Một hình ảnh đẹp, đáng tự hào và noi theo cho thế hệ người trẻ tương lai. Theo suốt hành trình 81 ngày đêm nơi Thành cổ Quảng Trị, chúng ta mới thấy chiến tranh ác liệt đến nhường nào. Và cũng ở đó, bản thân em càng thêm trân quý công lao to lớn mà cha anh ta đã hy sinh để có được hòa bình hôm nay.
Mỗi một cuộc đời là một vở kịch, và để tỏa sáng trong vở diễn của bản thân, ta luôn cần một thứ thiết yếu - lý tưởng sống. Đó là mục đích tốt đẹp mà mỗi con người muốn hướng tới, là đích đến mà mỗi cá nhân mong mỏi đạt được. Có nó, ta mới có thêm động lực trong cuộc sống để đương đầu với mọi nghịch cảnh.
Lý tưởng sống của mỗi người là khác nhau và dĩ nhiên, nó sẽ thay đổi theo thời đại. Lật lại những trang sử hào hùng của một thời để nhớ, về với cuộc kháng chiến chống Mỹ nảy lửa để chiêm nghiệm về lý tưởng sống của người trẻ ngày xưa qua bộ phim “Mùi cỏ cháy”. Tác phẩm được công chiếu vào năm 2012, là “đứa con tinh thần” của nhà thơ, biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Nguyễn Hữu Mười.
“Mùi cỏ cháy” được kể từ ký ức của nhân vật Hoàng, xen kẽ giữa cuộc sống hiện tại của anh với quá khứ chiến tranh. Phim kể về hành trình ra đi bảo vệ Tổ quốc tại thành cổ Quảng trị năm 1972 của bốn chàng sinh viên trẻ tuổi: Hoàng, Thành, Thăng và Long. Xuyên suốt chặng hành trình ấy, họ đã cùng nhau trải qua bao cung bậc cảm xúc đặc biệt dưới sự dẫn dắt của Phong - đại đội trưởng huấn luyện tốc hành và không lâu sau đó, họ được chuyển quân tới mặt trận khốc liệt nhất.
Ở nơi chiến trường bom rơi, lửa đạn ấy đã Thành, Thăng và Long đã “nằm xuống” vì sự nghiệp bảo vệ Đất nước, trong số họ chỉ có Hoàng may mắn trở về trong ngày chiến thắng 30/4/1975. Thế mới thấy, chiến tranh tàn bạo đến nhường nào…
Phim đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem khi đã tái hiện sự ác liệt trong trận chiến 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Vào cái “mùa hè đỏ lửa” định mệnh năm ấy, những người chiến sĩ “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” họ đã anh dũng đứng lên và rồi ngã xuống, mãi nằm lại nơi đáy sông Thạch Hãn, đất Quảng Trị ôm trọn lấy các anh. Bên dưới từng viên gạch được lát ngay ngắn ở nơi thành cổ ngày hôm nay là sự anh dũng, tinh thần chiến đấu quật cường của ông cha ta.
“Mỗi mét vuông tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đây trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót” ([1])
Để có thể tiến vào trận địa Thành cổ, những người lính phải vượt sông Thạch Hãn, nơi đây địa hình hiểm trở khiến cho 58 người hy sinh, chỉ còn lại 49 chiến sĩ. Đã có biết bao người lính không bơi qua được sông, để rồi “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, họ bị chôn vùi dưới đáy bơ vơ, đơn độc và lạnh lẽo. Như một thước phim tua nhanh, bom đạn lần lượt đuổi theo từng dòng người, mặt nước đen kịt thoáng chốc đã sáng rực lên vì bom rơi để rồi loang đỏ máu của không ít người chiến sĩ.
