Nhiều cha mẹ không hiểu được con cũng cần được tôn trọng. Đặc biệt, không chỉ trẻ lớn mới cần được tôn trọng. Thực tế, trẻ nhỏ hơn cũng cần có những ranh giới mà cha mẹ không thể vượt qua.
Tự do trong khuôn khổ
Theo tác giả Katherine Reynolds Lewis của cuốn “The Good News About Bad Behavior”, trẻ càng lớn thì càng có xu hướng làm ngược lại với những gì phụ huynh mong muốn, bất chấp hậu quả. Trẻ rất sáng tạo và không phải lúc nào cũng có khả năng đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc như chúng ta. Phụ huynh có thể nghĩ biện pháp phạt con đưa ra rất cực đoan.
Nếu như con sẵn sàng tham gia vào việc thảo luận và thiết lập các giới hạn cũng như hình phạt, đó là điều rất tuyệt. Tuy nhiên, nếu chúng không muốn tham gia, phụ huynh có thể đặt ra các điều khoản nhưng cần có sự “du di” nhất định.
Trẻ thực sự rất cần các giới hạn. Miễn là những giới hạn đó tuân theo 4 quy tắc, đó là: Nói trước về hậu quả cho trẻ, tôn trọng trẻ, giới hạn phải hợp lý và hình thành tinh thần trách nhiệm cho trẻ.
Trong khi đó, theo bà Trần Thị Dung - chuyên gia giáo dục Montessori có Chứng nhận giáo viên Montessori quốc tế bởi Hiệp hội Montessori Mỹ (MIA), trong cuốn sách Giáo dục cho một thế hệ mới, tác giả Maria Montessori viết: “Thiên nhiên ban tặng sự sống bằng cách cho tự do và độc lập nhưng cùng với đó là các quy luật phù hợp về thời gian sống và nhu cầu đặc biệt của nó. Thiên nhiên biến tự do trở thành quy luật của cuộc sống - sự lựa chọn duy nhất để được tự do hoặc chết”.
Theo đó, các sinh vật sống cũng được tự do sinh trưởng và phát triển, nhưng cũng nằm trong quy luật về đáp ứng các nhu cầu sống và có thời gian tồn tại xác định. Tự do trong giới hạn theo phương pháp Montessori là một khái niệm trao quyền. Nó bao hàm khái niệm về đứa trẻ như một nhà thám hiểm có khả năng tự học và tự làm. Trẻ được phép làm những điều trẻ thích nhưng trong một phạm vi nhất định.
Trong cuốn “Trí tuệ thẩm thấu”, bà Maria Montessori viết: “Cho phép trẻ được làm theo ý thích khi trẻ chưa phát triển bất kỳ khả năng tự kiểm soát nào là đi ngược lại ý tưởng về tự do”.
Theo chuyên gia Trần Thị Dung, quan điểm trên chỉ ra rằng, trẻ chỉ trao sự tự do cho bản thân khi trẻ đã hình thành tính kỷ luật, tự kiểm soát bản thân. Do đó, các giới hạn của lớp học Montessori luôn được bắt nguồn từ sự tôn trọng.
Trước hết, nguyên tắc tôn trọng bản thân hướng đến việc dạy trẻ cách làm việc hiệu quả và an toàn trong lớp học. Trẻ được tự do lựa chọn các hoạt động mình yêu thích, nhưng đó phải là những bài học đã hướng dẫn. Hoặc, trẻ đã được biết về cách thực hiện đúng mục đích và tôn trọng giáo cụ.
Trẻ cũng cần tôn trọng người khác. Trẻ có thể lựa chọn thực hiện một hoạt động cá nhân độc lập hoặc kết hợp với một số trẻ khác theo nhóm nhỏ. Tuy nhiên, trẻ không gây ồn ào, can thiệp làm phiền trẻ khác hoặc có sự đồng thuận của các trẻ để tham gia. Tất cả các trẻ phải thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người trong lớp học của mình qua hành vi và thái độ tốt.
Nguyên tắc cuối cùng là tôn trọng môi trường. Đó là sự quan tâm chăm sóc môi trường lớp học của trẻ. Điều này thể hiện qua việc trẻ biết sử dụng một cách hợp lý các giáo cụ, giữ gìn cẩn thận và chăm sóc các sinh vật sống và không sống trong môi trường lớp học.
