Hàng chục chai nước trà sữa được chuyển đến những địa chỉ mà bản thân người gọi món nước uống ấy hoàn toàn không hay biết là mình đang tiếp cận với thần chết. Rất tinh vi, Nguyễn Thị Thái Dung đã trộn bột cần sa - một dạng gây nghiện - vào trà sữa để bán cho khách, chủ yếu là học sinh.
Ai cũng biết, trà sữa là loại nước uống khá ưa chuộng và phổ biến của học sinh phổ thông hiện nay. Nắm bắt thị hiếu ấy của lớp trẻ, Nguyễn Thị Thái Dung đã tinh chế cần sa sau đó hòa vào trà sữa trước khi xuất xưởng.
Dung khai, mỗi ngày bán được khoảng 20 chai với giá 150 nghìn - 200 nghìn đồng/chai bằng cách đăng quảng cáo lên Facebook và qua bạn bè giới thiệu. Dĩ nhiên, Dung chỉ quảng cáo với nội dung là mình bán trà sữa thơm – ngon - bổ - rẻ mà thôi. Đã có nhiều thanh thiếu niên và cả khách du lịch tìm đến nhãn hiệu trà sữa của Dung sau một vài lần “nếm thử”.
Sự nguy hiểm của hành vi trộn chất gây nghiện vào món giải khát ưa chuộng này nằm ở chỗ, người uống trà sữa hoàn toàn thụ động khi đưa chất gây nghiện vào cơ thể mình và nghiện trong vô thức. Sự vô nhân đạo chính là ở chỗ này.
Vì nếu khách hàng biết mình uống chất gây nghiện thì có lẽ không mấy người mua trà sữa của Dung. Vì một chút lợi cỏn con, Nguyễn Thị Thái Dung đã làm hại đời bao nhiêu người, mà thành phần bị nghiện vô thức ấy, đa số lại là học sinh. Độc ác hết chỗ nói!
Ma tuý núp bóng dưới nhiều hình thức, bọn buôn bán cái chết trắng này không chừa một thủ đoạn nào. Các loại ma tuý tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, dễ cất giấu, dễ sử dụng, giá thành lại rẻ nên con đường để ma tuý tìm đến trường học khá dễ dàng.
Ma tuý tổng hợp thường xuất hiện dưới những cái tên gây tò mò cho lứa tuổi học sinh, như “tem giấy”, “bùa lưỡi”, “nước vui”, “khô già”… Trà sữa trộn cần sa của Nguyễn Thị Thái Dung cũng thuộc hình thức “núp bóng” này.
Còn nhớ tháng 10/2020, Công an Quận 5, TP HCM cũng đã phát hiện một vụ buôn bán ma tuý dưới hình thức “nước xoài”. Những bịch mang nhãn mác “nước xoài” trông rất bắt mắt được bày bán công khai tại nhiều cổng trường học khiến không ít học sinh “dính bẫy” mà không hề hay biết.
Chúng chia nhỏ ma tuý rồi trộn trong bánh, kẹo và các loại nước hoa quả, bán cho học sinh với giá “phải chăng” nên rất khó phát hiện để ngăn chặn. Cho đến khi các em học sinh bị “lên cơn nghiện” thì thầy cô giáo và cha mẹ với hay.
Bên cạnh việc tuyên truyền về mối nguy hại của ma tuý, nhà trường và các bậc phụ huynh cũng cần cảnh báo con em mình khi sử dụng các loại kẹo bánh và nước trái cây không rõ nguồn gốc. Tốt nhất là cha mẹ các em cũng nên bỏ bớt thói quen phát tiền cho con mình mỗi khi đến lớp học.
Vì các loại ma tuý được núp bóng nước giải khát, giá thành của nó vô cùng rẻ, bất cứ một học sinh nào có vài chục nghìn trong túi cũng có thể mua được.