Ly kỳ chuyện săn “ma gà”

Vào những ngày cuối năm, tại bản Cỏi nằm sâu trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), người dân ở khắp nơi đổ xô về săn lùng và tìm mua gà chín cựa. 

Gà chín cựa được nuôi thả tự nhiên ở vùng núi Xuân Sơn.
Gà chín cựa được nuôi thả tự nhiên ở vùng núi Xuân Sơn.

Loại gà này được cho là chỉ có ở trong truyền thuyết và từng là lễ vật thách cưới của Vua Hùng với hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh. Hiện nay, loại gà được cho là vua của các loại gà lại hiện hữu thật sự trong cuộc sống. 

Thịt gà không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng, mà nó còn mang ý nghĩa may mắn và sung túc cho những gia đình nào sở hữu và thưởng thức gà chín cựa vào bữa cơm đầu năm. Song, để có thể sở hữu được “vua gà” này không phải là một điều đơn giản.

Chi 100 triệu để được làm “vua ăn gà”

Bản Cỏi, một bản nhỏ của người Dao nằm lọt thỏm giữa đại ngàn của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Chỉ có khoảng hơn 60 hộ dân sinh sống, bởi vậy không khó hiểu vì sao ở bản Cỏi mới chỉ có đường bê tông được vài năm nay. 

Khó khăn là vậy, nhưng hơn chục năm trở lại đây, người dân ở khắp nơi đều biết đến bản Cỏi, một địa phương sở hữu được giống gà chín cựa truyền thuyết. 

Thế nhưng, cũng chỉ dừng lại ở việc biết, còn việc mục sở thị loại gà này những năm trước không hề là chuyện đơn giản. Từ khi có đường bê tông, tiếng tăm của gà chín cựa cũng theo đó mà lan truyền rộng rãi.

"Không biết giống gà chín cựa này xuất hiện ở bản từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ khi sinh ra cho đến giờ đã gần 80 tuổi, là từng ấy năm tôi nhìn thấy những con gà chi chít cựa sống ở mảnh đất này. 

Mấy năm trước, nhiều người ở Hà Nội lên bản tìm hiểu và nghiên cứu về giống gà chín cựa ở bản Cỏi, nhưng sau đó chẳng thấy họ quay lại nữa. 

Thay vào đó là sự xuất hiện của hàng loạt những người lạ mặt, họ đến đây lùng sục và tìm mua gà. Nhiều người đến, họ may mắn được thưởng thức, hoặc mua được con gà quý. Nhưng cũng có nhiều người đến và trở về với tay không" - Cụ Bàn Văn Chi, 80 tuổi, một người dân bản Cỏi cho hay.

Những năm gần đây, đặc biệt là vào độ gần tết, nhiều đại gia lại rỉ tai nhau tìm về bản Cỏi "săn" gà tiến vua. Họ sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng, thậm chí có nhiều đại gia mạnh tay, chi đến cả 100 triệu đồng, với mong muốn được thưởng thức và sở hữu một chú gà chín cựa thực thụ và ước mơ một lần được "trở thành vua". 

Thế nhưng, ở bản này, gà nhiều cựa lắm cũng chỉ có đến tám cái, nhiều nhất là trong khoảng sáu - bảy - cái cựa, hiếm lắm mới có con chín cựa. 

Nhiều thương lái, lùng sục khắp bản để thu mua, đổi chác, mang đi khỏi bản những con gà chín cựa và biến nó thành một món hàng xa xỉ. Cứ thế, gà trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Chia tay cụ Chi, chúng tôi tìm đến gia đình Trưởng bản Cỏi Đặng Vĩnh Phúc. Những người ở đây cho biết, gia đình ông Trưởng bản này hiện là hộ còn nuôi được nhiều gà tiến vua nhất. 

Biết là có nhà báo đến thăm, ông Phúc đon đả chạy ra mời chúng tôi vào nhà. Vừa đi ông vừa bảo: "Các chú thông cảm, mấy hôm nay khách ở dưới xuôi lên đây "săn" gà chín cựa nhiều quá, làm tôi loay hoay chóng cả mặt. 

Thú thực, giờ cũng có gà đâu mà bán, vài con còn lại tôi để làm giống. Mấy anh đấy cứ đòi mua, nhưng tôi không bán. Nếu bán sẽ mất hết giống, giờ tìm gà chín cựa để nhân giống cũng khó hơn trước rất nhiều. 

Nể các anh ấy lặn lội đường sá xa xôi lên tận đây, nhưng cũng không có cách giúp họ. Ở bản, nhà nào có gà chín cựa là tôi giới thiệu họ đến đó. Còn việc họ mua được gà hay không, đó là việc thỏa thuận với người nuôi".

