Ly hôn văn minh tốt cho con
Chị Ngọc Trâm giáo viên trường THPT N. T (Hà Nội) 39 tuổi, có một gia đình và hai đứa con trai. Cuộc hôn nhân của vợ chồng chị rơi vào bế tắc vì không có cùng một hướng nhìn với quá nhiều mâu thuẫn. Hai vợ chồng không chỉ mâu thuẫn vì thường xuyên bất đồng quan điểm sống, lại thêm có “người khác” bên ngoài nên chồng chị không ngừng xúc phạm, chê trách vợ. Cái gì cũng có thể gây cãi cọ bùng nổ khi khả năng kiềm chế của cả hai người đều quá ngưỡng chịu đựng nhau.
Sống như một cái bóng và chấp nhận sự xỉ vả và thái độ khinh miệt của chồng, chị cố chịu đựng để hai đứa con có một gia đình còn đủ cả mẹ và bố. Trái tim và cảm xúc của chị đã chai lỳ. Chị sợ phải nói chuyện, sợ cả những mối liên quan buộc phải đi đâu cùng chồng. Nằm bên chồng chị thấy bức bối và ghê sợ chuyện gần gũi. Tất cả sự vô cảm đã ngập đầy. Nhiều lúc bế tắc quá chị chỉ mong sao chết đi cho được giải thoát… Tình cảnh bế tắc và tuyệt vọng khiến chị không tập trung làm được việc gì cho đến đầu đến cuối.
Lắng nghe câu chuyện của chị Trâm, chuyên gia tư vấn tình cảm thạc sĩ Tuấn Lê (Cẩm nang hạnh phúc – 0968464226) đưa ra lời khuyên:
Con cái luôn cần có một gia đình có đủ cha mẹ, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là cha mẹ tôn trọng và yêu thương nhau và có trách nhiệm. Nếu tất cả những điều đó đều không còn thì người vợ vẫn có những cách giải quyết khác, chứ suy nghĩ rằng “muốn chết để rời xa tất cả” thì lại cực kỳ phi lý? Sống vì con không có nghĩa là phải chấp nhận sống “như người câm, nhục nhã, ê chề”, là phải chịu đựng nỗi vô cảm, sợ hãi, ghê tởm chồng.
Nhiều người cho rằng, ly hôn là kết thúc tất cả, là bất hạnh cho con cái. Nhưng thực ra nếu hai vợ chồng biết ngồi lại bàn bạc với nhau, thống nhất chuyện chia tay một cách bình tĩnh và văn minh thì đó lại là một lối thoát tốt cho một gia đình không còn hạnh phúc. Sống cùng cha mẹ trong hoàn cảnh tồi tệ con cái còn bị ảnh hưởng xấu, còn bất hạnh hơn là cha mẹ tách ra nhưng vẫn chăm sóc và lo lắng cho con?
Một người mẹ có đời sống tinh thần thanh thản, bình yên. lạc quan thì mới có thể truyền trao cho các con niềm vui, niềm tin vào cuộc sống. Một người mẹ biết yêu thương chính bản thân mình thì mới có thể đầy đủ tinh thần, sức lực để mang đến cho các con sự chăm sóc tốt nhất. Và vì thế, bạn hãy lựa chọn những giải pháp có thể làm cho cuộc sống của mình thoát khỏi cơn bệnh tật quặt quẹo đáng sợ này. Cuộc sống, không phải chỉ có buộc mới là có, mới là hạnh phúc, mới là đúng đắn. Mà biết cởi, dứt bỏ, chọn lựa một con đường mới thênh thang hơn đúng lúc và can đảm cũng là điều cần làm và phải làm. Chuyên gia Tuấn Lê nhấn mạnh.
Chống sốc cho con trẻ
Một những tổn thương mà những đứa trẻ phải sống trong hoàn cảnh bố mẹ ly hôn phải hứng chịu là mất niềm tin. Người cha, người mẹ giành quyền nuôi con sau ly hôn có xu hướng dồn hết vào đứa con, họ tự đặt cho mình trách nhiệm vừa làm mẹ, vừa làm cha… đã biến đứa con thành tù nhân. Đứa con vốn đã bị tổn thương, xáo trộn tâm lý khi chia mẹ chia tay lại phải “chống đỡ” với môi trường mới hoặc rơi vào áp lực của việc bị tác động hoặc ép buộc phải lựa chọn theo ai.
Trẻ con thời nay nhận thức khá rõ về chuyện bố mẹ “bỏ nhau”. Làm sao để trấn an được tinh thần cho con khi con đang có cảm giác mình sẽ bơ vơ hoặc bị bỏ rơi? Rồi còn những chuyện cha dượng, mẹ kế ở đâu đó mà con đã gặp sẽ khiến con có những suy nghĩ lệch lạc hoặc bị cảm xúc tiêu cực chi phối.
