- Là nhà bảo trợ cho quỹ Cinefondation, chị nghĩ sao trước nhận xét "Liên hoan phim Cannes đang bị biến thành nơi có tiền là vào được" của một đạo diễn Việt?
- Câu chuyện này có rất nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn và cần phải xem người nhìn việc đó trong trường hợp nào, vị trí của họ ra sao. Tôi không thể nói để khán giả hiểu rõ được. Nhưng có một điều nên hiểu rằng, không phải việc gì có tiền cũng làm được.
Khi làm nhà bảo trợ cho quỹ Cinefondation, tôi học được rất nhiều điều về cuộc sống, con người và nhất là quen biết những người có tâm huyết với điện ảnh. Họ có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật mà không bao giờ màng đến sự nổi tiếng đơn thuần. Điều họ nghĩ đến là làm được gì cho tương lai điện ảnh của đất nước, của thế giới và tạo được tư duy tốt cho thế hệ mới.
Người đẹp khoe dáng trên thảm đỏ Cannes và được tạp chí, kênh thời trang của nước ngoài phỏng vấn. Ảnh: Lê Thiện Viễn
- Với nhận xét Lý Nhã Kỳ tham gia Cannes chỉ để phô trương váy áo chứ không quan tâm đến phim ảnh, chị nói gì?
- Tôi không phải ban giám khảo Liên hoan phim hay là nhà phê bình điện ảnh... để mỗi ngày phải đến xem và bình luận các tác phẩm. Tôi cũng không có nhiều thời gian đến mức mỗi ngày lên trên trang cá nhân bày tỏ cảm xúc về việc hôm nay đã xem phim gì, hay hay dở, cách làm phim ra sao, Việt Nam mình nên học hỏi gì? Bởi tôi biết nên và phải làm gì cho đúng vai trò của mình.
Cannes là sự kiện lớn và uy tín trên thế giới nên mọi khách mời, khán giả tới dự đều phải ăn mặc thật trang trọng . Trong lịch sử, Cannes còn có những quy định ngặt nghèo về trang phục, ví dụ không cho các quý cô đi giày bệt, không cho các quý ông không mặc vest hoặc không đeo nơ vào thảm đỏ.
Ngay cả nhiếp ảnh gia, phóng viên cũng phải mặc lễ phục. Các ngôi sao được ban tổ chức mời hay khách VIP tại Cannes càng cần phải ý thức hơn về việc mặc đẹp. Như mọi người thấy, có nhiều ngôi sao không có phim tham dự nhưng khi đến với tư cách khách mời, họ vẫn ăn mặc vô cùng lộng lẫy.
Mặc đẹp ở Cannes không phải để khoe váy áo mà thể hiện bạn là người văn minh, hiểu biết và nghiêm túc khi tham gia sự kiện. Nó cũng là sự tôn trọng đối với diễn viên, đoàn làm phim và ban tổ chức cũng như những người đang theo dõi sự kiện này. Còn nếu khoe váy áo ở Cannes mà truyền thông, giới chuyên môn, ban tổ chức không biết mình là ai thì bạn chẳng gặt hái được điều gì ngoài những tấm ảnh kỷ niệm.
Ban tổ chức Cannes sắp xếp một vệ sĩ chăm sóc riêng cho Lý Nhã Kỳ suốt Liên hoan phim. Ảnh: Lê Thiện Viễn
- Chị nghĩ gì trước những lời so sánh mình và Angela Phương Trinh trên thảm đỏ Cannes?
- Tôi và bé Trinh khác nhau về thế hệ, kinh nghiệm và thành tựu. Như cách người ta thường gọi, tôi là "đàn chị" của cô ấy. Vì thế, việc mang tôi và bé Trinh ra đặt lên bàn cân có thể vô tình làm tổn thương Trinh. Với tôi, Angela Phương Trinh xinh đẹp, thông minh, có hoài bão nhưng em cần thêm thời gian để biến ước muốn thành sự thật.
- Khán giả những ngày qua bàn tán về chuyện ban tổ chức " dọn sạch thảm đỏ " để một khách mời Việt Nam có chỗ chụp hình đẹp nhất. Chị nghĩ gì về tin đồn này?