Những điều khó lý giải

Tiếng đồn về việc ở bản Cỏi xuất hiện gà tiến vua trong truyền thuyết khiến nhiều thương gia đến lùng mua gà chín cựa đem về xuôi bán kiếm lời. 

Gà chín cựa cũng nuôi như gà nhà, chỉ ăn thóc, ăn ngô, rồi ngủ trên cây. Tuy nhiên, tập tính của nó lại khác, chỉ ở môi trường tự nhiên thì mới phát triển và tồn tại được. 

Hiện nay, nhu cầu người dân tìm mua gà chín cựa tăng cao, vì thế giá của loại gà này cũng được tăng theo từng mùa. Đến tận bản, người ta mua được gà với giá gốc, nhưng cũng tùy vào số cựa của gà mà giá cả tăng theo đó. 

Với loại năm - sáu cựa giá dao động từ 400 - 500.000 đồng /kg. Loại bảy cựa có giá 900 - 1 triệu đồng/kg. Còn nếu gà tiến vua mà tám cựa giá sẽ từ 2 - 3 triệu đồng /kg. Nhà nào may mắn sở hữu được một con gà có chín cựa, coi như đào được vàng, vì lúc đó gia chủ có thể tự do "phát" giá.

Bên cạnh việc thương lái và các đại gia tìm đến bản Cỏi tận thu gà chín cựa, cùng với việc đại dịch hoành hành, số lượng gà chín cựa ở Xuân Sơn hiện nay đã giảm một cách đáng kể. 

Ở bản Cỏi, đã xuất hiện các cửa hàng chuyên săn lùng và thu mua gà, nhiều quán đặc sản núi rừng cũng mọc lên quanh khu vực trung tâm xã với món đặc sản chính là gà chín cựa. Thứ báu vật truyền thuyết của vua Hùng, nay được coi như báu vật của vùng núi cao Xuân Sơn, vì thế ngày càng ít ỏi.

"Người Dao chúng tôi rất tôn sùng gà chín cựa, nó rất thông minh và gần gũi với con người. Người Dao coi trọng gà chín cựa như vậy bởi nó là con của thần rừng, thần núi. 

Và cũng chính vì lý do đó, loại gà tiến vua này đã bị nhiều lái buôn và không ít du khách thập phương tìm mua ráo riết. Tuy nhiên, cứ theo đà này, tôi nghĩ chẳng mấy chốc bóng dáng gà tiến vua sẽ biến mất khỏi cộng đồng người Dao ở Xuân Sơn. 

Bởi thế, tôi cùng các lãnh đạo và những người có chức sắc trong thôn đang phải tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu và gìn giữ cẩn thận thứ báu vật trời cho trên mảnh đất thâm sơn cùng cốc này" -Trưởng bản Phúc tâm sự .

Cùng trăn trở với ông Phúc và thấy được lợi nhuận mang lại từ gà chín cựa, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà chín cựa với số lượng lớn. 

Nuôi tự nhiên có, nuôi công nghiệp cũng có, nhưng bản tính vốn sống tự nhiên, nên cứ 10 con giống mang đi khỏi bản thì chết đến 9 con. 

Người dân trong bản thấy lợi nhuận từ gà chín cựa, cũng bắt đầu tập trung nuôi nhốt chúng. Nhưng cũng chỉ được dăm ba ngày là chết dịch... nhiều con bị cuồng chân, đập cánh bay loạn xạ đến gãy cả xương, rồi chẳng thiết ăn uống gì. Thế rồi, mọi người lại thả, gà lại bay vào rừng cho đến tối mịt mới tìm đường về.

Điều này thật lạ lùng, nhưng nó cũng là lời lý giải vì sao không đâu khác, chỉ núi rừng Xuân Sơn, chỉ cái bản Cỏi heo hút giữa đại ngàn, giữa những dãy núi điệp trùng kia mới có loại gà kỳ dị, loại gà được mệnh danh là vua của các loại gà.

Gà tiến vua đem lại nhiều may mắn?

Lại gần một vị đại gia bắt chuyện, chúng tôi được biết anh tên Huy, một doanh nhân ở đất Hà thành. Anh bảo: "Tôi lên đây từ hôm qua đấy, ngủ lại một đêm định tìm mua gà chín cựa để thưởng thức và làm quà biếu trong dịp Tết này. 

Phải vất vả lắm tôi mới mua được một đôi gà với giá gần chục triệu đồng. Mà đây cũng chưa phải là gà chín cựa xịn, nó chỉ có tám cựa thôi. Nhưng, tôi mua được cũng là may mắn hơn nhiều người khác. 

Giống gà này ở Hà Nội cũng có, nhưng toàn gà chín cựa màu trắng. Đã là gà chín cựa thì lông nó cũng phải đủ 5 màu, tượng trưng cho ngũ hành, như vậy nó mới may mắn và, chỉ lên bản Cỏi mới có thôi”.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