Mã định danh văn hóa

GD&TĐ - Cùng với việc bàn luận về các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, thì vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa cũng được đặc biệt chú ý.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Với văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc là “nguyên liệu” để Việt Nam hình thành và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Nếu nền văn hóa không giàu bản sắc, chúng ta đã xây dựng chiến lược đi theo một lối khác.

Bởi vậy, cùng với chiến lược đã được xác định - văn hóa truyền thống là trụ cột để phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm “xuất khẩu” các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài, đồng thời là cơ hội để quảng bá nền văn hóa đậm đà bản sắc ra với thế giới.

Thế nhưng, khi nhìn lại “nguyên liệu” văn hóa vốn rất giàu bản sắc của Việt Nam, thấy không ít lo ngại.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, cùng với thành quả phát triển kinh tế thì gần như bản sắc văn hóa Việt Nam đã và đang bị “pha loãng”. Đáng lo ngại hơn, nhiều người trẻ không quan tâm đến văn hóa, không cần biết văn hóa là gì, có ý nghĩa gì với bản thân và xã hội?

Bản sắc của mỗi dân tộc đều được hình thành từ ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng… Sự khác biệt là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Chính vì thế, bản sắc văn hóa dân tộc giống như “thẻ căn cước”, để nhận diện anh là người thuộc dân tộc nào.

Xét nghĩa hẹp, bản sắc dân tộc hình thành và tồn tại trong mỗi cá nhân. Bản thân mỗi người, với vốn văn hóa trở thành “mã định danh” không thể trộn lẫn.

Với người Hàn, người Nhật, chúng ta dễ dàng nhận thấy họ qua cung cách cúi chào hoặc những trang phục truyền thống. Hoặc cũng dễ nhận diện văn hóa của họ qua phim ảnh, qua cách ứng xử nơi công cộng.

Vậy người ngoài nhận diện người Việt và văn hóa Việt ra sao?

Đã có thời gian, người ta nói vui với nhau rằng, sang nước ngoài thấy anh nào khạc nhổ, trộm cắp vặt, xả rác bừa bãi, ăn tục chửi thề… thì 99% là người Việt.

Nói vui, nói đùa nhưng thực ra rất thật! Nó để lại nỗi đau và hình ảnh xấu rất khó gột rửa và sửa chữa. Nó định vị giá trị văn hóa vô cùng yếu kém của người Việt, và ảnh hưởng cực lớn đến hai từ bản sắc.

Nếu như trung tâm của văn hóa là con người, thì cốt lõi văn hóa làm người chính là cách sống và ứng xử giữa con người với nhau và với thiên nhiên. Thế nhưng, chúng ta hãy nhìn lại những điều ấy và tự định vị về bản sắc Việt Nam.

Đành rằng văn hóa Việt Nam bị đứt gãy bởi nhiều nguyên nhân, nhưng tại sao kinh tế có thể phục hồi, khoa học dần phát triển mà văn hóa cứ mãi ì ạch và xuống cấp về đạo đức, lối sống?

Đặt câu hỏi không phải để truy vấn đổ lỗi, nhưng một phần lỗi rất lớn chính từ các bậc cha mẹ. Với quan niệm “trăng đến rằm trăng tròn”, có mấy ai nói với con về văn hóa, về bản sắc? Để rồi khi nhận ra thiếu sót, thì con cái như cái cây đã già không uốn nổi.

Trong suốt 35 năm qua từ khi đổi mới, Nhà nước rất chú trọng văn hóa, không ngừng quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Thế nhưng, xét kỹ chúng ta chỉ thành công ở việc bảo tồn các giá trị về di sản: Di tích, lễ hội, diễn xướng…

Về mặt con người, chúng ta còn quá nhiều hạn chế và rất hiếm để thấy được “mã định danh” văn hóa ở mỗi cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.