Thông thường, các cặp vợ chồng này sẽ ly hôn trong vòng 1 - 5 năm chung sống. Vậy nguyên nhân từ đâu và giải pháp nào cho hôn nhân bền vững?
“Cả thèm chóng chán”
Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TPHCM (2023), mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt kết hôn và tỷ lệ ly hôn là 600.000 cặp, như vậy bình quân 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn.
Kể về cuộc hôn nhân chỉ kéo dài trong 11 tháng ngắn ngủi, Nguyễn Vương Hà (25 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, cô hoàn toàn “vỡ mộng” với cuộc sống sau khi kết hôn.
Bỏ dở việc học đại học vì “trót dại” có thai ngoài ý muốn, chị Vương Hà kết hôn với bạn trai khi đó cũng chỉ mới 20 tuổi. Thế nhưng, cuộc sống chung không chỉ toàn màu hồng, nhất là đối với những người ở độ tuổi còn non nớt, chưa có nhiều trải nghiệm trong các quan hệ xã hội.
“Đang là sinh viên đại học, tôi phải nghỉ để ở nhà dưỡng thai và sinh con. Điều này khiến tôi gặp nhiều bất ổn về tâm lý mà không biết chia sẻ với ai. Bạn ấy thì ngày đi học, tối về đi đá bóng, chơi điện tử… hoàn toàn không phụ giúp việc nhà, cũng không quan tâm, chăm sóc hai mẹ con tôi.
Ở một góc độ khác, bạn ấy lại thấy tôi hay cáu gắt, mất kiểm soát, không còn hiền dịu như lúc mới yêu. Từ đó, chúng tôi liên tục có những cuộc cãi vã, thậm chí là những trận ẩu đả. Và rồi điều gì đến cũng đến, chúng tôi ra toà ly hôn khi em bé mới được vài tháng tuổi”, chị Vương Hà buồn rầu tâm sự.
Kết hôn năm 26 tuổi, không còn ở độ tuổi quá trẻ, đã có sự nghiệp riêng song cuộc sống hôn nhân của chị Hoàng Thu Phương cũng không kéo dài lâu. 2 năm sau khi kết hôn, chị Thu Phương phát hiện chồng ngoại tình. Không có tài sản chung, chưa có con, những ràng buộc sâu sắc không chi phối, vì vậy chị Phương cùng chồng nhanh chóng ra toà và “đường ai nấy đi”.
Mâu thuẫn từ ngoại tình, điều kiện kinh tế, sự khác biệt về lối sống là một số nguyên nhân được đưa ra trong các vụ ly hôn ở độ tuổi từ 18 - 30.
Theo số liệu thống kê, những người trẻ có độ tuổi từ 18 - 30 được xếp vào nhóm có tỷ lệ ly hôn cao nhất, với tỷ lệ lên tới 70%. Đặc biệt, nhóm tuổi này có xu hướng ly hôn trong khoảng thời gian từ 1 - 5 năm chung sống, chiếm đến 60%. Thậm chí có những trường hợp ra toà chỉ sau vài tháng, vài tuần hoặc vài ngày sau kết hôn.
Những góc nhìn đa chiều
Lý giải về tỷ lệ “ly hôn xanh” ở người trẻ đang ngày càng có xu hướng gia tăng, Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Liên, giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã đưa ra một số nguyên nhân dưới góc độ tâm lý học.
Thứ nhất, xã hội phát triển dẫn đến góc nhìn, tư duy của con người có những chuyển biến nhất định. Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Liên giải thích, trong xã hội truyền thống, người Việt Nam xưa vẫn luôn giữ những phong tục, nghi thức cưới hỏi như dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, rước dâu, đãi tiệc, lại mặt…
Nói cách khác, việc kết hôn không chỉ là câu chuyện giữa hai người mà còn là sự liên kết, ràng buộc giữa hai bên gia đình, họ hàng nội ngoại bốn bên. Bên cạnh đó, xã hội trước đây có cái nhìn vô cùng gay gắt, khắt khe với người phụ nữ. Vì vậy, khi có xung đột xảy ra, nhiều người vì sợ mất thể diện của gia đình nên không thể hoặc không dám ly hôn.
