Nếu bạn sống gần một con đường đông đúc, bạn có thể cảm thấy như tiếng động cơ gầm rú liên tục, tiếng còi inh ỏi và tiếng còi báo động rền rĩ khiến huyết áp của bạn tăng cao. Giờ đây, một nghiên cứu đã xác nhận điều này.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa giao thông đường bộ ồn ào và thúc đẩy nguy cơ tăng huyết áp.
Tuy nhiên, chúng thiếu bằng chứng mạnh mẽ và không rõ liệu tiếng ồn hay ô nhiễm không khí đóng vai trò lớn hơn.
Nghiên cứu mới cho thấy chính việc tiếp xúc với tiếng ồn giao thông đường bộ có thể thúc đẩy nguy cơ tăng huyết áp.
Trợ lý giáo sư Jing Huang tại Khoa Khoa học Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, thuộc Trường Y tế Cộng đồng, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) là tác giả chính của nghiên cứu trên.
Bà cho biết: “Chúng tôi hơi ngạc nhiên khi thấy mối liên hệ giữa tiếng ồn giao thông đường bộ và chứng tăng huyết áp rất rõ ràng, ngay cả sau khi điều chỉnh ô nhiễm không khí".
Sử dụng dữ liệu Biobank của Anh, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 240.000 người (40 đến 69 tuổi) ban đầu không bị tăng huyết áp. Họ ước tính tiếng ồn giao thông đường bộ dựa trên địa chỉ dân cư và một công cụ mô hình của châu Âu có tên là Phương pháp đánh giá tiếng ồn chung.
Sử dụng dữ liệu theo dõi trong thời gian trung bình 8,1 năm, họ đã xem xét số người bị tăng huyết áp. Các nhà nghiên cứu không chỉ phát hiện ra rằng những người sống gần tiếng ồn giao thông đường bộ có nhiều khả năng bị tăng huyết áp, mà họ còn phát hiện ra rằng nguy cơ tăng lên cùng với “liều lượng” tiếng ồn.
Người tiếp xúc nhiều với cả tiếng ồn giao thông và ô nhiễm không khí có nguy cơ tăng huyết áp cao nhất. Điều này cho thấy ô nhiễm không khí cũng đóng một vai trò nào đó.
“Tiếng ồn giao thông đường bộ và ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông cùng tồn tại xung quanh chúng ta” - bà Huang nói - “Điều cần thiết là khám phá những tác động độc lập của tiếng ồn giao thông đường bộ, thay vì toàn bộ môi trường.”
Theo nhà nghiên cứu trên, những phát hiện này có thể hỗ trợ các biện pháp y tế cộng đồng vì chúng xác nhận việc tiếp xúc với tiếng ồn giao thông đường bộ có hại cho huyết áp của chúng ta.
Từ đây, chúng ta có thể hoạch định chính sách để làm giảm tác động bất lợi của tiếng ồn giao thông đường bộ. Ví dụ, chúng ta có thể thiết lập các hướng dẫn và thực thi nghiêm ngặt hơn về tiếng ồn, cải thiện điều kiện đường xá và thiết kế đô thị, đồng thời đầu tư công nghệ tiên tiến cho xe cộ để giảm tiếng ồn.
Đây được cho là nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên đề cập trực tiếp đến ảnh hưởng của tiếng ồn giao thông đường bộ đối với tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp mới được chẩn đoán.