Đã đặt chân vào Thành cổ không khác nào đưa tay cho thần chết dẫn đi. Thế nhưng họ vẫn không dừng chân. Những con người bé nhỏ núp đằng sau những bức tường to lớn đã đổ nát tự bao giờ, thở hổn hển và nguyện cầu có đủ sức mạnh để đánh bại quân địch. Càng về cuối trận, chúng càng không khoan nhượng. Chúng cố gắng gây sức ép cho quân đội ta để đạt được mục đích là cắm cờ lên thành cổ Quảng Trị, đẩy ta vào thế yếu trong cả chiến trường ngoại giao trước khi hội nghị Paris sắp diễn ra.
Những người lính của chúng ta không sở hữu những vũ khí tối tân nhất thời đó nhưng nhờ vào mang trong mình ý chí quật cường và tình yêu nước sâu sắc, bom, pháo hay kể cả là xe tăng của địch cũng không thể khiến họ chùn bước. Đạn và những đồ dùng thiết yếu ngày một khan hiếm, các người lính đã gắng gượng với tất cả những gì còn sót lại. Một người, hai người, ba người rồi cứ thế, chục người ngã xuống nhưng vẫn có những chiến sĩ không tên kiên cường gắng gượng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Dòng sông Thạch Hãn nhuộm đỏ máu, những trận mưa bom bão đạn ầm ầm liên tiếp của kẻ thù, những giọt lệ đau đớn của các chiến sĩ khi phải tự tay đào hố chôn đồng đội để rồi sau đó lại bị bom rơi trúng và tiếng kêu gọi những người thương yêu đau xé lòng của các anh vào phút hy sinh làm không ít người xem phải nghẹn ngào, xúc động.
Ngoài bức họa chiến tranh chân thực đến không tưởng, “Mùi cỏ cháy” còn thể hiện lí tưởng sống của người trẻ thời xưa qua những lát cắt cuộc đời của bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long. Người ta thường nói tuổi mười tám, đôi mươi là độ tuổi đẹp nhất của một đời người. Các thanh niên ở tuổi này căng tràn nhựa sống, hừng hực khí thế, hăm hở cố gắng phát triển bản thân để xây dựng cho tương lai của mình. Thế nhưng những chàng trai trẻ trong phim lại hoàn toàn ngược lại.
(Từ phải sang trái, người thứ 2) Nhân vật Hoàng (hay “Hoàng Khoa Văn”) là một chàng trai giàu cảm xúc, anh có đam mê mãnh liệt với thơ ca, là người luôn truyền lửa tới những người lính qua các bài thơ của mình. |
(Thành thì vui tính, dí dỏm. Anh hoạt bát, thích làm trò, yêu thích văn nghệ và thường xuyên giả gái hát chèo “Thị Màu” để mua vui cho mọi người xem). |
Trái ngược với Thành, Thăng lại là một người trầm tính, sống có vẻ hướng nội nhưng anh lại rất trưởng thành và điềm đạm. |
Và Long - chàng trai bảnh trai sở hữu một trái tim đa cảm. Anh hát và đàn hay, sâu bên trong anh luôn nung nấu khát khao về một tình yêu đẹp. |
Cả bốn chàng trai đều đang là sinh viên nhưng họ đã gác lại việc học hành và lên đường bảo vệ đất nước trong mùa hè rực lửa năm ấy. Đâu phải họ không muốn học tập, không muốn lựa chọn con đường riêng của mình. Chỉ là trong những tháng năm ấy, không ai chọn sống cho riêng mình, khát khao lớn nhất của họ chỉ có đất nước. “Có ai tiếc cuộc sống sinh viên không? Không tiếc! Không tiếc! Không tiếc!”
Trước câu hỏi của Đội trưởng Phong: “Có ai tiếc cuộc sống bình yên không?” Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ. Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em”. |
Có thể nói sự đánh đổi của họ giống như một cuộc trao đổi công bằng vậy. Họ đã đánh đổi biết bao nước mắt, mồ hôi, máu, cảm xúc và cả thể xác của chính họ để đổi lấy những bài học kinh nghiệm vô giá, những phẩm chất đáng quý và hơn thế nữa - hòa bình của đất nước.