- Theo kinh nghiệm đi thảm đỏ Cannes nhiều năm, tôi nghĩ không có chuyện "dọn thảm" như vậy. Thảm đỏ vốn rất dài của Cannes thực tế không có vị trí nào gọi là đẹp nhất bởi hai bên có hàng trăm nhiếp ảnh dàn hàng đều nhau, ở đâu cũng có thể coi là vị trí đẹp. Việc muốn đứng ở đâu, có nhận lời dừng chân tạo dáng của nhiếp ảnh gia khu vực đó hay không là do ý muốn của bạn.
Tất cả mọi người, từ ngôi sao, khách VVIP (viết tắt của cụm từ "Very Very Important Person" để chỉ những nhân vật rất nổi tiếng và quan trọng, được ban tổ chức của sự kiện tiếp đãi theo cách luôn đặc biệt hơn các nhân vật tham dự) đến khán giả, đều có thể đi thảm đỏ, miễn là có vé mời.
Tuy nhiên, có sự phân biệt rất rõ ràng. Nếu là ngôi sao hay nhân vật VVIP, bạn sẽ được MC đọc tên trang trọng, được người điều phối dẫn đường, sắp xếp khán giả đứng tránh qua một bên, hoặc nhân vật đó được dừng lại trên thảm đỏ để có không gian chụp hình thoải mái hơn. Họ sẽ sở hữu những chiếc vé ghi tên và ghế ngồi rõ ràng. Họ cũng có lối đi riêng khi ra về. Khán giả có thể chụp hình trên thảm đỏ, miễn là không gây ánh hưởng các ngôi sao.
Đoàn phim - những nhân vật quan trọng nhất - sẽ xuất hiện cuối cùng để kết thúc thảm đỏ và báo hiệu bắt đầu đến giờ công chiếu phim. Trước khi đoàn phim xuất hiện, bộ phận điều phối mới thực sự "dọn thảm". Thảm đỏ lúc đó là trống người nhất.
- Chị và các khách mời phải tuân thủ quy định chụp hình trên thảm đỏ ra sao?
- Bình thường, các ngôi sao có mặt trên thảm đỏ vào khoảng 15-20 phút sau giờ khai mạc. Mọi người luôn ý thức đến đúng giờ nhất có thể bởi tất cả hoạt động trên thảm đỏ sẽ kết thúc 5 phút trước khi đoàn phim xuất hiện.
Nếu thương hiệu hoặc nhà tài trợ nào muốn chụp quảng cáo với sao đại diện thì phải liên hệ với ban tổ chức rồi yêu cầu sao đó đến trước giờ đi thảm đỏ. Việc này giúp ê-kíp có không gian đủ rộng để tạo dáng, chụp hình. Đến giờ chính thức lên thảm đỏ, các ngôi sao có thể xuất hiện lại lần nữa nếu muốn.
Cựu đại sứ du lịch Việt Nam tự hào vì được gặp "ông trùm" Cannes khi tới Liên hoan phim năm nay. Ảnh: Lê Thiện Viễn
- Chị gặp áp lực gì khi tới thảm đỏ quốc tế nói chung và Cannes nói riêng?
- Tôi không có thói quen tự tạo áp lực cho mình. Thay vào đó, tôi cố gắng hoàn thành mọi thứ tốt nhất có thể, không bao giờ làm quá khả năng của mình. Điều khiến tôi vui nhất mỗi lần xuất hiện thảm đỏ quốc tế là được mọi người giới thiệu mình đến từ Việt Nam, quen biết được nhiều bạn bè thế giới, nghe những lời khen về đất nước, con người, ẩm thực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, họ còn bày tỏ việc muốn đến thăm Việt Nam càng sớm càng tốt. Ở một góc độ nào đó, tôi nghĩ đó cũng là một thành công của chuyến đi.
Là nhà tài trợ cho tổ chức Cinefondation nhưng do công việc quá bận, đến hơn một tháng trước Liên hoan phim Cannes tôi mới quyết định tham dự sự kiện. Cũng may mắn, vì đang kinh doanh kim cương và thời trang, việc chuẩn bị trang phục, trang sức cho chuyến đi không phải là chuyện khó khăn với tôi. Tôi nhận được sự hỗ trợ hết mình từ các nhà mốt.