Mái ấm của những thân phận thiệt thòi

GD&TĐ - Trăn trở trước hình ảnh những đứa trẻ người dân tộc thiểu số là nạn nhân của các hủ tục xưa cũ dọc mảnh đất Tây Nguyên, mấy chục năm qua, sơ Nguyễn Thị Khiết (chủ cô nhi viện Sao Mai, đường Wừu, Pleiku, Gia Lai) cùng các sơ trong cô nhi viện đã dốc hết tâm lực thu nhận, nuôi dưỡng các em nên người.

Mái ấm của những thân phận thiệt thòi

Những cuộc giải cứu diệu kỳ

Nhớ lại cái ngày bắt đầu duyên phận với những đứa trẻ không may mắn, sơ Khiết kể: “Cách đây hơn 20 năm rồi, hôm ấy trời mưa như trút nước trên đường chúng tôi đi làm từ thiện ở huyện biên giới Đức Cơ về, đi qua cánh rừng, trời sầm sập tối bỗng thấy một đoàn người ôm theo đứa bé khóc liên tục. Thấy lạ chúng tôi dừng lại đi theo xem thì mới giật mình biết, mẹ đứa trẻ này vừa chết, người ta cho rằng nguyên nhân bởi thằng bé này mang lại nên phải chôn nó theo mẹ”. Khuyên nhủ mãi không được, sơ Khiết cùng người thân của mình bèn “án binh” chờ cơ hội.

Theo nghi lễ của dân tộc Jarai, trước khi chôn sống theo mẹ (thường là buổi tối), đứa bé sẽ bị trói lại mang ra ngay cạnh vị trí sẽ bị chôn để cúng báo với thổ địa và thần rừng, khoảng thời gian này diễn khoảng 30 phút. Chính trong lúc mọi người đang lơ là, đoàn người của sơ Khiết đã âm thầm ra ôm cháu bé chạy tuốt vào rừng trốn sau khi thấy im ắng thì mới chạy ra và mang cháu về cô nhi viện để nuôi. Từ đó, đứa bé này lớn lên mà không hề có bệnh tật gì.

Hàng chục đứa trẻ khác cũng được cô nhi viện Sao Mai giải cứu rồi sau đó vận động người dân thay đổi quan niệm, thay đổi cách nghĩ của mình. Một trong những cách giải thích dễ hiểu nhất đó là dẫn người dân ở các buôn làng đến cô nhi viện thăm những đứa trẻ người dân tộc thiểu số không may mất mẹ từ tấm bé nhưng vẫn lớn lên bình thường ở cô nhi viện. Từ đó, dân làng hiểu ra nên đã xóa bỏ hủ tục.

Ươm mầm cho những thân phận cơ nhỡ

Sau khi giải cứu được hàng chục đứa trẻ và góp phần tuyên truyền làm thay đổi hủ tục của nhiều buôn làng, các sơ trong cô nhi viện Sao Mai âm thầm đi “nhặt nhạnh” những đứa trẻ bị bỏ rơi khắp nơi về nuôi dưỡng. Hơn 10 năm trước, khi còn sức khỏe, không quản ngày nắng cháy da hay đêm mưa tầm tã, chính sơ Khiết vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng… mang những đứa trẻ bị ruồng bỏ về nuôi. Sơ Khiết tâm tình: “Thật ra việc chúng tôi làm cũng không có gì to tát, đều là do ước muốn tự thân của mỗi người. Làm được chút việc thiện cũng thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Có lần, nghe tin từ một người quen mãi Ngọc Hồi (Kon Tum) báo có trường hợp đứa bé bị cuộn trong bọc tã bỏ ở công viên mà không ai nhận, các sơ ở cô nhi viện Sao Mai bắt xe đi ngay giữa trưa nắng đến làm các thủ tục với chính quyền địa phương để đưa cháu bé về cô nhi viện nuôi”. Đứa bé đó được sơ Khiết đặt tên là Siu Nắng Mai với ước muốn sau này tương lai sẽ luôn sáng sủa và ấm áp như ánh nắng ban mai vậy.

Theo các sơ, hầu hết những đứa trẻ khi mới được đưa về cô nhi viện Sao Mai đều quấy khóc, suy dinh dưỡng do đói sữa lâu ngày hoặc đã bị kiệt sức. Lúc ấy các sơ lại thâu đêm suốt sáng thay nhau chăm sóc. Có lần vì một cháu sốt cao quá lên cơn co giật mà cả cô nhi viện hầu như không ai ngủ được vì lo lắng. Nhiều cô gái lỡ đẻ con nhưng không muốn nuôi cũng đã ẵm đến bỏ trước cổng cô nhi viện. Đến nay trong cô nhi viện có trên 50 đứa trẻ bị chết hụt, bị bỏ rơi.

Được chăm sóc, nuôi dưỡng, nhiều đứa trẻ trong cô nhi viện Sao Mai không ngừng khát vọng vươn lên. Cháu Rơ Mah Phương Uyên bộc bạch: Từ bé bố say rượu bị tai nạn mất, mẹ lại bỏ đi cùng người khác, bỏ cháu bơ vơ một mình với những người hàng xóm trong buôn làng. Cháu cô đơn, lê la khắp nơi và bị lên cơn sốt đến co giật ở bệnh viện. Lúc ấy các sơ đến làm thủ tục xin nhận về nuôi dưỡng. Nay cháu khỏe mạnh, được gửi vào học trường THCS của thành phố. Cháu cố gắng học giỏi thành người có ích rồi sau này thỉnh thoảng còn quay về giúp đỡ cho cô nhi viện.

Theo sơ Khiết, cô nhi viện Sao Mai được Nhà nước cho phép thành lập từ năm 1994, hàng năm đều có các cấp chính quyền đến thăm và động viên. Nhiều cháu là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng rất có nghị lực và cố gắng. Cô nhi viện đều tìm cách liên kết với các trường học để phát huy tối đa khả năng và nhen nhóm lên ước mơ vươn lên của các cháu. Ngoài các nguồn viện trợ từ mạnh thường quân thì các sơ trong cô nhi viện đi làm thêm vườn rẫy, làm các vật gia dụng bán để phụ tiền nuôi dưỡng các cháu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