Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã khiến chuỗi lây nhiễm phát triển diện rộng theo sự di chuyển của họ.
3 chuỗi lây nhiễm trong 2 tuần
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), từ ngày 18/5 đến hết ngày 1/6, thành phố đã phát hiện ra 3 chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chuỗi lây nhiễm đầu tiên là tại một công ty ở Quận 3, với hai bệnh nhân được ghi nhận ngày 18/5.
Chuỗi lây nhiễm tiếp theo được ghi nhận vào ngày 21/5 tại quán bánh canh ở Quận 3. Ngoài ra, thành phố cũng phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng vào ngày 26/5. Kết quả giải trình tự gen tại 3 chuỗi lây nhiễm này cho thấy, các bệnh nhân nhiễm biến thể virus B.1.1.7 và B.1.617.2.
Trong hội truyền giáo này, tổng số người tham gia là 55. Trong đó, 40 người được xác định mắc bệnh, tỉ lệ chiếm 70%. Các hội viên này sống ở 16/22 quận. Họ lây nhiễm tiếp cho những người cùng nơi sống và làm việc. Từ đó, hình thành các ổ dịch tại 20/22 quận, huyện và 6 tỉnh miền Nam, bao gồm: Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu.
Trong nửa tháng, TPHCM đã phát hiện 3 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng cũng như 2 biến chủng. Hiện tại, thành phố không phát hiện thêm ca mắc mới từ chuỗi lây nhiễm ở công ty và quán bánh canh Quận 3.
Ổ dịch Hội truyền giáo Phục Hưng
Lý giải về nguyên nhân ổ dịch liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng có mức độ lây lan mạnh, HCDC cho biết, nguyên nhân là do đặc thù sinh hoạt và điều kiện làm việc của các F0, F1, F2. Trong đó, thành phố ghi nhận sự bùng phát của các chuỗi mới, xuất phát từ một bệnh nhân trong hội.
Trường hợp này được ghi nhận tại các tòa nhà văn phòng và có tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Trong đó, điển hình là Công ty Thiên Phú FN. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã khiến chuỗi lây nhiễm phát triển diện rộng theo sự di chuyển của các ca mắc này.
Chia sẻ về tình hình dịch bệnh tại TPHCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết: “Tình hình dịch bệnh hiện tại có diễn biến căng thẳng nhất từ trước tới nay. Khi được phát hiện, dịch bệnh đã âm thầm len lỏi từ trước đó khá lâu”.
Chuyên gia này nhận định, khó khăn nhất hiện nay là ổ dịch liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng. Hội này trở thành ổ dịch do F0 từ miền Bắc vào và họp cùng các thành viên khác, khiến virus lây lan. Ngoài ra, những thành viên trong Hội truyền giáo đa ngành nghề, đa địa phương. Do đó, họ sẽ đi rất xa và làm nhiều nghề nghiệp tại các công ty, tòa nhà khác nhau.
Ngoài ra, chùm ca mắc tại Bệnh viện Hoàn Mỹ và Hội truyền giáo đều có mối liên hệ. Bác sĩ Khanh cho rằng, đây là bằng chứng cho thấy, dịch bệnh đã đi rất xa. Trong khi đó, biến chủng mới cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan mạnh.
“Chúng ta không rõ dịch bệnh đã đi bao xa. Số ca mắc Covid-19 mới tiếp tục tăng đều. Song, nếu tăng mạnh, nghĩa là chúng ta phát hiện được nhiều F0 để ngăn chặn dịch bệnh”, bác sĩ Khanh cho biết.
Cảnh giác dù test nhanh âm tính
Theo HCDC, các bệnh viện tại thành phố được phân luồng chặt chẽ, giám sát ngay từ cổng. Do đó, có rất ít trường hợp mắc Covid-19 “lọt” vào cơ sở y tế. Đến nay, TPHCM cũng không phát hiện trường hợp nào lây lan trong bệnh viện. Tuy nhiên, HCDC cảnh báo, TPHCM có thể tiếp tục ghi nhận những ca bệnh không rõ nguồn gốc do dịch bệnh đã âm thầm lây lan.
Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, luôn tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo quy tắc 5K. Bên cạnh đó, người dân không nên hoang mang, lo lắng. Đồng thời, cần theo dõi và thực hiện theo đúng quyết định của chính quyền, khuyến cáo của ngành Y tế.
Ngoài ra, các cơ quan được khuyến cáo nâng cao khả năng phòng thủ, tổ chức làm việc, sản xuất an toàn, không để virus có cơ hội lây lan tại đơn vị.
Trong khi đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nếu tuân thủ tốt việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang đúng, người dân sẽ không cần hoang mang. Tuy nhiên, nếu có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện 5K.
Trong trường hợp kết quả test nhanh âm tính nhưng vẫn có triệu chứng nghi ngờ như đau rát họng, mất vị giác, khứu giác, cần đeo khẩu trang và thực hiện xét nghiệm PCR.