Điện Kremlin chỉ trích đề xuất về Crimea

GD&TĐ -Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, ngày 20/9 đã lên tiếng chỉ trích đề xuất của Ba Lan liên quan đến Crimea.

Điện Kremlin ở Moscow.
Điện Kremlin ở Moscow.

Moscow đã phản ứng mạnh mẽ trước đề xuất của Ba Lan về việc đặt Crimea dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc trong 20 năm.

“Lãnh thổ Nga và các khu vực của Nga không thể là chủ đề của bất kỳ cuộc thảo luận nào hoặc chuyển giao cho bất kỳ ai”, Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm 20/9, mô tả ý tưởng này là “vô lý”.

Bán đảo theo truyền thống của Nga này đã được trao trả cho Ukraine vào năm 1954 bởi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, và được Kiev tuyên bố chủ quyền sau khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1991.

Vào ngày 19/9, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Radoslaw Sikorski, đã đưa ra ý tưởng biến Crimea thành một vùng lãnh thổ ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc, mô tả đây là "có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với Nga" và "có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Ukraine".

Theo ông Sikorski, phái bộ Liên Hợp Quốc có thể chuẩn bị vùng lãnh thổ này cho một cuộc trưng cầu dân ý trong vòng 20 năm, sau khi xác định được những ai sẽ là cư dân đủ điều kiện hợp pháp.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng công khai bác bỏ đề xuất này, nhấn mạnh rằng, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine “không thể là chủ đề để thảo luận hoặc thỏa hiệp”.

Người dân Crimea và thành phố Sevastopol đã bỏ phiếu áp đảo để tái gia nhập Nga vào tháng 3/2014, ngay sau cuộc đảo chính Maidan lật đổ chính phủ Ukraine để ủng hộ những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Kiev vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với Crimea, cũng như Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, các khu vực Kherson và Zaporozhye, nơi đã sáp nhập vào Nga vào tháng 9/2023.

Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng, không có vùng lãnh thổ nào trong số này có thể đàm phán.

"Người Crimea đã trở về Nga cách đây một thập kỷ, và không cần những người can thiệp phương Tây như ông Sikorski", nhà lập pháp Nga, Leonid Ivlev, nói với các phóng viên hôm 20/9.

Thiếu tướng Không quân đã nghỉ hưu này đề xuất thay vào đó đặt miền tây Ba Lan dưới sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc.

“Crimea về mặt lịch sử và hợp pháp là lãnh thổ của Nga, chúng tôi sống trên đất của mình. Người Ba Lan không thể nói như vậy. Ông Sikorski nên nhớ rằng, Phổ, Silesia, Pomerania, Đông Brandenburg và thành phố tự do Danzig đã được Stalin chuyển giao cho Ba Lan. Có lẽ chúng ta nên đặt những vùng đất Đức trước đây này dưới sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc, và sau đó tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở đó”, ông Ivlev đề xuất.

Sau thất bại của Đức Quốc xã năm 1945, Ba Lan đã nhận được các vùng lãnh thổ trước đây của Đức lên đến đường Oder-Neisse như một khoản bồi thường cho việc nhượng lại cho Liên Xô những vùng đất mà nước này đã chiếm giữ vào những năm 1920. Những vùng lãnh thổ đó trở thành một phần của Litva, Belarus và Ukraine ngày nay.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