Lý do thiên nhiên là 'trường học' tuyệt vời của trẻ

GD&TĐ - Theo giới chuyên gia, 30 phút trẻ dành cho màn hình và 30 phút chúng dành cho thiên nhiên mang lại những kết quả rất khác nhau.

Cha mẹ nên để con dành nhiều thời gian trong thiên nhiên ngay từ khi còn nhỏ. (Ảnh: ITN).
Cha mẹ nên để con dành nhiều thời gian trong thiên nhiên ngay từ khi còn nhỏ. (Ảnh: ITN).

Hầu hết các nhà giáo dục trên thế giới đều khuyến khích các bậc cha mẹ cho con dành nhiều thời gian trong thiên nhiên ngay từ khi còn nhỏ.

Leo cây, tìm kiếm và quan sát sâu bọ, hoặc thậm chí chỉ chơi trò chơi ngoài trời với bạn bè cũng đủ để trẻ cảm thấy yêu thương và trân trọng cuộc sống hơn.

Ngoài ra, những hoạt động thú vị này thực sự hỗ trợ xây dựng bộ não, cơ thể và tính cách của trẻ cho cuộc sống sau này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với thiên nhiên có nhiều lợi ích lâu dài.

Khi ở gần thiên nhiên, trẻ cảm thấy bình yên, tràn đầy sinh lực và hạnh phúc hơn, thậm chí những tác động đó sẽ kéo dài rất lâu sau khi chúng quay vào nhà. Đối với người lớn, việc cùng trẻ khám phá thiên nhiên cũng mang lại nhiều lợi ích.

Lâu nay có lẽ chúng ta đều biết thiên nhiên mang lại cho trẻ nhiều bài học, nhưng điều gì khiến thiên nhiên thực sự trở thành môi trường học tập lý tưởng?

Ngày nay, do công việc bận rộn, nhiều cha mẹ hầu như không có thời gian để đọc một bài viết chuyên sâu, chứ chưa nói đến việc nghiên cứu một chủ đề nào đó.

Vậy nên, bài viết này giống như một bản tóm tắt hữu ích giúp họ tìm được câu trả lời hoàn chỉnh.

Sự êm dịu của thiên nhiên

Khi ở trong thiên nhiên, trẻ trở nên bình tĩnh, thoải mái và vui vẻ. (Ảnh: ITN).

Khi ở trong thiên nhiên, trẻ trở nên bình tĩnh, thoải mái và vui vẻ. (Ảnh: ITN).

Rất nhiều người đang nương tựa vào thiên nhiên để chữa lành. Nhà sinh vật học Edward O. Wilson có thể từng giải thích điều đó trong lý thuyết về tính ưa sinh học của ông - rằng con người bẩm sinh bị thu hút bởi sự kết nối và giao tiếp với thiên nhiên.

Chỉ cần ở trong môi trường tự nhiên là chúng ta có cảm giác được tập trung, thoải mái và dễ chịu như ở nhà.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc hòa mình vào thiên nhiên hoặc thậm chí ngắm cảnh thiên nhiên (đối với những lúc bạn cần mang thiên nhiên vào nhà) có thể làm giảm những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và sợ hãi đồng thời tăng cường cảm xúc tích cực.

Tương tự với trẻ nhỏ, khi ở trong thiên nhiên, chúng trở nên bình tĩnh, thoải mái và vui vẻ, từ đó chúng có thể tập trung và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nhóm.

Một điều quan trọng nữa là lâu nay khoa học luôn ủng hộ việc trẻ gần gũi với thiên nhiên. Bộ não của chúng ta dường như mặc định liên kết với thiên nhiên. Vì vậy, môi trường học tập có khả năng hỗ trợ những cảm xúc tích cực sẽ giúp trẻ học tập hiệu quả hơn.

Thiên nhiên có tính kích thích

Môi trường tự nhiên không chỉ xoa dịu và giúp trẻ tập trung mà còn kích thích sự khám phá. Lớp học ngoài trời mang đến cho trẻ những khung cảnh, mùi vị và kết cấu quyến rũ, kích thích mọi giác quan.

Sự tham gia của các giác quan vô cùng quan trọng đối với trẻ. Chúng càng sử dụng các giác quan và phát triển các kỹ năng giác quan thì chúng càng tăng cường khả năng tiếp thu và biến thông tin mới thành kiến ​​thức.

Trong một lớp học ngoài trời, khung cảnh luôn thay đổi. Các đồ chơi có sẵn trong thiên nhiên có nhiều hình dạng, kích thước và kết cấu khác nhau, mang đến khả năng vui chơi và học tập vô tận.

Dường như trường học thông thường không thể xây dựng một sân chơi hấp dẫn hơn hoặc trang bị một lớp học trong nhà với bộ công cụ học tập phong phú như cách thiên nhiên đã và đang làm.

Khi được chơi và học trong môi trường thiên nhiên, trí tưởng tượng của trẻ sẽ giàu có hơn, giúp chúng tự định hướng và cảm thấy tự do hơn.

Thiên nhiên hầu như không có giới hạn đối với trí tưởng tượng và thu hút tất cả các giác quan. Đối với tất cả trẻ em, môi trường này cho phép phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tính tò mò và những tiến bộ phát triển liên quan.

Lớp học ngoài trời còn có nhiều lợi ích bổ sung, bao gồm cơ hội cho trẻ chấp nhận những rủi ro quan trọng, đặc biệt là sự thất bại, phát triển sự đồng cảm và bồi dưỡng cảm giác ngạc nhiên, hứng thú.

Theo tinkergarten.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