Dù đã sống mỗi người một nhà hoặc đã tái hôn, các bậc phụ huynh vẫn cần luôn khẳng định tình yêu thương dành cho con không thay đổi. Dù cuộc sống chung của gia đình không còn nhưng con vẫn có đủ cả mẹ và bố và cả hai cần có hành động và những giải pháp cụ thể thể hiện cam kết luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc con.Tuy nhiên, đừng hứa hẹn những gì mình sẽ không thực hiện được.
Trong khóa học “Tại sao chúng ta là vợ chồng?” chuyên gia tư vấn –đào tạo kỹ năng sống Lê Anh Hùng (Tổ chức Obraha Trí tuệ Tự nhiên) phân tích:
Một thực tế đáng buồn mà là khi quyết định ly hôn, trong tâm trạng bức xúc, nhiều cặp vợ chồng không giữ gìn hình ảnh gì nữa, họ thường nói chuyện riêng vơi con theo kiểu mình muốn. Sự ích kỷ này chính là cách đối xử tàn nhẫn với con trẻ. Con cái sẽ tổn thương thêm khi bố hoặc mẹ không trung thực trong lời nói của mình.
Để tránh tình trạng mâu thuẫn mỗi người nói một kiểu hoặc bêu riếu đổ lỗi lẫn nhau hoặc cãi lộn khi nói chuyện ly hôn với con, vợ chồng nên thỏa thuận về những điều sẽ nói với con trước đó. Cách tốt nhất là cả hai vợ chồng gạt bỏ những mâu thuẫn, căm ghét hay hận thù nhau để cùng nói chuyện với con, đó là sự trấn an cần thiết giúp con đủ tin tưởng đưa ra được những thắc mắc, nỗi lo sợ của nó, từ đó giải tỏa ức chế trong tâm tư con.
Hãy thành thật với các con về lý do tại sao ly hôn, tuy nhiên tránh chia sẻ những chi tiết bi kịch và khủng khiếp đằng sau để giữ cho tuổi thơ của con không bị ám ảnh, cảm thấy bất an và sợ hãi về tương lai.
Tạo dựng môi trường sống mới
Theo các chuyên gia tâm lý: Nếu phải “tan đàn xẻ nghé” bố mẹ cố gắng kiềm chế đừng bộc lộ quá nhiều cảm xúc hoặc đổ lỗi cho nhau khi nói chuyện với con cái.
Việc người mẹ hoặc người bố lôi kéo con làm đồng minh khi mâu thuẫn cao trào giữa hai người là rất sai lầm vì nó tác động vô cùng lớn đến nhận thức và ảnh hưởng tâm lý của con. Con không phải chịu trách nhiệm gì hết về chuyện bố mẹ chia tay.
Con mới là đối tượng chính của cuộc nói chuyện và bố mẹ cần con đón nhận bình tĩnh cũng như xem cảm giác của con là thế nào, xoa dịu con. Đó là một cách để bảo vệ con.
Bên cạnh đó, đừng che giấu thực tế là cuộc sống đã khác trước khi bố mẹ ly dị. Con cái cần được đối xử theo cách công bằng và được tôn trọng. Hãy nói rõ cho con biết những thay đổi, con sẽ ở với ai, người kia sẽ xuất hiện như thế nào và chuẩn bị tâm lý cho con trước khi bắt đầu một giai đoạn mới.
Một số điều các chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh cần thận trọng sau khi ly hôn; Đó là tránh việc cãi cọ đôi co về tiền cấp dưỡng nuôi con trước mặt con. Không nói xấu chồng/vợ cũ trước mặt con, làm xấu đi tình thương giữa bố và con (hoặc mẹ và con), vì con luôn cần tình thương của cả hai người.
Trong tình trạng cô đơn, cũng không nên làm phiền con với những tâm sự của mình, điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của con và, cho dù ngại giao tiếp đến đâu thì cũng không dùng con như phương tiện liên lạc (máy truyền tin) giữa hai người. Đừng biến con trở thành “người đàn ông bé nhỏ” hay “người phụ nữ bé nhỏ” trong nhà. Con vẫn là đứa trẻ, không thể thay thế cho người vợ/người chồng được.
“Ly hôn không nên cho rằng xấu xa, mà nên coi như là một là cơ hội để nhìn lại mình là ai. tìm lại mình. Để sống có chất và xốc lại tinh thần sau khi ly hôn đòi hỏi mỗi người cần có những ứng xử hợp lý và văn minh.
Chúng ta thường không nhìn vào trong nội tại của mình có vấn đề gì? Chúng ta quen với việc đổ lỗi và dẫn đến cuộc chia tay mà một trong hai bên cảm thấy hận thù. Với mỗi người, sau khi chúng ta ly hôn thì tự nhìn nhận mình thế nào, giải quyết ra sao để bản thân mình cảm thấy không bị gánh nặng và nhẹ nhàng cho đối phương và nếu có những đứa con, thì chúng vẫn được chăm sóc tốt.Hãy yêu mình, yêu người và luôn yêu đời thì sẽ hóa giải được những nỗi buồn quá khứ” - chuyên gia tâm lý Yến Phạm - Giám đốc công ty tư vấn Giáo dục Sunshine Village đưa ra lời khuyên với chị em.