Lý do bố mẹ cần đặt ra giới hạn với con cái

GD&TĐ - Việc đặt ra giới hạn là dạy trẻ cách cư xử phù hợp và cho chúng cơ hội mài giũa một số kỹ năng.

Nhiều cha mẹ tránh đặt ra giới hạn vì không muốn làm con buồn hay tức giận.
Nhiều cha mẹ tránh đặt ra giới hạn vì không muốn làm con buồn hay tức giận.

>>> Cách bố mẹ tạo ranh giới không thể vượt qua cho con trẻ

Việc đặt giới hạn cho trẻ có thể khó khăn vì nhiều lý do. Đôi khi, cha mẹ cảm thấy có lỗi khi nói “không” với con. Hoặc, phụ huynh muốn tránh cơn giận dữ bùng phát ở trẻ khi con được yêu cầu giới hạn.

Tất nhiên, không phải lúc nào các phụ huynh cũng đồng ý với nhau về những giới hạn cần đặt ra cho trẻ. Tuy nhiên, thực tế, việc đặt ra giới hạn là điều có lợi cho trẻ.

Các chuyên gia đã nêu ra những lợi ích khi cha mẹ đặt ra giới hạn cho con mình:

Dạy tính tự giác

Đặt ra giới hạn dạy trẻ kỹ năng tự kỷ luật. Khi nói: “Đã đến lúc tắt trò chơi điện tử và làm bài tập về nhà rồi”, điều đó có nghĩa là phụ huynh đang dạy con tính kỷ luật tự giác.

Mặc dù trò chơi điện tử có thể thú vị hơn, nhưng điều quan trọng là trẻ phải có trách nhiệm. Mục tiêu cuối cùng là để trẻ học cách quản lý mọi trách nhiệm của mình, như bài tập về nhà, công việc nhà và chăm sóc cơ thể mà không cần cha mẹ nhắc nhở.

Việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng sẽ khiến các con tự biết áp đặt giới hạn cho bản thân. Cha mẹ hãy để con tự đặt hẹn giờ để hoàn thành việc mặc quần áo vào buổi sáng trong 5 phút. Hoặc, cha mẹ có thể nói với trẻ rằng, con có thể xem tivi ngay sau khi làm xong hết bài tập về nhà.

Giữ an toàn

Mặc dù việc chơi bên ngoài có thể an toàn, nhưng trẻ vẫn cần có giới hạn về những gì được phép làm hoặc nơi được phép đi khi chơi bên ngoài một mình. Các giới hạn cũng giúp trẻ được an toàn khi sử dụng Internet và khi chúng bắt đầu thực hiện nhiều hoạt động một cách độc lập. Giới hạn sẽ cần được mở rộng khi con lớn hơn…

Phụ huynh hãy cho con cơ hội để chứng minh rằng, trẻ có thể chịu trách nhiệm với những giới hạn được đặt ra. Nếu có thể xử lý các giới hạn cha mẹ đặt ra, điều đó nghĩa là trẻ đang chứng tỏ rằng mình sẵn sàng đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn.

Giữ trẻ khỏe mạnh

Về bản chất, hầu hết trẻ em đều bốc đồng và thích sự hài lòng ngay lập tức. Vì vậy, chúng cần người lớn giáo dục về cách sống lành mạnh. Ví dụ, cha mẹ nên đặt ra giới hạn cho thói quen ăn uống của trẻ. Nếu không có giới hạn, nhiều trẻ sẽ ăn đồ ăn vặt cả ngày.

Đặt ra giới hạn cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ nói: “Không, con không thể ăn chiếc bánh quy thứ ba”, hoặc “trước tiên, con cần ăn những thực phẩm lành mạnh”.

Các giới hạn cũng nên được đặt ra liên quan đến thiết bị điện tử. Nhiều trẻ sẽ hài lòng với việc xem tivi hoặc chơi máy tính suốt cả ngày. Trong khi đó, giới hạn đặt ra ranh giới và quy củ cho trẻ em. Đặt giới hạn về thời gian sử dụng thiết bị, tập thể dục, vệ sinh và các thực hành sức khỏe khác sẽ khuyến khích lối sống lành mạnh ở trẻ.

Hầu hết trẻ em đều bốc đồng và thích sự hài lòng ngay lập tức.

Hầu hết trẻ em đều bốc đồng và thích sự hài lòng ngay lập tức.

Đối phó với cảm giác khó chịu

Đôi khi, nhiều cha mẹ tránh đặt ra giới hạn vì không muốn làm con buồn hay tức giận. Tuy nhiên, học cách đối phó với những cảm xúc khó chịu thực sự là một kỹ năng quan trọng. Chỉ bởi trẻ buồn vì không thể ăn chiếc bánh thứ ba không có nghĩa là phụ huynh nên nhượng bộ.

Thay vào đó, điều này mang đến cho cha mẹ cơ hội tuyệt vời để dạy con về cảm xúc. Đồng thời, giúp chúng tìm ra những cách lành mạnh để đối phó với cảm xúc đó.

Mỗi giới hạn phụ huynh đặt ra là cơ hội để con mình thực hành quản lý cảm xúc cá nhân. Cha mẹ hãy giúp con nỗ lực làm chủ khi cố gắng đối phó với sự thất vọng, tức giận, buồn chán hoặc buồn bã.

Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý không chịu trách nhiệm về việc cổ vũ hoặc xoa dịu trẻ. Thay vào đó, hãy dạy trẻ cách tự làm những việc đó. Những đứa trẻ biết cách xử lý cảm giác khó chịu sẽ được trang bị kỹ năng tốt hơn để ứng phó tình huống trong tuổi trưởng thành.

