Chiều 3/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần tranh luận trong phiên xử phúc thẩm ly hôn giữa bà Lê Hoàng DiệpThảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên).
Sau phần nêu ý kiến của bên nguyên đơn là bà Thảo, các luật sư của bị đơn (ông Vũ) đã đưa ra nhiều quan điểm phản bác lại.
Thứ nhất, các luật sư không đồng tình về kháng cáo của bà Thảo cho rằng bản án sơ thẩm đã vi phạm tố tụng, không đình chỉ vụ án mà cưỡng ép ly hôn, không cho gia đình đoàn tụ. Vì bà Thảo là người chủ động làm đơn xin ly hôn, sau đó còn bổ sung đơn ly hôn hai lần suốt quá trình hơn ba năm tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết.
Suốt thời gian đó, bà Thảo nhiều lần thể hiện rõ ý chí kiên quyết ly hôn bằng được với ông Vũ trong các biên bản làm việc tại tòa. Đáng chú ý là bà Thảo từng khẳng định ly hôn với ông Vũ là một quyết định sáng suốt...
Thứ hai, mâu thuẫn giữa bà Thảo không chỉ với ông Vũ mà còn với tất cả cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên rất trầm trọng. Họ không thể có tiếng nói chung trong hợp tác điều hành tổ chức sản xuất, kinh doanh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tồn tại của Trung Nguyên.
Cụ thể, trong thời gian qua đã xảy ra gần 20 vụ kiện tố cáo sai sự thật giữa Trung Nguyên với bà Thảo, trong đó 13 vụ bà Thảo khởi kiện và tòa án các cấp đã ban hành 13 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Riêng vụ kiện ly hôn, tòa án đã ban hành năm quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với cá nhân ông Vũ. Cạnh đó, ông Vũ rất đau khổ khi bà Thảo là vợ lại làm đơn gửi tòa yêu cầu tuyên bố ông mất năng lực hành vi dân sự.
Bà Thảo sau phiên tranh luận ngày 3/12. Ảnh: HY.
Cuối cùng, luật sư phía bị đơn cũng không đồng tình khi bà Thảo cho rằng tòa không định giá cổ phần và phần vốn góp. Khối tài sản chung của vợ chồng là giá trị cổ phần và phần vốn góp trong Tập đoàn Trung Nguyên đã được tổ chức thẩm định giá xác định là 5.600 tỉ đồng.
Nguyên đơn là bà Thảo và ông Vũ đều đồng ý với kết quả thẩm định giá, do đó bản án sơ thẩm căn cứ vào kết quả định giá tài sản để xét xử là đúng quy định. Kết quả định giá này được phía bà Thảo đồng ý và không có yêu cầu bổ sung hoặc thắc mắc gì về kết quả định giá suốt gần một năm kể từ khi tiến hành định giá cho đến khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm.
Ngoài ra, người đại diện của bà Thảo đã xin rút hết tất cả khiếu nại về kiểm toán, đồng ý với toàn bộ kết quả định giá tài sản trị giá cổ phần ở các công ty như chứng thư thẩm định giá. Bà Thảo cho rằng HĐXX sơ thẩm không áp dụng đúng Điều 46 Luật Hôn nhân và Gia đình và làm trái quy định của Luật Doanh nghiệp cũng không chính xác.
Đây là vụ án tranh chấp tài sản khi ly hôn chứ không phải tranh chấp giữa các thành viên trong công ty là cổ đông giữa bà Thảo và ông Vũ theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, tòa cấp sơ thẩm áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình để phân chia tài sản chung của vợ chồng đối với phần tài sản này là đúng...
Cạnh đó, cơ sở để ông Vũ yêu cầu được tiếp nhận sở hữu toàn bộ số cổ phần được chia của bà Thảo là do bà Thảo và gia đình đã thành lập doanh nghiệp riêng, sản xuất sản phẩm cùng loại King Coffee để cạnh tranh với Trung Nguyên.
Trường hợp để bà Thảo tiếp tục là cổ đông ở Trung Nguyên khi không còn quan hệ vợ chồng với ông Vũ thì Tập đoàn Trung Nguyên sẽ rơi vào tình trạng rất nguy hiểm với hậu quả không lường trước...
Việc tòa chấp nhận giao cho ông Vũ sở hữu số cổ phần của bà Thảo và thanh toán lại giá trị bằng tiền cho bà Thảo là xác đáng. Điều đó tạo điều kiện để ông Vũ tiếp tục giữ vai trò là người quản lý, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên khắc phục khó khăn giai đoạn qua.
Tại tòa, ông Vũ khẳng định không có bà Thảo Tập đoàn Trung Nguyên vẫn tồn tại và phát triển bình thường. Ông Vũ nhấn mạnh không thể nào phủ nhận công sức đóng góp của cha mình khi hình thành và phát triển Trung Nguyên ngày nay. Bà Thảo mãi sau này mới có cổ phần trong Trung Nguyên.
Trước đó, các luật sư bảo vệ cho bà Thảo cho rằng trong phiên tòa sơ thẩm, khi bà Thảo có mong muốn rút đơn xin ly hôn, thẩm phán đã giải thích việc rút đơn của bà Thảo sẽ thay đổi tư cách tố tụng của bà Thảo nếu ông Vũ không đồng ý. Đó là lý do khiến bà Thảo giữ nguyên yêu cầu khởi kiện xin ly hôn, trái với mong muốn của bà Thảo muốn rút đơn xin ly hôn để được đoàn tụ với ông Vũ.
Về tỉ lệ đóng góp trong khối tài sản chung, luật sư của bà Thảo cho rằng bản án sơ thẩm đánh giá công sức của ông Vũ đóng góp vào khối tài sản chung của hai vợ chồng nhiều hơn bà Thảo là không có căn cứ pháp luật, không phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.
Xét về công sức đóng góp của mỗi người thì bà Thảo còn phải được phần hơn vì là một phụ nữ vừa phải thực hiện thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng bốn người con nhưng bà vẫn tham gia điều hành, quản lý các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Suốt thời gian ông Vũ thiền trên núi thì một mình bà Thảo phải chăm sóc các con và điều hành các công ty.
Về vấn đề giám định năng lực hành vi dân sự của ông Vũ, luật sư của bà Thảo cho rằng phiếu khám sức khỏe tâm thần của ông Vũ và kết luận giám định sức khỏe đó không được cấp sơ thẩm thu thập theo luật định nên không được coi là kết luận giám định hay nguồn chứng cứ để không cần trưng cầu giám định lại theo yêu cầu của bà Thảo.
Cạnh đó, luật sư của bà Thảo cho rằng kết quả thẩm định giá chính là công ty thẩm định giá không định giá về các quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu Trung Nguyên, G7, Legend, Trung Nguyên Legend... thuộc sở hữu của Tập đoàn Trung Nguyên. Các chứng thư thẩm định giá không ghi nhận giá trị các thương hiệu của Tập đoàn Trung Nguyên.
Ngoài ra, luật sư cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, không đúng sự thật khách quan, bỏ sót người tham gia tố tụng, trong quá trình khởi kiện việc thu thập chứng cứ không đầy đủ của nguyên đơn, yêu cầu của bị đơn chưa được thu thập đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, luật sư bảo vệ cho bà Thảo đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho TAND TP.HCM giải quyết lại.
Ngày 4/12, phiên xử sẽ tiếp tục với phần đối đáp giữa các bên.