Trái lại, trong xã hội hiện đại, khi tự do cá nhân được đề cao, sự khác biệt được tôn trọng, người trẻ tuổi đã đơn giản hóa mọi thứ từ nghi thức cưới hỏi đến quan điểm sống trong hôn nhân.
Hiểu một cách ngắn gọn, các bạn trẻ mưu cầu hạnh phúc và đề cao quyền lợi cá nhân vì vậy ly hôn không còn là câu chuyện “mất mặt”, “mất thể diện” như trước đây. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh khi thấy con cái sống không hạnh phúc cũng cảm thông, tôn trọng và ủng hộ quyết định ly hôn của con.
“Đến cả quy trình và thủ tục ly hôn của nhiều đôi vợ chồng trẻ bây giờ cũng được đơn giản hoá, xử lý dứt khoát và nhanh gọn. Không tài sản chung, chưa con cái, nhiều cặp chọn ly hôn hoà bình, bỏ qua các thủ tục lên tòa án hoà giải”, chuyên gia Hạnh Liên cho hay.
Thứ hai, khi xã hội càng hiện đại thì sự cá nhân hóa trong mỗi con người càng phát triển mạnh mẽ. Mỗi cá nhân đều là một cá thể độc lập, có cá tính, độc lập và chính kiến riêng nên khi yêu họ dễ dàng trở thành nam châm thu hút nhau. Thế nhưng mặt trái của lối suy nghĩ “không cần phụ thuộc vào ai”, lại là việc quá đề cao và bảo vệ cái tôi cá nhân bằng mọi giá, khó chấp nhận và bao dung người khác.
Vì vậy, một trong những nhóm lý do dẫn đến ly hôn phổ biến nhất là mâu thuẫn về lối sống, đặc biệt là khi tuổi đời còn trẻ, ít kinh nghiệm hành xử và trải nghiệm cuộc sống.
Theo thống kê của Toà án Nhân dân năm 2022, cả nước có trên 500.000 vụ ly hôn, 70% thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30, xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống, xung đột và bất đồng quan điểm.
Cũng theo bà Nguyễn Hạnh Liên, từ góc độ tâm lý học, 5 năm là quãng thời gian “vỡ mộng”, “khủng hoảng” của đa số mọi người khi bước vào hôn nhân bởi khác biệt về suy nghĩ, lối sống và những biến động tâm sinh lý.
Đây là thời điểm cả hai nhận ra nhiều khiếm khuyết, những “góc khuất” trong đời sống của đối phương. Đây là lúc cả hai cần bình tĩnh, nghiêm túc học cách làm quen, thích nghi và chung tay đồng lòng tổ chức cuộc sống chung. Cả hai cần những cuộc “đối thoại trong hòa bình” để xử lý các vấn đề bất đồng và chia sẻ cảm xúc cá nhân.
Cần chấp nhận sự thật là không ai hoàn toàn phù hợp với ai, thay vì đó hãy tìm cách thỏa hiệp và học cách thay đổi để hòa hợp. Điều quan trọng nhất không phải ai đúng, ai sai mà chính là đạt được sự đồng thuận về các vấn đề trong cuộc sống chung.
Nếu không thể sẻ chia, không biết đặt mình ở góc nhìn của đối phương, để đi đến những thoả thuận khi chung sống thì rất dễ dẫn đến những cuộc “ly hôn xanh”. Còn nếu vượt qua được quãng thời gian này, vợ chồng có thể gắn bó với nhau lâu dài. Bởi vậy, nền tảng quan trọng cần có trong hôn nhân là sự thấu hiểu, chấp nhận, sống có trách nhiệm với nhau.