Cho trẻ thấy cha mẹ quan tâm

Thông thường, trẻ em thử nghiệm các giới hạn chỉ để xem người lớn sẽ phản ứng như thế nào. Một đứa trẻ đánh anh chị em của mình có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi cha mẹ bước vào. Hoặc một đứa trẻ nhảy lên ghế sau khi phụ huynh bảo chúng dừng lại có thể đang kiểm tra kỹ năng lãnh đạo của cha mẹ.

Những đứa trẻ sống với ít hoặc không có quy tắc sẽ cảm thấy lo lắng. Trẻ em không muốn chịu trách nhiệm. Trẻ muốn biết rằng, cha mẹ là người chịu trách nhiệm và có đủ năng lực để giúp con nắm quyền kiểm soát.

Việc đưa ra những hậu quả tiêu cực khi vi phạm quy tắc cho thấy, cha mẹ sẽ không để mọi việc vượt quá tầm kiểm soát. Điều đó cũng dạy cho một đứa trẻ rằng, cha mẹ yêu con.

Khi cha mẹ nói với đứa con đang ở tuổi dậy thì rằng: “Bố quan tâm đến con và đó là lý do tại sao bố ra lệnh giới nghiêm”, trẻ có thể sẽ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, điều đó cho thấy rằng, cha mẹ sẵn sàng nỗ lực đầu tư sức lực vào cuộc sống của con mình, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải chịu đựng sự khó chịu từ trẻ.

Mỗi giới hạn phụ huynh đặt ra là cơ hội để con mình thực hành quản lý cảm xúc cá nhân.

Mỗi giới hạn phụ huynh đặt ra là cơ hội để con mình thực hành quản lý cảm xúc cá nhân.

Áp dụng kỷ luật tích cực

Trong quá trình phát triển, không ít lần, trẻ sẽ mắc lỗi. Tuy nhiên, nếu chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi trừng phạt con mình thì kỷ luật tích cực rất đáng để phụ huynh thử.

Bằng cách sử dụng các kỹ thuật kỷ luật tích cực, cha mẹ thường có thể ngăn chặn hành vi xấu từ trong trứng nước mà không cần dùng đến biện pháp đe dọa, la mắng hoặc trừng phạt.

Trẻ nhỏ có khả năng tập trung ngắn nên không quá khó để chuyển hướng chúng sang hoạt động khác khi đang có hành vi sai trái. Nếu trẻ mới biết đi đang chơi với một đồ vật có thể gây nguy hiểm, hãy đưa cho bé một món đồ khác để thu hút sự chú ý. Nếu cách đó không hiệu quả, hãy đưa trẻ sang phòng khác hoặc ra ngoài để chuyển hướng sự chú ý.

Trong khi đó, với trẻ lớn hơn, cha mẹ hãy nói về những gì con có thể làm, thay vì những gì không thể. Vì vậy, thay vì nói với con rằng, chúng không thể xem YouTube nữa, hãy nói, trẻ có thể ra ngoài chơi hoặc giải một câu đố mới.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tận dụng mọi cơ hội để khen ngợi hành vi tốt ở trẻ. Nghiên cứu cho thấy rằng, khi được khen vì điều gì đó làm đúng, cho dù đó là việc tuân theo quy tắc hay chia sẻ đồ chơi, trẻ có nhiều khả năng sẽ tiếp tục hành xử theo cách đó.

Việc sử dụng biện pháp củng cố tích cực sẽ hiệu quả hơn khi khen ngợi hành vi tốt. Ví dụ, nếu trẻ tỏ ra quan tâm đến ai đó có thể bị tổn thương hoặc buồn bã, hãy chỉ ra điều con đã làm đúng. Hiệu quả hơn cả lời khen ngợi là những phần thưởng tự nhiên cho hành vi tốt.

Ví dụ, nếu một đứa trẻ yêu cầu nhảy lên tấm bạt lò xo thêm năm phút nữa thay vì nổi cơn thịnh nộ trước viễn cảnh giờ chơi kết thúc, hãy cân nhắc cho thêm thời gian để động viên những hành vi tương tự.

Cha mẹ cũng có thể sử dụng lời nhắc bằng một từ. Thay vì đưa ra những yêu cầu phức tạp với con, hãy thử nói một từ có tác động mạnh để truyền tải thông điệp ngay lúc đó. Thay vì bảo trẻ lên lầu đánh răng và dọn dẹp bồn rửa sau đó, cha mẹ chỉ cần nói “răng”.

Đừng nhắc nhở con sử dụng cách cư xử của mình khi yêu cầu điều gì đó và giải thích dài dòng tại sao điều đó lại quan trọng. Cha mẹ hãy nhắc trẻ bằng một câu “làm ơn” đơn giản. Trẻ em phản ứng tốt nhất với những hướng dẫn đơn giản, trực tiếp vào thời điểm đó. Cha mẹ luôn có thể giải thích lý do của mình sau.

Nếu con không tuân thủ ngay lập tức, cha mẹ sẽ muốn lặp lại điều đó. Nếu cha mẹ thường xuyên nhắc nhở trẻ về những điều mình vừa nói, con sẽ học cách chờ đợi chỉ thị tiếp theo trước khi hành động.

Đặt ra giới hạn với trẻ là những nguyên tắc cho hành vi, ngay cả khi không có quy định chính thức nào trong gia đình. Vì phụ huynh không thể đặt ra quy tắc cho mọi thứ, nên giới hạn là những nguyên tắc nhất thời mang tính tình huống.

Có thể, trong gia đình, không có quy định chính thức nào nói rằng trẻ “không đập thìa xuống bàn”. Thế nên, phụ huynh có thể cần nói với con mình rằng “làm ơn đừng đập thìa nữa”, nếu hành vi của trẻ đang làm gián đoạn bữa tối của mọi người.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.