Không chỉ vậy, họ đã vượt qua những nỗi sợ, những chông gai tưởng chừng như không thể vượt. Đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, họ có sợ chứ, ai mà lại không sợ thần chết? Tuy vậy, nhờ tình yêu nước cháy bỏng trong những người lính mà họ vực dậy qua bao đêm rét căm, mưa trắng xóa, bom rơi bão đạn, đinh tai nhức óc và tất thảy những vũ khí tối tân nhất của quân thù.
Đứng tại “Cối xay thịt người”, trong lòng các chàng trai trẻ luôn canh cánh nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thương và nóng lòng đến ngày được trở về. Tuy vậy, họ cũng rất thực tế, họ hiểu rõ rằng đây là chuyến đi không hẹn ngày trở lại. Điều này được thể hiện ở những chi tiết như họ luôn suy nghĩ về cái chết, đến cả trong những cuộc đối thoại thường ngày họ cũng nhắc đến nó.
Họ không ngại nói về nó và thậm chí còn nói một cách nhẹ như bẫng. Làm lính tức là không dám hứa ngày trở về, số phận của họ như đã được định sẵn, mông lung và không được báo trước. Thăng run rẩy viết thư cho mẹ ngay giữa chiến trường khi biết mình không thể sống sót trở về. Còn Thành thì cất tiếng gọi to “Mẹ ơi!” đau xé lòng khi hy sinh ngay giữa mặt trận bụi mù khói bom…
Hoàng, Thành, Thăng, Long đã đại diện cho lớp người trẻ của xã hội lúc bấy giờ để cất lên lý tưởng sống cao đẹp của mình: Họ lựa chọn những điều lớn lao chứ không sống cho riêng mình và sẵn sàng trao đi tất cả kể cả khi họ cảm giác như chẳng còn gì. Họ đã sống và chết thật đẹp!
“Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Chúng tôi đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi 20 ai mà chẳng tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc?” ([2])
Quay trở lại với thực tại, về với thời bình, người trẻ mang nhiều lý tưởng sống khác nhau, tuy nhiên, một trong những lý tưởng sống đáng lo ngại của họ chính là “Được đến đâu thì hay đến đó”. Điều này có nghĩa là họ sống một cách nhạt nhòa, không có chí tiến thủ, không quá để tâm đến những gì mình có hiện tại. Ở thời đại công nghệ số hiện đại, cái gì cũng có sẵn, tiện lợi và nhanh chóng khiến họ hình thành lối tư duy vô lo vô nghĩ.
Đối với đồng tiền, họ cho rằng tiền nhiều hay ít cũng không sao, chưa quan trọng. Họ phụ thuộc nhiều vào người khác, sống lênh đênh và trôi dạt. Không chỉ thế, họ mang trong mình thái độ dậm chân tại chỗ, ở mãi trong “vùng an toàn” của mình. Đơn giản vì họ nghĩ, ở đó họ có thể tự do vẫy vùng mà không cảm thấy lo sợ, không bị áp lực đè nén và luôn kiểm soát được mọi vấn đề.
Những khoảng thời gian họ mải mê với biết bao thú vui trên đời, nhàn rỗi và thờ ơ sẽ được đánh đổi bằng sự khó nhọc đặt trên đôi vai họ sau này. Đến khi đặt chân vào thế giới của người trưởng thành, hầu hết ai trong số họ cũng phải sử dụng đến tiền bạc. Một tờ giấy mỏng dẹt như vậy thôi nhưng lại có sức mạnh vô cùng khủng khiếp.
Trên các trang báo cũng như trang mạng xã hội những năm qua luôn cập nhật không biết bao nhiêu vụ việc người nhà vì tranh chấp tài sản mà chém giết lẫn nhau. Chẳng hạn như vào năm ngoái, tại thành phố Hải Dương, chỉ vì tranh giành đất đai mà người anh trai đã chém em ruột không thương tiếc, khiến người em tử vong tại chỗ. Thứ mà những người trẻ đang nghĩ rằng là “nhiều hay ít cũng không sao” hoàn toàn có thế khiến anh, chị em ruột thịt trong nhà xa mặt cách lòng, thậm chí là làm hại nhau, đưa một mối quan hệ lâu năm trở về vạch xuất phát.