Trẻ cần có các giới hạn để thấy được chuyện gì sẽ xảy ra nếu như không nghe theo cha mẹ. Ảnh minh họa: INT. |
Chuyên gia Trần Thị Dung dẫn chứng, bà Maria Montessori đã chỉ ra rằng: “Không có tự do thì nhân cách không thể phát triển đầy đủ. Tự do là chìa khóa của toàn bộ quá trình, cũng là bước đầu tiên cho đến khi một cá nhân có khả năng hành động mà không cần sự trợ giúp của người khác và nhận thức được bản thân là một thực thể tự chủ”.
Trong khi đó, ở cuốn sách “Giới Hạn Cho Con Bạn: Nghệ Thuật Dạy Con Thời Đại Mới”, tác giả Henry Cloud và John Townsend đã dẫn dắt vấn đề bằng một câu chuyện thực tế từ chính người bạn Allison của mình.
Trong một lần đến thăm nhà Allison, tác giả chứng kiến việc cô bạn dọn dẹp quần áo, đồ chơi cho cậu con trai 14 tuổi như một điều hiển nhiên. Bản thân cô cũng như nhiều phụ huynh khác, thường nuôi dạy con mà không nghĩ gì tới tương lai. Họ đơn giản làm việc thay con vì nghĩ đó là cách thể hiện tình thương và sự chăm sóc. Song, họ chưa từng nghĩ rằng, một đứa trẻ 14 tuổi quá đủ lớn để có thể gọn gàng đồ đạc cá nhân.
Các tác giả dẫn chứng. “Kinh Thánh” đã mô tả quá trình phát triển: Không có sự kỷ luật nào là có vẻ dễ chịu tại thời điểm đó, mà nó chỉ gây ra nỗi đau đớn. Tuy nhiên sau này, nó sẽ tạo ra một vụ mùa bội thu, đầy ắp sự công bình và an lành cho những người đã kiên trì khổ luyện.
Có thể nói, việc đặt ra ranh giới cho con cái chính là một cách suy nghĩ thấu đáo cho tương lai của trẻ. Một người cha, người mẹ biết yêu thương con là người biết nghĩ cho tương lai của chúng, thay vì để tình thương mù quáng che lấp mà làm hại con trẻ.
Bên cạnh đó, việc đặt ra ranh giới cũng trau dồi cho trẻ những phẩm chất cần thiết mà tác giả có liệt kê như lòng yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự tự do, chủ động hay tôn trọng thực tế. Với mỗi phẩm chất nêu ra, tác giả cũng giải thích cặn kẽ lí do trên cơ sở khoa học.
Tuy nhiên, việc đặt ranh giới phải xuất phát từ cả hai phía như trong cuốn sách có ghi: “Nhưng để hình thành nhân cách ở trẻ, trước tiên chúng ta phải là những cha mẹ có nhân cách. Để đặt ra những ranh giới ở trẻ, chúng ta phải có những ranh giới của riêng mình”.
Việc dạy cho con về tầm quan trọng của giới hạn cũng là cách giáo dục cơ bản mà tác giả muốn đề cập đến. Một đứa trẻ trong tuổi trưởng thành hay khi còn ấu thơ đều cần có những ranh giới. Tùy từng trường hợp mà cha mẹ cần có cách ứng xử khác nhau.
Nói dạy con là một nghệ thuật cũng không sai, bởi nó đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo của một người nghệ sĩ. Đặt giới hạn như thế nào để vừa cứng rắn nhưng lại không gây áp lực tồi tệ cũng là một vấn đề mà cha mẹ cần nghiên cứu và tìm hiểu rõ ràng hơn.
Cha mẹ cần đặt ra giới hạn giữa yêu thương và chiều chuộng một cách thái quá. Ảnh minh họa: INT. |
Những ranh giới của trẻ
Thực tế, trẻ cần tuân theo những ranh giới nhất định. Song, cha mẹ cũng cần biết những giới hạn của trẻ để tránh. Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh – Học viện Minh Trí Thành cho biết, nhiều cha mẹ không hiểu được là con cũng cần được tôn trọng. Đặc biệt, không chỉ trẻ lớn mới cần được tôn trọng. Thực tế, trẻ nhỏ hơn cũng cần có những ranh giới mà cha mẹ không thể vượt qua.
