành vi cản trở hay làm ảnh hưởng đến giờ học của con cháu cũng bị nhắc nhở, vi phạm nhiều lần sẽ bị khiển trách trên đài phát thanh của làng. Chính vì vậy mà việc tự học của học sinh làng đã trở thành nề nếp.

Ngoài ra, làng còn có thêm hội giáo viên. Hội giáo viên là nơi sinh hoạt của những thầy cô giáo đã về hưu. Hội không chỉ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thăm hỏi động viên chia sẻ với nhau những vui buồn và những khó khăn trong cuộc sống... mà còn là nơi chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm về nghề dạy học cho các giáo viên đang đứng trên bục giảng... 

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