Nguyên nhân là vì mặc dù cơ quan sinh dục của các bé vẫn đang phát triển, nhưng cũng gần tương tự người trưởng thành.
Nguyên nhân gây viêm ở trẻ
Thời tiết cuối Xuân với đặc trưng độ ẩm không khí cao, mưa phùn, nhiệt độ thấp của miền Bắc thường kéo dài. Đó cũng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật, nấm, vi khuẩn gây bệnh tại “vùng kín” có cơ hội phát triển mạnh.
Hơn nữa, thời tiết nồm ẩm cũng chính là nguyên nhân khiến quần áo của chúng ta không nhận được ánh nắng Mặt trời trực tiếp. Do đó, quần áo rất lâu khô và không thể tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh.
Với đồ lót, nếu mặc khi còn ẩm thì vi khuẩn sẽ có cơ hội phát triển và gây bệnh tại “vùng kín”. Không chỉ phụ nữ trưởng thành mà các bé gái cũng có nguy cơ bị viêm nhiễm vùng kín nếu không được vệ sinh và chăm sóc đúng cách.
Nguyên nhân là vì cơ quan sinh dục của trẻ cũng có nguy cơ viêm nhiễm cao. Việc vệ sinh đúng cách vùng kín sẽ giúp khu vực này được bảo vệ, tránh khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Bác sĩ Tạ Việt Cường - Phó Giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cho biết, dù tỷ lệ trẻ bị viêm âm đạo không nhiều, nhưng các phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm âm đạo ở trẻ nhỏ có thể do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Với nguyên nhân này, nguồn lây chủ yếu là từ bố mẹ sang.
“Ví dụ như trường hợp bố hoặc mẹ mắc bệnh lậu, giặt chung quần áo với nhau thì vi khuẩn từ quần áo bố mẹ sẽ sang quần áo của con (chủ yếu là quần chíp). Từ đó, khiến bé bị nhiễm bệnh lậu và gây viêm âm đạo”, bác sĩ Cường phân tích.
Nguyên nhân thứ hai khiến trẻ bị viêm âm đạo, đó là ở lứa tuổi nhỏ trẻ thường hay bị giun kim. Giun kim chui ra từ hậu môn (chủ yếu ban đêm) sẽ xâm nhập lên vùng âm đạo của trẻ và gây viêm âm đạo trẻ.
Nguyên nhân tiếp theo là việc vệ sinh hằng ngày cho trẻ không sạch sẽ. Điển hình như việc tay người lớn tiếp xúc với mầm bệnh. Trước khi vệ sinh vùng kín cho trẻ, người lớn không rửa tay bằng xà phòng. Từ đó, dễ lây nhiễm sang cho trẻ.
Để phòng bệnh viêm vùng kín cho trẻ, bác sĩ Cường khuyến cáo, phụ huynh cần quan tâm đến việc vệ sinh cá nhân hằng ngày cho con. Thường xuyên tuân thủ quy tắc vệ sinh. Khi vệ sinh, phải đặc biệt chú ý đến việc rửa tay của người lớn trước.
Từ đó, tránh lây vi khuẩn từ tay sang trẻ. Ngoài ra, các gia đình không nên giặt chung quần áo của người lớn với trẻ. Bởi, nhiều loại bệnh có thể lây nhiễm qua con đường này. Trong quá trình nuôi con, cần chú ý tẩy giun định kỳ, tùy theo độ tuổi cho trẻ, dưới sự tư vấn của bác sĩ.
Thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Ảnh minh họa. |
Vệ sinh theo độ tuổi
Không ít phụ huynh thường tận dụng xà phòng hoặc sữa tắm vệ sinh vùng kín cho trẻ. Thực tế, các sản phẩm này có thể chứa nhiều chất tẩy rửa, chất kiềm và chỉ dùng cho vùng da khác trên cơ thể. Do đó, dễ tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở vùng kín và gây kích ứng ở cơ quan này.
Phụ huynh cũng không nên vệ sinh vùng kín cho trẻ bằng nước muối. Bởi, nước muối mang tính kiềm cao. Độ pH bình thường trong môi trường âm đạo là trung tính.