Ranh giới đầu tiên là cha mẹ làm trẻ thấy xấu hổ. Chuyên gia này đã dẫn chứng một cảnh trong phim bom tấn “Ký sinh trùng”. Trong đó, nhân vật người lái xe đã sát hại ông chủ. Bởi, nhiều lần, ông chủ khiến người lái xe xấu hổ, mất mặt. Ban đầu, người lái xe thường xuyên nuốt sự uất ức, bực dọc vào trong. Đến thời điểm bùng phát, anh ta không thể chịu đựng được và đã sát hại ông chủ.
Do đó, khi sử dụng quyền của cha mẹ để khiến con xấu hổ, có thể thời điểm đó, trẻ không phản kháng. Tuy nhiên, từ sâu trong vô thức thì trẻ không bao giờ tôn trọng phụ huynh. Do đó, ranh giới đầu tiên không thể xâm phạm là khiến người khác xấu hổ.
Ranh giới thứ hai là lừa dối con. Nhiều cha mẹ cho rằng, trẻ con không biết gì nên lừa gạt trẻ. Nhiều người khách đến chơi nhà, có thói quen trêu trẻ là: Cho bác cái áo, cái tivi này bác mang về nha. Điều đó khiến trẻ trở nên ích kỷ, tham lam hơn. Thậm chí, nhiều người khi thấy trẻ sắp có em, thường trêu là: Mẹ sắp hết yêu con rồi. Điều đó khiến trẻ cảm thấy mất mát, thậm chí có thể ghét em.
Ranh giới thứ ba nhiều phụ huynh hay mắc phải là trêu chọc chuyện của con, mang ra để đùa giỡn. Như vậy, lần sau, nếu muốn chia sẻ, trẻ cũng không dám. Do đó, việc mang chuyện của con ra để đùa giỡn là không nên.
Điều thứ tư là hay chê bai chuyện nhỏ nhặt mà con không giỏi. Ví dụ, có những trẻ thì vận động thô tốt, trẻ thì vận động tinh tốt. Thực tế, theo nữ chuyên gia, ngay cả với người lớn, nếu ai chê những điều nhỏ nhặt, không làm được, thì bản thân chúng ta cũng sẽ chán và không muốn làm điều đó nữa.
Ranh giới thứ năm mà cha mẹ không được phép bước qua là bí mật của con. “Cha mẹ không được tùy tiện xâm phạm bí mật của con. Ai cũng có bí mật dù nhỏ hay lớn, cả cha mẹ cũng thế và chẳng ai muốn bị người khác tùy tiện xâm phạm. Nhật ký, thư từ hay những chiếc hộp bí mật của con, cha mẹ đừng tùy tiện mở ra nếu chưa có sự đồng ý của trẻ”, chuyên gia cho biết.
Không phải vì cha mẹ có ý tốt khi muốn biết bí mật của con để bảo vệ con mà có quyền cư xử tùy tiện. Điều này sẽ khiến trẻ không còn tôn trọng, tin tưởng vào cha mẹ, thậm chí né tránh, hạn chế chia sẻ, nói chuyện với phụ huynh.
Do đó, phụ huynh cần tôn trọng, tin tưởng vào con để không bước qua ranh giới bí mật của trẻ. Bởi, khi phụ huynh làm bạn với con, trẻ sẽ tự kể cho cha mẹ biết mọi bí mật.
Cha mẹ cần phải đặt ra giới hạn giữa yêu thương và chiều chuộng một cách thái quá. Có câu nói: “Dạy con từ thuở còn thơ” như một lời khẳng định về phương pháp dạy con ban sơ nhất. Đó là cần phải cho trẻ biết chúng cần chịu trách nhiệm về chính việc làm của mình ngay từ khi còn nhỏ. Phụ huynh có thể yêu thương con như một điều tất yếu, nhưng cần cho chúng những kỷ luật để giáo dục.