Tiền, suy cho cùng luôn luôn cần thiết, có nó thì mới không bị làm phiền bởi thiên hạ. Những người lựa chọn sống an nhàn thời trẻ rồi sẽ phải trả giá đắt khi về già. Khi sức lực không còn nhiều, nhiệt huyết tuổi trẻ năm nào cũng không đủ quyết liệt, để rồi chỉ biết thở than:
“Ta đã làm chi đời ta?”. Trong cuốn sách “Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ” của Cảnh Thiên có một câu nói rất hay: “Trên thế gian không nơi nào bán thuốc hối hận, đó chỉ là lời cảnh tỉnh, cũng là lời khích lệ”. Mong sao những người trẻ đang giữ trong mình thái độ “được đến đâu thì hay đến đó” sẽ không để “nước đến chân mới nhảy”, không để nuối tiếc về sau này.
Bên cạnh những người trẻ sống vô tư, vẫn có những người đang cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Có không ít thanh niên nỗ lực từng ngày để có được một phiên bản tốt hơn của chính họ. Họ vẽ ra mục tiêu rõ ràng cho mình, mong muốn kiếm thật nhiều tiền để “gió tầng nào gặp mây tầng đó”, có gia đình hạnh phúc và cuộc sống ổn định. Gần đây, tại Hà Nội, rất nhiều các bạn học sinh trường chuyên giành được học bổng của các trường đại học danh giá, top đầu thế giới.
Phải kể đến các bạn như Vũ Ngọc Lan Nhi, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội) trúng tuyển vào Trường Grinnell College (top 11 Liberal Art College) với học bổng bằng 95% học phí tương đương hơn 6 tỷ đồng. - Theo Tin giáo dục Hà Nội. Hay bạn Đinh Tiến Đạt, lớp 12A1, trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, trúng tuyển Đại học Brandeis - trường top 60 tại Mỹ, được ví như "Ivy League cho người Do Thái", với học bổng và hỗ trợ tài chính hơn 6 tỷ đồng, tương đương 80% học phí. - Theo Tin giáo dục Hà Nội.
Khép lại “Mùi cỏ cháy” bằng hình ảnh đoàn xe tăng Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Bộ phim đã để lại ấn tượng và thông điệp có giá trị, hình ảnh những người lính mang ý chí, quyết tâm bảo vệ hòa bình. Và nổi bật hơn, là hình ảnh những sinh viên khoác lên mình màu áo lính, xung phong ra nơi đầu chiến trận. Mình đã lựa chọn tác phẩm này vì nó không những để lại nhiều giây phút quý giá cho người xem và đem đến một bức tranh vô cùng chân thực, sâu sắc về lí tưởng sống của người thanh niên mà còn khiến ta càng trân quý hòa bình hiện tại, càng nâng niu những gì ta đang có hơn.
Đồng thời, bộ phim cũng là một lời khuyến khích, động viên thế hệ trẻ góp sức xây dựng đất nước trong bối cảnh không còn khói bom mù mịt. Những mầm non của đất nước cần chăm chỉ cố gắng mỗi ngày để có thể góp phần vào công cuộc phát triển, làm cho đất nước thêm giàu đẹp. Như Bác Hồ kính yêu đã từng nói:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Bên cạnh đó, các thanh niên cũng cần tránh lối sống vô định, thay đổi tâm thức để có thể “tỏa sáng trong vở diễn đời mình”.
[1] Trích từ Báo Quân đội Nhân Dân. 9/8/1972
[2] Bài thơ “Khúc bảy” của nhà thơ Thanh Thảo (1977)