Ngoài ra, khi vùng kín của trẻ có các triệu chứng như tiết dịch, hăm đỏ hoặc mùi hôi, nhiều mẹ đã rửa vùng kín cho bé bằng lá chè, lá trầu không. Những loại lá có đặc tính kháng khuẩn mạnh, khó pha loãng theo đúng tỷ lệ nên sẽ khiến các bé bị mất cân bằng độ pH âm đạo.
BSCKI Dương Ngọc Vân – Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết, đối với bé gái sơ sinh đến 3 tuổi, mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tắm rửa cho bé. Tiếp theo chuẩn bị 2 chậu nước ấm (nhiệt độ nước khoảng 35 - 38 độ C).
Sau đó, sử dụng khăn xô mềm để lau xung quanh vùng kín cho bé thật nhẹ nhàng. Dùng khăn mềm sạch khác, quấn quanh ngón tay rồi nhúng nước để lau các nếp gấp vùng kín và bẹn của bé.
Lau từ âm đạo ra hậu môn và tuyệt đối không thụt rửa sâu vào trong âm đạo. Không lau theo chiều ngược lại vì sẽ khiến vi khuẩn vùng hậu môn xâm nhập vào âm đạo.
Vệ sinh xong, mẹ có thể tiến hành tắm cho bé như bình thường. Sau đó, dùng khăn mềm sạch thấm khô cơ thể bé và vùng kín rồi mới đóng bỉm, mặc quần áo cho trẻ.
Bác sĩ Vân khuyến cáo, phụ huynh cần vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh mỗi ngày nhất là sau khi thay bỉm để tránh tình trạng bị hăm tã, ngứa ngáy khó chịu. Ngoài ra, nên thay bỉm cho bé khoảng 3 tiếng một lần.
Nên dùng những loại bỉm có bề mặt khô thoáng, mềm mịn và độ thấm hút tốt. Với trẻ 3 tuổi, chất liệu quần lót bên trong nên là loại mềm mại, vừa vặn không thít chặt hoặc quá lỏng, thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi.
“Tùy thuộc vào sự phát triển của mỗi bé mà cách chăm sóc vùng kín sẽ thay đổi theo độ tuổi. Khi bước sang tuổi thứ 4, nhiều bé rất độc lập có thể tự vệ sinh vùng kín hằng ngày mà không cần đến sự trợ giúp từ cha mẹ, nhưng một số khác thì vẫn cần giúp đỡ”, bác sĩ Vân cho biết. Do đó, phụ huynh cần dùng nước mát để rửa sạch xung quanh phần âm đạo cho trẻ. Chỉ dùng nước bình thường. Không được cho thêm bất cứ hương liệu hay hóa chất gì.
Sau đó, sử dụng vòi sen hoặc gáo múc nước dội vào vùng kín của bé với lực nước vừa phải. Không cần tách môi bé và môi lớn ở âm đạo ra để rửa. Dùng khăn khô mềm thấm nước từ trước ra sau rồi mặc quần cho trẻ.
Bên cạnh việc vệ sinh vùng kín hằng ngày, cha mẹ cũng cần quan tâm tới các biện pháp chăm sóc vùng kín cho bé ở độ tuổi này, bao gồm chế độ ăn uống, chọn chất liệu vải quần. Đồng thời, chú ý hơn đến sức khỏe sinh sản của bé để có những biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.
Ở trẻ gái 5 tuổi, hầu hết các bé đã có thể tự mình vệ sinh vùng kín. Trẻ đồng thời có thể dùng sản phẩm vệ sinh cá nhân dành cho lứa tuổi này. Điều quan trọng là các mẹ cần hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách và lựa chọn các sản phẩm phù hợp, lành tính đúng chức năng sử dụng.
Trước tiên, mẹ cần hướng dẫn trẻ các bước vệ sinh vùng kín đúng cách. Khi dùng thêm nước rửa phụ khoa cho trẻ, cần nghiên cứu kỹ bảng thành phần cũng như phương pháp sử dụng để tránh tình trạng kích ứng da của bé.