Tết đang đến rất gần, đây là khoảng thời gian để mọi người trong cùng một gia đình có thời gian quây quần bên nhau. Bên cạnh những món ăn, đặc sản đặc trưng của của ngày Tết thì trong những ngày đầu năm mới không thể thiếu được khoản lì xì đầu năm.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Cung Hà - Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết:
“Không có tài liệu nào nói chính xác về thời điểm mà phong tục lì xì du nhập vào nước ta, nhưng từ bao đời nay phong tục này đã trở thành một phần đậm đà của hương vị ngày tết Việt”.
Nguồn gốc về tục lì xì ngày Tết
Ông Nguyễn Cung Hà chia sẻ với PV về tục lì xì.
Lì xì ngày Tết có nguồn gốc từ tiếng Hoa, phát âm theo phồn thể là Lì Shì (Lợi thị) mà người Việt Nam đọc lái ra thành Lì xì.
Theo ông Nguyễn Cung Hà, Lợi thị (được lợi) có nghĩa là một nguồn lợi được phát sinh do người khác mang đến cho mình thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Kinh doanh, biếu xén, cho lộc...Thế nhưng, theo cách hiểu của người Việt, lì xì không phải là nguồn lợi mà đó là mừng tuổi cho trẻ em trong ngày đầu năm mới.
Ảnh minh họa
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Cung Hà nói: “Lì xì là một tục lệ hay và đẹp trong những ngày Tết, bởi lì xì thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của chúng ta với thế hệ trẻ cũng như thể hiện sự phóng khoáng, rộng rãi của mình khi mở lòng ra chia sẻ những nguồn lợi của mình có được từ năm ngoái cho những người xung quanh. Chia lộc của mình cho mọi người đồng nghĩa là mình sẽ có thêm được nhiều lộc mới”.
Với mong muốn những người thân yêu bắt đầu một năm mới an bình, hàng năm đến dịp Tết Nguyên Đán là người người, nhà nhà lại chuẩn bị những xấp tiền lẻ mới toanh để chúc tụng, mừng tuổi nhau.
Chắc hẳn khi nhận được những phong bao lì xì, những thành viên trong gia đình bạn sẽ ngày càng gắn chặt tình đoàn kết hơn khi xuân về.